.
.

Xây dựng nền Phật giáo đậm văn hóa xứ Nghệ


Nghệ An xưa kia vốn là vùng đất được truyền bá Phật giáo sớm nhất bởi các đoàn Tăng-già truyền giáo đến từ phương Nam. Các nhà sư theo con đường biển đặt những bước chân đầu tiên đến Hoan châu, Ái châu để từ đó tiến ra Giao Châu.  Vì thế vùng đất này có một bề dày lịch sử mà như GS.Cao Huy Thuần đã từng nói: “Nghệ An có hơn 500 ngôi chùa thì nghiễm nhiên Nghệ An là đất Phật…”.

IMG_7573.JPG
Tuần Văn hóa Phật giáo Nghệ An năm 2012 – Ảnh: Nguyễn Văn Thịnh

GHPGVN được hợp nhất từ năm 1981, nhưng mãi tận đến năm 2011 Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An mới được thành lập. Là một vùng đất có đặc thù riêng nên những hoạt động tôn giáo trước đó cũng chỉ mang tính tự phát, nhỏ lẻ tại các tư gia Phật tử. Năm 2011, Nghệ An đã tiến hành Đại hội đại biểu Phật giáo lần đầu tiên, nhiệm kỳ I (2011-2016) và TƯGH đã cử HT.Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, kiêm Trưởng ban. Đại hội đã hoạch định ra những chính sách để phát triển vùng đất có bề dày lịch sử Phật giáo này.

Tính đến đầu năm 2017, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An đã tiến hành xác lập và hợp pháp hóa được 50 cơ sở thờ tự (gồm 49 chùa và 1 Niệm Phật đường); trong đó có 9 chùa là di tích lịch sử văn hóa, 5 chùa có tổ chức lễ hội quy mô lớn, 2 chùa được xếp hạng di tích, nhưng chưa được chấp thuận phục hồi sinh hoạt. Hiện nay Nghệ An có 51 vị Tăng Ni tu học và hành đạo.

Ban Trị sự cũng đã phân công Tăng Ni phụ trách 17/21 huyện thành thị trong toàn tỉnh, góp phần củng cố sinh hoạt của Phật giáo ở cơ sở. Thường trực Ban Trị sự cũng đã cùng với các ban ngành khảo sát, thẩm định các di chỉ, phế tích Phật giáo, từ đó đề nghị UBND tỉnh cho phục hồi 37 chùa có nguồn gốc Phật giáo. Trên cơ sở đồng thuận của cấp có thẩm quyền, Ban Trị sự đã quyết định bổ nhiệm trụ trì 17 chùa, nâng tổng số chùa có Tăng Ni trụ trì là 27.

Ngoài ra, Ban Trị sự cũng thuyên chuyển cho 7 vị Tăng về ổn định hoạt động Phật sự. Chư Tăng được bổ nhiệm trụ trì hay thuyên chuyển đều là những vị Tăng trẻ có trình độ, có tinh thần dấn thân. Đây là hạt giống nhân tố phát triển tương lai của Phật giáo xứ Nghệ, qua đó cho thấy tinh thần “chiêu hiền đãi sĩ” của Phật giáo Nghệ An. Để ổn định và giúp cho các hoạt động tại cơ sở, Ban Trị sự cũng đã phê chuẩn nhân sự cho 11 Ban Hộ tự ở các chùa.

Phát huy tinh thần “Báo Phật ân đức, tiếp dẫn hậu lai”, trong thời gian qua, Ban Trị sự đã kết hợp với Ban Trị sự  Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh tổ chức 2 Đại giới đàn truyền trao giới pháp cho các giới tử. Đại giới đàn Nghệ Tĩnh lần thứ 2 PL 2559 – DL 2015 tại chùa Đại Tuệ, truyền thọ Tam quy ngũ giới, Bồ-tát giới cho hàng ngàn Phật tử. Đây là giới đàn có quy mô bậc nhất khu vực Bắc Trung Bộ từ trước đến nay. Sau gần một thế kỷ thì đây là lần đầu tiên Phật giáo Nghệ An tổ chức Đại giới đàn và cũng là nhiệm vụ quan trọng của Ban Trị sự trong hoạt động Phật sự nhiệm kỳ I. Với tính chất đặc thù của Phật giáo tỉnh nhà, năm 2013 lần đầu tiên Ban Trị sự đã tổ chức khóa An cư kiết hạ cho 14 vị Tăng tại chùa Đại Tuệ và 5 vị Ni an cư tại chùa Cần Linh. Đây là khóa an cư đầu tiên của Phật giáo xứ Nghệ sau hàng trăm năm bị gián đoạn. Năm 2014, tổng số hành giả tham dự an cư là 31 vị, năm 2015 có 43 hành giả, năm 2016 có 41 hành giả an cư.

Sau khi có Ban Trị sự, các ban ngành trực thuộc đã được thành lập và ra mắt, từ đó đến nay đã thực hiện sứ mệnh cao cả của Như Lai “hoằng pháp vi gia vụ, lợi sinh vi sự nghiệp”. Nhất là Tuần Văn hóa Phật giáo xứ Nghệ, 4 khóa an cư kiết hạ và lễ rước Ngọc Xá-lợi, đã tổ chức thuyết giảng với số lượng thính chúng lên đến hàng vạn người. Ban Hộ trì Phật pháp trực thuộc Ban Hoằng pháp đã liên kết các đạo tràng, các chúng Phật tử khu trung tâm, cũng như các Phật tử vùng sâu vùng xa, giúp Ban Hoằng pháp trong các hoạt động hoằng truyền Phật pháp, tổ chức Đại lễ, tu tập, làm từ thiện, giáo dục đạo đức nhân cách thanh thiếu niên Phật tử… Tổ chức mở 2 lớp giáo lý Hoa Sen, có 156 khóa sinh tốt nghiệp khóa 1 và trên 500 Phật tử đang theo học khóa 2 tại chùa Diệc. Nhân dịp các khóa lễ lớn, các chùa đã duy trì và tổ chức khóa tu hàng tháng, giảng giáo lý vào các ngày rằm và ngày mồng một, sám hối hay tọa thiền như chùa Diệc, chùa Đại Tuệ, chùa Viên Quang, chùa Cần Linh, chùa Cổ Am, chùa Phúc Thành, chùa Chí Linh, chùa Yên Thái, chùa Phúc Lạc, chùa Càn Môn, chùa Chung Linh, chùa Bảo Lâm, chùa Phúc Quang, chùa Vĩnh Phúc, chùa An Thái, chùa Hồng Phúc, chùa Lô Sơn, chùa Đức Sơn, chùa Hà… Ban Hoằng pháp cũng điều động Tăng Ni về các chùa, các đạo tràng để giảng dạy giáo lý cho đồng bào Phật tử. Trong nhiệm kỳ qua đã có trên 1.600 buổi thuyết giảng.

Về mặt văn hóa, TT.Thích Thọ Lạc, Phó ban Thường trực Ban Trị sự – cho biết đây là mảng hoạt động mạnh và rộng nhất. Bởi với tư cách là Phó Thường trực Ban Văn hóa T.Ư, Thượng tọa đã kết hợp cùng Ban Trị sự tổ chức nhiều hoạt động văn hóa Phật giáo mang tầm cỡ quốc gia.

Với tiền đề trước đó là Tuần lễ Văn hóa Phật giáo tại xứ Nghệ do Ban Văn hóa T.Ư phối hợp với Ban Trị sự tổ chức diễn ra năm 2012. Sự kiện nổi bật này với hàng loạt chương trình hoạt động, đã tạo dấu ấn tốt đẹp về hình ảnh, quê hương con người xứ Nghệ. Qua đó, Ban cũng đã tham mưu, đề xuất cho tỉnh và TƯGH những chính sách, chiến lược để phát triển bền vững Phật giáo Nghệ An ngày càng phát triển, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo.

Ban Trị sự cũng đã hướng dẫn các cơ sở Phật giáo tham gia diễu hành xe hoa mừng Đại lễ Phật đản, Vu lan, cung nghinh Ngọc Xá-lợi về chùa Đại Tuệ, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng quần chúng nhân dân các địa phương. Một hoạt động nổi bật khác nữa là Ban Trị sự cũng đã kết hợp với Ban Văn hóa T.Ư tổ chức Lễ hội Văn hóa Phật giáo “Hương sen xứ Nghệ” lần thứ 1.

Năm nay, để chào mừng Đại hội nhiệm kỳ II, Ban Trị sự tổ chức Lễ hội “Hương sen xứ Nghệ”, diễn ra trong các ngày 28 và 29-4-2017. Đây là hoạt động không chỉ nhằm mục đích giới thiệu Phật giáo xứ Nghệ mà còn là hoạt động mang tính bảo tồn, vận động những nghiên cứu, đầu tư… nhằm phục dựng nền Phật giáo đã từng phát triển rực rỡ trong quá khứ.

TT.Thích Thọ Lạc cho biết, dự kiến ở mỗi đơn vị cấp huyện, Ban Trị sự sẽ khảo sát và xây dựng một trung tâm Phật giáo quy mô. Trung tâm này không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh cho bà con Phật tử, hoạt động Phật sự của Ban Trị sự cấp cơ sở, mà còn là nơi trung tâm văn hóa Phật giáo nhằm giới thiệu, quảng bá nền Phật giáo địa phương.

Nghệ An có một niềm tự hào là những năm trước đây khảo cổ tại khu vực Nhạn Tháp đã phát hiện ra bảo tháp đựng Xá-lợi Đức Phật, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Trong một kế hoạch xây dựng một trung tâm Phật giáo xứng tầm, Ban Trị sự sẽ tiến hành làm việc với các cơ quan chức năng kiến nghị được thỉnh về tôn trí.

Nhìn chung, tuy được thành lập muộn và có những khó khăn đặc thù, nhưng Phật giáo Nghệ An đã từng bước kiện toàn và hoạt động một cách có hiệu quả nhất, xứng với đặc trưng của vùng đất này.

HT.Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS kiêm Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh nghệ An (ảnh):

Thanh nhieu 2.jpg

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nghệ An là một trong những đơn vị Phật giáo được thành lập khá muộn. Số lượng Tăng Ni ở đây rất ít. Ban đầu chỉ có một chùa có chư Ni hành đạo là chùa Cần Linh. Tăng Ni ít nhưng số lượng Phật tử và tín đồ có cảm tình với Phật giáo thì rất đông. Nhiệm kỳ đầu có 10 vị tham gia Ban Trị sự. Sau đó bổ sung thêm 5 vị, đa phần là Tăng Ni trẻ. Chúng tôi đang kêu gọi những Tăng Ni trẻ về đây hành đạo, tất nhiên có sự chọn lọc để những người có năng lực có cơ hội đóng góp cho Ban Trị sự Nghệ An nói riêng và Giáo hội nói chung.

Theo lịch sử thì đây là vùng đất có bề dày Phật giáo, các tự viện rất nhiều, nhưng qua chiến tranh và biến thiên lịch sử thì đa số các chùa giờ đã thành phế tích hoặc chỉ còn là di chỉ. Để phục hồi, chúng tôi đã và đang cùng với các cấp chính quyền tiến hành nhiều đợt khảo sát. Đến nay đã có hơn 50 cơ sở được công nhận. Một đặc thù ở Phật giáo xứ Nghệ là ngoài hoạt động các ban như Tăng sự, Hoằng pháp, Nghi lễ, Từ thiện, Hướng dẫn Phật tử… phát triển đều đặn, thì hoạt động văn hóa Phật giáo ở đây được đầu tư và phát triển rất hiệu quả.

Các hoạt động của Ban Văn hóa không chỉ mang tính chất của địa phương, mà còn là hoạt động mang tính T.Ư, lan tỏa ra các tỉnh xung quanh và cả nước. Hoạt động Tuần lễ Văn hóa Phật giáo năm 2012 do Ban Văn hóa T.Ư phối hợp với Ban Trị sự tổ chức đã để lại một dấu ấn tốt đẹp vì quảng bá được bề dày lịch sử Phật giáo của đất Nghệ An. Lễ hội “Hương sen xứ Nghệ” cũng là một lễ hội văn hóa Phật giáo đậm bản sắc Phật giáo địa phương. Phải nói rằng Phật giáo Nghệ An đã tạo được một nét riêng và là một dấu ấn trong thời đại mới, dù chỉ mới bước qua nhiệm kỳ đầu.

Pháp Đăng