.
.

Nghề "hot", sư giả hốt bộn tiền những ngày Tết


Nghề hot, sư giả hốt bộn tiền những ngày Tết

Công nhân liên tục cung kính dâng tiền cho một vị sư giả

Thả bước 1 giờ kiếm được tiền triệu!

Những ngày qua có một hiện tượng bất thường là những cung đường tại Bình Dương đầy rẫy “bóng áo vàng” đi khất thực, xin tiền. Đặc biệt tại các khu có đông công nhân sinh sống và làm việc như khu vực thị Dĩ An, thị xã Thuận An “sư” khất thực rất nhiều. 
 
Khoảng 7 giờ sáng 28/1, tại một khu vực chuyên bán đồ ăn sáng cho công nhân trên tỉnh lộ 743 (thuộc phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An), chúng tôi đụng mặt một “sư” với đầu cạo trọc, nhìn mặt không biết là nam hay nữ.
 
Thấy “vị sư” xuất hiện 2-3 công nhân đang ngồi ăn bún thịt nướng bỗng ngừng đũa. Họ thò tay vào túi, rút ra nắm bạc lẻ rồi mỗi người lựa lấy tờ 20 ngàn đồng chạy đến khẽ khàng đặt vào cái bình bát của “nhà sư”. Ống kính của chúng tôi ghi được cảnh một nam công nhân của Công ty Việt Nam Funiture Resources (sản xuất các sản phẩm từ gỗ, đóng tại phường Bình Chuẩn) cung kính cúi đầu, chắp tay lạy “nhà sư” rồi bỏ vào bình bát một tờ tiền không rõ mệnh giá.
 
Đặc biệt, có một nam công nhân mặc áo của Công ty Việt Nam Housewares (chuyên sản xuất đồ dùng gia đình, đóng ở phường Bình Chuẩn) đi từ nhà trọ ra chỗ ăn sáng, trên tay chỉ cầm duy nhất một tờ tiền polyme mệnh giá 20 ngàn đồng. Có lẽ ý định của anh này là ăn tô bún thịt nướng (giá 18 ngàn đồng). Tuy nhiên, khi vừa kéo ghế định ngồi xuống vị trí ăn bún thì anh này lại đứng lên, cầm tờ tiền ấy đặt vào bình bát của nhà sư rồi nói:“Con kính thầy!”. Anh công này sau đó đi thẳng vào nhà máy, nhịn luôn bữa ăn sáng.
 


 

Trong khoảng 1 giờ đồng hồ, vị sư trên được hơn 100 người bố thí

 
Chúng tôi quan sát chỉ trong khoảng 1 giờ đồng hồ (từ 7 giờ đến 8 giờ sáng – thời điểm công nhân bắt đầu vào nhà máy), vị sư trên đã được hơn 100 người bố thí, ước chừng tổng thủ nhập khoảng hơn 1 triệu đồng! Đáng nói, phần lớn số họ là công nhân. Có những đôi vợ chồng công nhân chở con đến nhà trẻ nhưng ngưng xe đột ngột giữa đường vì thấy bóng dáng của nhà sư.
 
Do đứng khá gần nên phóng viên nghe được người chồng hỏi vội người vợ:“Còn tiền lẻ không? Chạy tới làm phước đi”. Chị vợ đáp:“Toàn tờ 50 ngàn không à, chỉ đủ đóng tiền ăn cho con tháng này”. Anh chồng thúc giục:“Kệ, cho sư làm phước lấy hên đi”. Thấy chị vợ có vẻ phân vân, anh chồng giật luôn tờ 50 ngàn đồng trên tay vợ rồi cho xe máy chạy ép sát “nhà sư” để “cúng” tiền.
 

 Cặp vợ chồng không đủ đóng tiền ăn cho con cũng cúng "sư" 50 ngàn

 
Khi đi khất thực đầu của vị này liên tục nhìn xuống cái bình bát đang cầm trên tay chứa tiền đầy tiền. Thỉnh thoảng tiền ứ đầy bình bát thì “nhà sư” dừng lại lấy bớt cất vào trong thắt lung.  Ánh mắt vị sư thỉnh thoảng liếc qua liếc lại. Vị này đi rất chậm ở khu vực đông người nhưng đi như bị ma đuổi ở những khu nắng nóng, thưa người, vắng nhà cửa.
 
Đến khoảng 8 giờ 30 phút, khi phát hiện phóng viên ghi hình, “vị sư” này có biểu hiện hoảng loạn. “Sư” vội trèo lên con lươn băng ngang qua đường rồi bắt luôn chuyến xe buýt số 7 (TP. Thủ Dầu Một – Suối Tiên) mất dạng. Theo một nhà sư thuộc tỉnh hội Phật giáo Bình Dương, hầu hết “sư” đang khất thực xin tiền ở tỉnh này là sư giả từ nơi khác đến hành nghề. Hiện nay ở Bình Dương, các nhà sư chính hiệu hầu như không đi khất thực.
 

 Phát hiện bị ghi hình, "sư" vội trèo qua con lươn băng qua đường

 
“Cứ nhìn ánh mắt lấm lét, bước chân khất thực không vững vàng, lúc đi chậm lúc đi nhanh, quần áo thì dơ bẩn thì đích thực đó sư giả. Mà hiện nay ở tỉnh này nhà sư chính hiệu không khất thực nữa đâu, chúng tôi hầu như đã ngưng hạnh khất thực để người dân dễ nhìn ra tất cả sư đi xin tiền ngoài đường đều là sư giả”– một thành viên trong tỉnh hội Phật giáo Bình Dương chia sẻ.
 
Nghề “hot” dịp Tết!
 
Nghề giả sư đã xuất hiện cả chục năm nay ở TP. HCM. Ban đầu, các “sư giả” xuất hiện dày đặc ở quận 5 nơi nhiều người theo đạo Phật sinh sống. Do thấy nghề giả sư làm ăn khấm khá nên hàng trăm hàng ngàn kẻ lười lao động kéo nhau từ nhiều tỉnh thành vào TP. HCM theo nghề này.
 
Ở khu vực phường Hiệp Bình Chánh – quận Thủ Đức thậm chí có năm còn quy tụ cả trăm vị sư giả về trú ẩn. Có dịp vào buổi trưa khi đi qua những dãy trọ của các vị sư giả người ta bàng hoàng khi thấy bờ rào phơi vàng rực màu áo nhà chùa. Trong nhà trọ thì những kẻ đầu cạo trọc thản nhiên nhậu nhẹt, chửi thề.  Sau đó, báo chí vào cuộc vạch mặt nhiều nhà sư giả.
 
Một số vị chức sắc cao nhất trong Thành hội Phật giáo TP. HCM nhiều lần xuất hiện trên báo khẳng định màu áo nhà chùa đang bị nhiều người lợi dụng làm hoen ố. Một “lệnh ngầm” được ban bố theo đó tất cả những nhà sư chân chính tạm dừng việc khất thực lại để xã hội dễ dàng phân biệt thật giả. Vài năm trở lại đây, nhiều người dân TP. HCM do đọc báo, xem thông tin biết được nạn sư giả đang hoành hành nên họ ngưng cho tiền. Họ mặc nhiên xem ai đi khất thực ngoài đường thì đích thị đó là sư giả. 
 
Có lẽ do TP. HCM dân trí ngày càng cao, lừa lọc khó khăn nên đám sư giả dạo gần đây xoay sang tấn công các khu công nhân ở Bình Dương. Công nhân là những người suốt ngày quần quật trong nhà máy. Họ không có thời gian đi đây đó, ít đọc báo nghe đài nên thấy tấm áo nhà chùa là họ cung kính như đức Phật hiển linh!
 
Theo ghi nhận của chúng tôi, càng gần Tết lượng sư giả đổ về Bình Dương càng đông và “hành nghề” càng dễ dãi, không kín đáo như trước. Chúng tôi ghi hình được cảnh tượng một vị sư giả sau khi khất thực một cách khổ hạnh liền ghé vào tiệm phở bò xơi ngay một tô bò tái! Vị này không quan tâm ánh mắt các thực khách xung quanh nhìn mình một cách kinh ngạc.
 

 Một vị sư giả dựng xe vào tiệm phở bò đánh chén

 
“Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải, Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một nói:“Đúng là càng gần tết sư giả càng nhiều ở đất Bình Dương này. Gần đây trên đường, ngoài chợ xuất hiện nhiều sư mặc những bộ đồ mới tinh. Vừa rồi, do khả nghi nên tôi chặn một ông sư giả lại kiểm tra giấy tờ. Ông này chìa ra một tờ giấy là giấy giới thiệu xuất thân từ một ngôi chùa ở TP. Vũng Tàu. Khi chúng tôi gọi theo số điện thoại trên tờ giấy này thì điện thoại tò te tí te. Chúng tôi hỏi tổng đài 1080 về số điện thoại chính thức của ngôi chùa đó. Qua trao đổi điện thoại, người nhà chùa khẳng định không hề cử nhà sư nào đi khất thực”.
 
Do bị lòi đuôi cáo, vị sư giả này mới thú thật là mình chỉ là một kẻ thất nghiệp, quê tận Thanh Hóa. Khoảng một tháng trước, anh ta vào TP. HCM. Anh ta đang ngồi buồn rầu ở tại một quán nước gần bến xe Miền Đông thì một người chuyên bán móc khóa và các đồ tạp nham đến mời mọc mua hàng. Đang thất nghiệp, chưa biết làm gì” thì người bán móc khóa (cùng quê) liền giới thiệu cho anh ta cái nghề khất thực.
 
Vị sư giả bị “hiệp sĩ” tóm kể lại:“Cái thằng bán móc khóa bảo em mua của nó 1 bộ áo nhà chùa giá 500 ngàn đồng với một cái bình bát giá 300 ngàn. Nó khuyến mãi cho em một tờ giấy chứng nhận tu sĩ giả. Rồi nó lấy điện thoại vào mạng chỉ cho em cái clip trên mạng quay cảnh các tu sĩ khất thực. Nó bảo em cứ tập y vậy là hốt tiền của thiên hạ khỏe re. Em về nhà trọ bỏ ra 4 ngày tập cách bước, cách đi đứng giống như cái clip. Thế là em vào nghề”. 

Trần Hạ