.
.

Ai biết mình là ai đâu, sao phải ngại: Lý lẽ phi lý đang dần được chấp nhận?


“Ai biết mình là ai đâu, sao phải ngại!” – Đó là một câu nói đã trở nên quen thuộc trong xã hội Việt Nam ngày nay. Thoạt nghe có vẻ có lý, thế nhưng, ở tất cả mọi thời điểm, trong mọi hoàn cảnh, khi bạn làm bất kể việc gì dù đúng hay sai, sẽ luôn có một người biết bạn đang làm điều đó.


face_0

Một lần, Ramakrishna – một bậc thượng sư Ấn Độ yêu cầu các đệ tử của mình ăn trộm một ít gạo trong nhà với điều kiện là không được để ai nhìn thấy.

Sau một tuần, tất cả đệ tử của Ngài quay trở lại với số gạo ăn trộm được, chỉ trừ một người. Mọi người đều vui mừng vì họ có thể hoàn thành nhiệm vụ ăn trộm gạo trong nhà mà không để ai nhìn thấy mình.

Ramakrishna hỏi người đệ tử còn lại kia vì sao đến đây với bàn tay trắng.

Người đệ tử thưa rằng, mặc dù anh ta rất cố gắng che mắt tất cả mọi người khi ăn trộm gạo, nhưng anh ta luôn luôn nhìn thấy chính mình đang ăn trộm. Vậy nên, không có lúc nào anh có thể ăn trộm gạo mà không để ai nhìn thấy cả.

Bởi vì dù chúng ta làm gì đi nữa, dù là điều tốt hay điều xấu, không bao giờ chúng ta có thể giấu được một người, đó chính là bản thân chúng ta.

Người đệ tử đến với bàn tay trắng đó chính là Swami Vivekananda, người sau này được tôn vinh như một lãnh tụ tinh thần nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng nhất của triết lý Vedanta Ấn Độ.

Bài học đơn giản nhưng sâu sắc từ việc trộm gạo mà thượng sư muốn truyền đạt là:

Bất cứ khi nào chúng ta cố làm điều sai trái, ngay cả khi chúng ta giấu được tất cả mọi người, thì chúng ta không bao giờ giấu được chính bản thân mình. Vì vậy, hãy thành thật với bản thân và đừng làm những điều sai trái.

Thế nhưng, trong xã hội ngày nay, người ta thậm chí còn làm những điều sai trái ngay giữa thanh thiên bạch nhật, trước mặt nhiều người, chứ không chỉ là một mình họ biết thôi. Bởi họ có lý lẽ rằng: “Ai biết mình là ai đâu, sao phải ngại!”.

Có lần tôi đang đứng chờ đèn đỏ trên đường thì một bác xe thồ đằng sau thúc giục “đi đi em ơi, không có công an đâu”. Tôi nói rằng mình không thể phạm luật được, kể cả có hay không có công an. Bác ấy có vẻ bực bội vì bị tôi làm mất thời gian chắn đường không vượt lên được và nói: “Gớm, ai biết mình là ai đâu mà phải lắm chuyện”.

Lần khác khi tôi xếp hàng vào cửa soát vé lên máy bay, một cặp vợ chồng trẻ với con nhỏ đã vén dây phân làn khách để đi đường tắt cho nhanh. Thấy chồng có vẻ không đồng ý và còn đang phân vân, cô vợ liền nói: “Ai biết mình là ai đâu mà”.

Thật ra khi bạn làm bất kỳ điều gì, dù không ai biết bạn là ai, nhưng còn có bản thân bạn. Chính bạn là người thấy rõ nhất cử nhất động của bản thân. Chính bạn là người biết rõ mình hơn bất kỳ ai khác. Và chính bạn, sẽ có những phán xét chính xác nhất cho mình.

Việc không thành thật với chính mình có thể biểu hiện ở rất nhiều phương diện mà bạn có thể không nhận ra. Đôi khi bạn từ bỏ điều mình rất mong muốn làm để làm việc mà bạn không hề muốn chỉ vì những lợi ích trước mắt. Đôi khi bạn biết mình đã sai nhưng vẫn phải phản ứng ra ngoài với mọi người rằng mình đúng và họ mới là người sai. Đôi khi bạn không thấy việc người khác làm là đúng nhưng vẫn tươi cười cổ xúy…

Và sự thiếu chân thật với bản thân còn ở việc chúng ta không thể nhận thức được mình. Khi chúng ta không biết năng lực của mình tới đâu mà cứ tham vọng hão huyền thì những gì thu về được chỉ là sự thất vọng ê chề. Khi chúng ta không hiểu nổi tình yêu của chính bản thân mình dành cho người khác thì có thể một lúc nào đó chúng ta có thể làm họ bị tổn thương.

Không phải ngẫu nhiên mà trên cánh cổng dẫn vào thánh điện của Thần Apollo lại có viết một câu: “Hãy nhận thức chính mình”.

Vì nhận thức được và chân thực với bản thân chính là một loại trí tuệ, một loại năng lực. Vì sao ở những xã hội văn minh, người dân không vứt rác bừa bãi, không chen hàng lấn lối, không vượt đèn đỏ…? Không phải chỉ bởi một thứ gọi là áp lực xã hội (người làm sai sẽ bị cả xã hội lên án và họ biết điều gì sẽ chờ mình khi mình làm sai), mà còn bởi bản thân họ nhận thức được rằng, làm điều sai là đánh mất nhân phẩm, là vi phạm thước đo vô hình của đạo đức, là chà đạp lên lợi ích của người khác và cộng đồng. Thế nên họ không cần phải có công an ở đó thì mới dừng đèn đỏ, không cần có nhân viên nhắc nhở thì mới xếp hàng. Bởi họ biết có một người luôn theo dõi và phán xét mình, chính là bản thân mình thôi.

Và người luôn chỉ coi trọng lợi ích của bản thân, sẵn sàng làm tổn hại đến lợi ích của người khác thì dù họ có cố lừa dối bản thân thế nào, che mắt được người khác đến đâu, thì cũng không thể che mắt hết lần này đến lần khác được. Khi đã làm việc sai trái đến mức thành thói quen, họ sẽ không thể che đậy mãi, và rồi họ sẽ phải đối diện với sự phán xét của cộng đồng. Lúc đó thì ‘một lần bất tín, vạn lần bất tin’, những gì họ đánh mất sẽ là nhiều hơn rất nhiều so với những lợi ích vụn vặt mà họ đã có được trước đó.

Vậy nên, chân thật và nhận thức được bản thân cũng chính là tự trọng. Bạn phải tôn trọng chính mình thì người khác mới có thể tôn trọng bạn.

Thanh Ngọc -Thu Hiền