Đó là tình thương! Trò cần tình thương để lớn lên với tất cả niềm tin rằng thế giới bao la và bao dung, như chính những câu chuyện cổ tích các em đã từng được nghe kể. Từ tình thương nhận được ở mái nhà và mái trường các em gắn bó mỗi ngày ngay từ thuở i tờ tập viết, tập nói, tập hát đó – sẽ dần đắp xây nên nhân cách trẻ thơ.
Cô giáo cũng cần tình thương để trở thành cô giáo đúng nghĩa, thành “mẹ hiền” như ví von trong lời bài nhạc dành cho con trẻ: khi đến trường cô giáo như mẹ hiền!
Cô giáo cho đi tình thương và để mình được “lớn lên” trong tình thương ấy, bằng chính sự dưỡng nuôi cho những mầm non. Khi đó, tình thương trao đi không mất đi mà sẽ làm cho nó lớn lên trong lòng cả cô lẫn trò, cho thế giới trở nên hòa bình ngay từ chính ngôi trường đầu tiên mà các em theo học.
Chúng ta vẫn hay nghĩ xa xăm về việc dựng xây một thế giới tốt đẹp, một xã hội hoàn hảo thế này, thế kia, nhưng quên mất rằng, xã hội hình thành từ chính những ngôi trường, lớp học mà trẻ bắt đầu hòa nhập vào cuộc đời và từ chính ngôi nhà bé nhỏ của mình.
Chúng ta – người lớn, vẫn hay ta thán rằng, trẻ bây giờ ít nghe lời, sống ích kỷ, bạo lực… nhưng quên mất, các em đã lớn lên từ quá nhiều bạo lực xung quanh và người lớn chúng ta dự phần tạo nên.
Giá như tất cả cô giáo đều biết tin nhân quả và thấy được mỗi lời nói, việc làm của mình sẽ trở lại với bản thân hoặc với gia đình mình theo vòng quay luân hồi, thì hẳn sẽ biết dành dụm yêu thương cho con trẻ.
Giá mà, việc đào tạo cô giáo vỡ lòng (mầm non) được chăm chút kỹ lưỡng hơn, để người dạy cũng quán niệm về lòng biết ơn những người học đã cho mình cơ hội việc làm, người học hiểu sâu ân giáo dưỡng giúp mình có chìa khóa vào đời… thì đâu phải có những thước phim đau lòng? Nghĩ tới đây, lại ước mong về những ngôi trường mầm non Phật giáo, ở đó, cô giáo được đào tạo với đức thương yêu, hiểu biết, có thể lắng nghe con trẻ bằng trái tim của một vị Bồ-tát…
An Lạc