.
.

Khai mạc khóa tu tuổi trẻ “Nguyện theo hạnh Phật” tại chùa Bằng


Sáng ngày 30 tháng 06 năm 2018, nhằm ngày 17 tháng 05 năm Mậu Tuất, chùa Bằng (Linh Tiên Tự) – phường Hoàng Liệt – quận Hoàng Mai – Thành phố Hà Nội phối hợp cùng chùa Hoằng Pháp – TPHCM long trọng khai mạc khóa tu mùa hè dành cho tuổi trẻ lần thứ VIII với chủ đề “Nguyện theo hạnh Phật”.

Trong ánh nắng vàng nhẹ của buổi sớm mai, nụ cười của các em khóa sinh đều như rạng rỡ hơn, vui tươi hơn. Sau bao tháng ngày học tập căng thẳng, mệt nhọc, giờ đây các em đã chính thức bước vào mái già lam uy nghi để trải nghiệm cuộc sống an lạc, thảnh thơi, không điện thoại, không công nghệ thông tin trong 6 ngày 5 đêm diễn ra khóa tu. 

Đúng 10h00, ba hồi chuông trống bát nhã ngân vang, các khóa sinh chắp tay búp sen thành kính cung thỉnh chư tôn đức quang lâm lễ đường để chính thức bắt đầu buổi lễ khai khóa.
Chứng minh buổi lễ có Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban hoằng pháp TW GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội, trưởng Ban tổ chức khóa tu; Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ – Ủy viên HĐTS, Phó ban hoằng pháp TW, Trưởng Ban hoằng pháp GHPGVN Thành phố Hà Nội; Thượng tọa Thích Tâm Định – Ủy viên HĐTS, Ủy viên Ban hoằng pháp TW; Đại đức Thích Chánh Thuần – Phó thư ký Ban hoằng pháp GHPGVN thành phố Hà Nội cùng chư tôn đức Tăng bản tự, chư tôn đức Tăng chùa Hoằng pháp – thành phố Hồ Chí Minh.
Về phía khách mời có: NSUT Đỗ Kỷ; Võ sư Trần Nam Chung – chủ nhiệm võ đường Nam Thiên Phật Môn Quyền.
Trước khi bắt đầu vào buổi lễ khai khóa, Hòa thượng trụ trì cùng chư tôn đức Tăng và toàn thể đại chúng đã làm lễ niêm hương bạch Phật, yết Tổ cầu nguyện khóa tu thành tựu viên mãn.
Tại buổi lễ, thay mặt ban tổ chức, Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ có lời phát biểu khai mạc nhấn mạnh tinh thần ý nghĩa của khóa tu mùa hè.
Theo đó, khóa tu mùa hè là hoạt động thiết thực và gần gũi nhằm hướng các bạn trẻ nhận ra mục đích và lý tưởng trong cuộc sống, đồng thời tạo ra sân chơi lành mạnh, giáo dục tâm linh, đạo đức và hướng thiện cho giới trẻ, với mong muốn xây dựng một thế hệ tương lai tươi sáng, phát triển toàn diện trí tuệ và đạo đức trong thế giới hội nhập hiện nay. Đồng thời góp phần xây dựng một cộng đồng xã hội sống đạo đức, văn minh cùng phát triển trong tinh thần đầy tính nhân văn và sự hiểu biết, mang lại giá trị cho công cuộc trồng người và sự nghiệp hoằng dương chính Pháp, thể hiện tinh thần Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc trong hơn hai nghìn năm qua. Đó cũng là lý do khóa tu mùa hè luôn được sự đón nhận quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Tại buổi lễ khai mạc các bạn trẻ đã được quý thầy trong ban tổ chức chia làm 5 Chúng gồm “Từ Bi, Hỷ Xả, Tha Thứ, Nhẫn Nhục, Lắng Nghe”. Các em đã được quý thầy giảng giải về ý nghĩa danh từ được đặt cho các Chúng, đồng thời được hướng dẫn các nội quy cơ bản, được học 20 điều biết ơn, được bố trí hướng dẫn nơi ăn ở sinh hoạt, và các quy định trong khóa tu với mong muốn các em tuân thủ tuyệt đối để khóa tu được thành công như mong muốn.
Ban đạo từ tại lễ khai mạc lần thứ 8, Hòa thượng Trưởng ban tổ chức chia sẻ: “Mục đích của chủ đề mỗi năm vẫn là mong muốn các thí sinh về ngôi cổ tự tham dự khóa tu với tinh thần vui khỏe, hoan hỷ, hạnh phúc và tràn đầy năng lượng bình an. Năm trước với chủ đề “Con về bên Phật”, thì năm nay chúng ta đã về bên Phật phải “Nguyện theo hạnh Phật” đó là sự kết nối xuyên suốt của các khóa tu tuổi trẻ ở chùa Bằng”.
Hòa thượng nhấn mạnh vai trò sức mạnh của tuổi trẻ như lời dạy của Đức Phật trong bốn ví dụ: vị sư nhỏ, hoàng tử nhỏ, con rắn nhỏ, và đốm lửa nhỏ. Những ví dụ đã nói về sức mạnh của tuổi trẻ cần được chăm sóc tốt, nuôi dưỡng tốt thì sẽ trở thành tốt và ngược lại nếu không được chăm sóc tốt sẽ có tác hại cho mai sau.
Điều quan trọng và cốt lõi của khóa tu vẫn là phương pháp và cách thức chuyển hóa nội tâm cho các em hướng đến những điều bổ ích, tốt đẹp, giúp các em có một tinh thần vui vẻ, biết đến Phật pháp và biết sống theo lời Phật dạy có đạo đức, trí tuệ, giàu lòng từ bi, hy sinh lợi ích bản thân để phụng sự cho xã hội, cho đất nước, đó cũng là mục đích cao cả nhất mà khóa tu hướng đến.
Nhân dịp này, Hòa thượng gửi lời tri ân chư tôn đức đã dành thời gian tu tập quý báu trong mùa an cư kiết hạ để về tham dự lễ khai mạc của khóa tu cũng vì sự nghiệp giáo dục trồng người cho thế hệ tương lai. Hòa thượng cũng ghi nhận sự hỗ trợ nhiệt tình của cá nhân Thượng tọa Thích Chân Tính và chư Tăng chùa Hoằng Pháp trong hàng chục năm qua trong các sự kiện trọng đại, trong đó có khóa tu mùa hè hằng năm.
Được biết, để tổ chức một khóa tu thành công, ban tổ chức đã nỗ lực hết sức trong công tác chuẩn bị cũng như theo suốt những ngày các em có mặt nơi đây. Từ bộ phận nhà bếp phải chia nhau làm việc suốt 24/24 phục vụ nhu cầu ăn uống, bộ phận y tế, có chuyên môn, nghiệp vụ ở lại chùa khám và chữa bệnh cho các bạn khoá sinh, bộ phận khác như bảo vệ, an ninh, vệ sinh,… cũng luôn trong một tinh thần dấn thân phục vụ các bạn trẻ góp phần tạo nên một khóa tu thành công viên mãn để các em cảm thấy vui vẻ, thoải mái, khỏe mạnh cảm thấy thanh thản, giải tỏa những căng thẳng sau một thời gian học tập vất vả.

Buổi chiều, các em đã vân tập về lễ đài chính chùa Bằng, lắng nghe thời pháp thoại đầu tiên trong khóa tu, do Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm thuyết giảng với chủ đề “Nguyện theo hạnh Phật”.

Mở đầu bài giảng, Hòa thượng đã chia sẻ với các khóa sinh về sơ lược tóm tắt lịch sử cuộc đời Đức Phật và nhấn mạnh “Nguyện theo hạnh Phật là chủ đề của khóa tu chúng ta năm nay, vậy chúng ta phải tìm hiểu xem Đức Phật là ai và có những đức hạnh gì mà chúng ta nguyện theo những đức hạnh đó của Ngài. Đức Phật là thầy của chúng ta, Ngài là cha, là mẹ của chúng ta và Ngài cũng rất con người. Học theo hạnh Phật là học theo đức hạnh của một con người chứ không phải ta học theo một vị thần, vị thánh, một vị trong thế giới siêu hình nào đó”.

Qua đó, Hòa thượng mong rằng “nguyện theo hạnh Phật” chính là mong các khóa sinh học được 5 hạnh nguyện của Đức Phật.

Hạnh đầu tiên của Đức Phật là hạnh ước mong. Đức Phật là một con người vĩ đại. Vì vậy sau khi vua cha cho Ngài đi tham quan 4 cửa thành, Ngài nhìn thấy những sự khổ đau mà con người ai cũng phải trải qua. Ngày đầu tiên Ngài nhìn thấy sự khổ đau của một người già, ngày thứ 2 Ngài nhìn thấy sự khổ đau của một người ốm, ngày thứ 3 Ngài nhìn thấy sứ khổ đau của 1 người chết. Và ngày cuối cùng, Ngài gặp một người tu sĩ, từ dáng đi, từ nét mặt, nụ cười của vị tu sĩ đó toát lên sự giải thoát của một người ra khỏi thế tục. Ngài mong muốn một ngày nào đó, như vị tu sĩ kia, Ngài cũng tìm ra con đường chân lý để cho tất cả chúng sinh hết hẳn sự khổ đau. Đó là mong muốn cao cả nhất của Đức Phật mà Ngài đã làm và Ngài đã thành đạt được.

Hôm nay về đây tham dự khóa tu này là các con đang mong ước được trở về chùa, được cùng chúng bạn tham dự khóa tu, được vui chơi, được cười, được học hỏi những điều hay, những điều hữu ích trong tương lai. Từ đó chúng ta mong muốn rằng chúng ta lớn lên trở thành con ngoan, trò giỏi, hiếu kính với cha mẹ và sẽ có một tương lai tốt đẹp. Tương lai đó, các con sẽ tốt nghiệp THPT, tốt nghiệp Đại học, tốt nghiệp Cao Đẳng, tốt nghiệp các trường Trung cấp, sau đó sẽ có một gia đình hạnh phúc, và sẽ là những nhà lãnh đạo của đất nước, của các địa phương, những nhà khoa học, những nhà tri thức, những người công nhân giỏi, những nhà doanh nhân lớn, những bác nông nghiệp tài ba trên bất cứ lĩnh vực nào mà mình công tác. Đó là những mong muốn chân chính mà chúng ta ước mơ. Vậy chúng ta học theo hạnh đầu tiên của Đức Phật, thầy mong muốn các con phải làm sao để cho ước mơ của mình bay cao, vươn xa, thành đạt muôn màu muôn vẻ trong cuộc sống, ước mơ cho đất nước mình được sánh vai với các cường quốc năm châu.  Ước mong thì cũng có những ước mong xấu. Từ nay, các con hãy nguyện với Phật chúng con sẽ không bao giờ nghĩ tới, không bao giờ làm những điều xấu, và chúng con chỉ ước mong những điều chân chính, tốt đẹp cho cuộc sống của chúng con và cho đất nước”.

Hạnh thứ hai của Phật mà Hòa thượng mong các em học được ở nơi Phật là về tình yêu thương. Đức Phật rất tôn trọng cuộc sống và Ngài yêu thương tất cả mọi người. Khi còn ở trong gia đình, Ngài xin đi xuất gia, vua cha không cho Ngài đi. Ngài yêu cầu vua cha đáp ứng những câu hỏi của mình thì Ngài sẽ không đi xuất gia nữa. Các câu hỏi đó là:  Làm sao cho con trẻ mãi không già? làm sao cho con hết bệnh không đau? làm sao cho con sống hoài không chết? làm sao cho con hết mọi khổ đau? Tuy nhiên, Ngài cũng không muốn làm cho vua cha buồn. Vì vậy Ngài tuân lời, kết duyên với công chúa Da Du Đà La. Mặc dù dạo chơi bốn cửa thành, mặc dù sau khi dự lễ tịch điền, Ngài nhìn những con vật bị giết, bị giày xéo bởi bước chân con người, bởi những con vật khác, Ngài thương lắm và muốn tìm ra nguyên nhân tại sao con người lại bị khổ đau và con đường để xóa sạch hết mọi khổ đau đó. Nhưng vì tình thương của Ngài đối với vua cha của mình, Ngài đã ở lại, kết hôn và sinh hạ thái tử La Hầu La, Ngài đã trọn vẹn lời hứa tìm người nối dõi ngai vàng đối với vua cha Tịnh Phạn. Tình thương của Ngài đối với vua cha là cực kỳ to lớn, Ngài biết nghe lời và đáp lại sự mong muốn của phụ hoàng. Sự mong muốn này của vua Tịnh Phạn nhân rộng ra cũng là sự mong muốn về sự trường tồn của dòng tộc Thích Ca mà ngài được sinh ra làm một người con của dòng họ. Năm Ngài 29 tuổi, Ngài đã lìa vua cha, rời bỏ cung vàng điện ngọc vợ đẹp con khôn để đi tìm con đường giải thoát cho tất cả chúng sinh.Trải qua 6 năm vào núi tuyết tu khổ hạnh, năm 35 tuổi, Đức Phật đắc đạo thành Phật. Trong năm đó, Ngài quay trở về hoàng cung để thăm vua cha và gặp mặt tất cả những người thân trong hoàng tộc. Mặc dù đã đi xuất gia và thành Phật rồi nhưng Ngài vẫn nhớ đến những người đã từng sống cùng mình hồi nhỏ và tình yêu thương của vua cha, di mẫu. Ngài quay trở về thăm và độ cho những người thân yêu của mình cùng đi trên con đường giải thoát giác ngộ.

Hòa thượng mong các em khóa sinh hãy noi gương Đức Phật. Ngài có một tình thương bao la đối với cả con người, con vật và cả môi trường. Mình quý trọng cuộc sống của mình như thế nào thì mình cũng phải quý trọng và tôn trọng mạng sống của người, của vật và của cả cỏ cây hoa lá như thế. Hơn nữa, học theo hạnh Phật, chúng ta phải biết yêu thương nhau, yêu thương cha mẹ, yêu thương anh em, yêu thương bạn bè, yêu thương tất cả loài vật và yêu thương cả quê hương đất nước, yêu thương tất cả trái đất này của chúng ta.

Hạnh thứ ba mà Hòa thượng nhắc các em khóa sinh cần phải học, đó là hạnh biết ơn và báo ơn. Đức Phật dạy rằng ai cũng phải biết ơn và báo ơn. Sau này các tổ dạy lại rằng trên đời này có 4 ơn lớn nhất đó chính là ơn Tam Bảo, ơn Tổ quốc đồng bào, ơn cha mẹ sinh thành thầy cô dạy bảo, và ơn cuối cùng là ơn đồng bào vạn loại. Ơn thứ 4 là ơn đồng bào vạn loại.

Hạnh thứ tư là hạnh đoàn kết và hòa hợp. Làm việc gì, Đức Phật cũng đề cao tinh thần bình đẳng và đoàn kết. Khi 4 vị tỳ kheo ở với nhau hoặc trong khóa tu này, các con ở với nhau, phải giữ 6 điều hòa.  Thứ nhất là thân cùng ở. Thứ 2 là miệng không cãi nhau, yêu thương đoàn kết với nhau. Thứ 3 là giữ tâm ý vui vẻ, tha thứ cho những lỗi lầm của người khác nhỡ làm cho mình không vui. Thứ 4 là giữ gìn giới luật chung, hay với khóa tu này là các con giữ gìn 20 điều nội quy của khóa tu mà chúng ta đã phát nguyện. Thứ 5 là bảo ban cho nhau những điều vui để cùng nhau tu tập. Thứ 6 là chia sẻ cùng nhau, cùng ăn, cùng uống, cùng chơi hay thậm chí trong khóa tu này các con có thể chia sẻ cho nhau chỗ ngồi mát, chỗ tắm giặt, chỗ các bạn cùng chơi với nhau sau từng giờ thời khóa. Trong cuộc sống của các thầy trong Phật giáo, khi quyết định bất cứ điều gì thì đều cần cả đại chúng phải chung sức và đồng ý dựa trên ý nghĩa của 6 phép hòa này.

Những ngày tu ở đây, nếu các con giữ được với nhau 6 phép hòa thì những ngày tu các con sẽ giữ được sự đoàn kết, sau này ra về, các con sẽ có được sự đoàn kết trong lớp học, trong khu dân phố và đặc biệt anh chị em, cha mẹ, con cái trong gia đình sẽ không bao giờ có sự xích mích. Chúng ta đi đâu cũng giữ được 6 cái hòa đó thì đi đâu, ở đâu cũng có người thương ta và ngược lại ta cũng thương yêu, đoàn kết với tất cả mọi người.

Hạnh thứ 5 là hạnh lắng nghe, chia sẻ và bao dung, tha thứ. Hạnh này rất cần thiết trong cuộc sống. Đức Phật rất bình đẳng, Đạo Phật là đạo bình đẳng. Khi đến với Phật giáo, quả vị cao nhất là quả vị Phật, nhưng không phải mình Đức Phật là vị trí độc tôn, chỉ có mỗi Ngài là Phật mà Ngài dạy rằng Phật là Phật đã thành, tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành. Trong giờ phút này, chỉ cần tâm ý các con giữ trong sạch, tâm không nghĩ những điều xấu xa, ác độc, tâm các con nghĩ về những hạnh thanh tịnh của Phật. Thì cảnh giới chúng ta đây tức thành cõi Phật và các con cũng đang là những vị Phật hiện tại như trong quan niệm của tông Thiên Thai đã dạy. Rồi từ đó chúng ta chuyển hóa, mỗi ngày chúng ta bỏ bớt một tâm ác, đến lúc chúng ta sẽ không còn chút xấu ác nào thì những điều thánh thiện sẽ hiện lên, điều giác ngộ bừng tỏa thì tức là chúng đã thành Phật.

Trong khóa tu này, các con hãy thực hành hạnh lắng nghe, các con chia sẻ cho nhau về gia đình, về bố mẹ, về cuộc sống. Chúng ta lắng nghe tâm sự của nhau. Sau này đi học, chúng ta lắng tai nghe thầy cô, bạn bè. Về nhà lắng nghe anh chị em, bố mẹ của mình. Từ đó chúng ta hiểu nhau hơn để bao dung và tha thứ.

Cuối cùng, Hòa thượng đã khuyến tấn các bạn khóa sinh “Đức Phật được tôn xưng là “Vạn đức từ tôn”. Hạnh nguyện của Đức Phật thì rất nhiều và toàn những điều lớn lao. Tuy nhiên trong khuôn khổ và sự nhận thức của các con trong khóa tu, thầy chỉ nên ra 5 nhóm vấn đề, tức là học theo 5 hạnh trong muôn hạnh của Đức Phật để các con làm kim chỉ nam, làm đường hướng trong khóa tu này và lấy đó làm hành trang cho cuộc sống mai sau. Rồi sau đó các con tiếp tục học các hạnh tiếp theo trong muôn hạnh của Đức Phật. Chúng ta sẽ trở thành một con người thánh thiện và một ngày chúng ta cũng sẽ thành Phật như Đức Phật đã nói”.

Buổi tối cùng ngày, các em đã được quý Thầy trong Ban tổ chức hướng dẫn “Oai nghi người Phật tử” như: chắp tay, xá chào, lễ lạy, kinh hành, nghi thức cúng quá đường. Với việc học tập “Oai nghi người Phật tử”, các em đã bước những bước đi đầu tiên đến với cửa Phật bằng tất cả lòng tôn kính với Đấng Thế Tôn – vị thầy của ba cõi, vị cha lành của bốn loài.

Chùa Bằng