.
.

Tâm Linh Như Sự Đổi Thay Của Đời Sống Thường Ngày: Phật Giáo Ở Nhật Bản Thế Kỉ 21


Một bài báo trên The New York Times năm 2008 đã đặt ra một câu hỏi có tính khiêu khích rằng liệu có phải Phật giáo ở Nhật Bản “đang chết đi” hay không (Onishi 2008).

Jan-17-B24-H01

Một nhà sư đang rót thức uống ở quán bar Phật giáo Vowz. (Nguồn: jpinfo.com)

Không giống những bình luận cho rằng người Nhật không “tôn giáo” cho lắm, bài viết trên không hề đề cập đến những cảm giác chung của nhiều người Nhật về những thực hành và hoạt động Phật giáo hay Thần đạo (Shinto) về bản chất là có tính văn hóa hơn tôn giáo, hoặc cảm giác rằng khái niệm “tôn giáo” là một sự nhập khẩu ngoại quốc, và do vậy, một thứ nhập ngoại liên quan đến một thiết lập đặc biệt về đức tin và thái độ có ảnh hưởng thống trị ở nước ngoài nhưng lại không thích hợp ở Nhật. Bài viết này cũng không hề gợi lên sự bất an chung liên quan đến tôn giáo đã từng hiển hiện ở quốc gia này vào thời điểm các thành viên của giáo phái Aum Shinrikyo thực hiện vụ tấn công bằng khí sarin năm 1995. Thay vào đó, bài báo dựa vào nhiều phỏng vấn với các tu sĩ Phật giáo ở Nhật Bản – những người than thở về thực tế là nhiều ngôi chùa đang dần mất đi các thành viên, rồi hình thức “Phật giáo tang lễ” và thậm chí là những hình thức truyền thống của việc tu tập Phật giáo như tọa thiền (zazen) và quán niệm mạn-đà-la dường như không còn khả năng tồn tại hay có thể tạo động lực cho số đông người Nhật nữa.

Những quan sát về nhiều ngôi chùa Phật giáo ở Nhật Bản đang gặp khó khăn và nhiều người Nhật Bản trẻ tuổi hết hứng thú với Phật giáo nói riêng, với tôn giáo nói chung là hoàn toàn chính xác. Hòa thượng Fujita Issho và hòa thượng Yamashita Ryodo cùng có những tiếng nói tương đồng khi họ kêu gọi Phật giáo nên “hiện đại hóa” trong một chuyên khảo của mình năm 2013 (Fujita & Yamashita 2013). Tuy nhiên, không những xuất hiện sự sụt giảm thành viên trong các ngôi chùa do tình trạng lão hóa chung của dân số Nhật Bản và những thay đổi trong cấu trúc kinh tế và văn hóa Nhật Bản nói chung, mà còn có một sự tăng lên của nhiều hình thức mới của các hoạt động tôn giáo và tâm linh năng động ở Nhật Bản, cứ như thể người Nhật đã đoán trước được lời kêu gọi của Fujita và Yamashita.

Jan-17-B24-H02

Bồ tát Kannon trong hình tượng người mẹ ở trước Chùa Kinsho. (Ảnh: Gereon Kopf)

Bất cứ ai quen thuộc với khung cảnh tôn giáo của Nhật Bản đã từng chứng kiến những hình thức mới của các hoạt động tôn giáo và một sự tái khám phá cũng như biến đổi của truyền thống Phật giáo đều có thể thấy sự phát triển này có thể chia thành 5 loại: 1) những nghi lễ được tạo ra để đáp ứng những nhu cầu đặc biệt, như nghi thức mizuko kuyo để thương tiếc những bào thai bị sẩy hoặc bị bỏ và các nghi lễ tưởng niệm động vật; 2) các chương trình cứu trợ, đặc biệt là cứu trợ thảm họa sóng thần và hạt nhân ngày 11/3/2011; 3) toàn bộ sự thừa thãi quá mức của những cuộc hành hương, vốn được phổ biến rộng rãi trong sách, tạp chí; 4) những chương trình tiếp cận cộng đồng, từ các chương trình can thiệp xã hội đến các hình thức đương đại của tư vấn tâm linh; và 5) các biểu tượng văn hóa dân gian hiện đại và những nhân vật nổi tiếng trên truyền hình – những người đã đem đến cho Phật giáo một hơi thở mới, như ni sư Seto’uchi Jakucho.

Jan-17-B24-H03

Hòa thượng Ittetsu Nemoto. (Nguồn: newyorker.com)

Tuy nhiên, những gì đã ít nhận được sự chú ý hơn là các chương trình tiếp cận cộng đồng mới của Phật giáo cũng như các cuộc hành hương không liên kết với các biểu tượng văn hóa nổi tiếng, như Kobo Daishi (774-835), người sáng lập trường phái Chân Ngôn (Shingon) hay nhà thơ haiku Basho (1644-1694). Những ví dụ về các cuộc hành hương của 34 ngôi chùa của Kannon (tiếng Sanskrit: Avaloiteshvara, Bồ tát Từ bi, tức Quán Thế Âm – ND) ở Chichibu, quận Saitama; chương trình ngăn chặn tự tử của hòa thượng Ittetsu Nemoto; và quán bar Phật giáo Vowz ở Tokyo. Hành hương ở Chichibu đã được tái khám phá trong cuộc bùng nổ hành hương đại chúng có thể chứng kiến ở Nhật Bản hiện nay, trong khi đó quán bar Phật giáo Vowz lại được thiết kế để giới thiệu cho những khách hàng quen thuộc của họ về Phật pháp thông qua những cuộc trò chuyện và tụng niệm bình thường.

Lúc đầu, công việc của hòa thượng Nemoto và các nhà sư làm việc trong quán bar Phật giáo Vowz dường như có vẻ mâu thuẫn với Ngũ giới và phong cách sống truyền thống vốn chú trọng chủ nghĩa tự viện của Phật giáo. Tuy nhiên, hành động của họ không những có tiền lệ trong lý tưởng Bồ tát như đã từng thấy trong Kinh Vimalakirti Nirdesha, lý giải rằng các Bồ tát trở thành thuốc cho người ốm và thức ăn cho những người đói mà còn được gợi lên bởi cái gọi là “những nhà sư cuồng” như Jigong (1130-1207) và Ikkyu (1394-1481), những người đã phá vỡ các giới luật bằng nỗ lực của bản thân để cứu độ mọi chúng sinh. Trong một ý nghĩa nào đó, các chương trình tiếp cận cộng đồng Phật giáo của hòa thượng Nemoto và quán bar Phật giáo Vowz là những biểu hiện của thứ “Phật giáo nhập cuộc”, tức là, một hình thức Phật giáo năng động của chủ nghĩa tích cực xã hội được thiết kế để bảo vệ và trao quyền cho các thành viên của một tập thể bị tước quyền công dân trong xã hội.

Jan-17-B24-H04

Bức chạm khắc ở Chùa Kinsho miêu tả câu chuyện Bồ tát Kannon dùng hình thức nữ giới của mình để cảm hóa trái tim của Aragi Tange, một người bạo hành phụ nữ. (Ảnh: Gereon Kopf)

Điều khiến chương trình hành hương Chichibu đặc biệt hấp dẫn đó là những ngôi chùa liên kết lại, chuyên bảo vệ phụ nữ khỏi bất công, bạo lực và miêu tả Kannon bằng hình tượng nữ. Vai trò xã hội của kiểu thực hành Phật giáo đặc biệt này không chỉ gợi lên truyền thống về sự tận hiến và truyền thuyết Phật Bà Quan Âm (hình thức biểu hiện Kannon ở Trung Quốc, nơi mà vị Bồ tát này cũng được thể hiện trong hình thức nam), nó cũng là tiếng vọng của những trường hợp ít được nghiên cứu, ít được nhắc đến xuyên suốt lịch sử Nhật Bản khi mà các tu sĩ hoặc chùa viện Phật giáo đã giúp đỡ những người phụ nữ vượt qua hoặc ít nhất là đương đầu với phân biệt giới tính và xem thường phụ nữ của một nền văn hóa gia trưởng dựa trên nền tảng của hệ thống tín ngưỡng Phật giáo. Hai ví dụ về sự hỗ trợ phụ nữ của Phật giáo năng động này là chùa Tokei-ji, một ngôi nhà an toàn dành cho phụ nữ ở cuối thời Kamakura (1185-1333) cũng là một “ngôi chùa ly hôn” (Engiridera) trong thời kì Edo (1603-1868) và công việc hiện nay của ni sư nổi tiếng Seto’uchi, người đã trở thành thần tượng vì những ủng hộ, khuyến khích phụ nữ của bà.

Jan-17-B24-H05

Một góc Chùa Tokei-ji. (Ảnh: Gereon Kopf)

Jan-17-B24-H06

Một bức áp phích xuất hiện từ thời Edo (1603-1868) miêu tả một người phụ nữ đang trốn khỏi người chồng của mình bằng cách chạy vào chùa Tokei-ji. (Ảnh: Gereon Kopf)

Do vậy, hiển nhiên rằng Phật giáo ở Nhật Bản không phải “đang chết dần” mà thay vào đó, nó đang thay đổi để đương đầu với những vấn đề đương đại. Nhật Bản hiện nay đang chứng kiến sự nổi lên của những cái mới, sự thay đổi của truyền thống, những hình thức tu tập và hoạt động Phật giáo nhấn mạnh vào sự kết nối mật thiết giữa tâm linh với nhận thức xã hội và chủ nghĩa tích cực. Những hình thức thực hành mới này, tuy nhiên, không thay thế các hình thức thiền định, tụng niệm và thậm chí là các nghi thức tang lễ truyền thống. Thay vào đó, chúng bổ sung cho các hình thức truyền thống để “hiện đại hóa” những lý tưởng Bồ tát cho thế kỉ 21 và cho thấy những mô hình thú vị của cách sống từ bi vì trí tuệ trong thời đại chúng ta.

Theo Dân Nguyễn (Dịch từ Buddhistdoor)/ Pháp bảo