.
.

Quảng Nam: Lễ húy nhật cố HT.Thích Chơn Ngộ (1913 – 2013)


Quang lâm chứng minh và niêm hương cầu nguyện có HT.Thích Thiện Duyên, Thành viên HĐCM, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng BTS PG tỉnh Quảng Nam; chư tôn Giáo phẩm thường trực BTS PG tỉnh, chư tôn đức tăng ni, môn đồ pháp phái cùng đông đảo phật tử trong và ngoài tỉnh về chứng dự đồng cầu nguyện.
Trong khung cảnh trang nghiêm thanh tịnh, TT.Thích Phước Minh, UV HĐTS, Phó trưởng BTS PG tỉnh, Sám chủ đàn tràng cùng ban kinh sư và chư tôn đức tăng ni quang lâm đại hùng bảo điện niêm hương bạch Phật, cúng ngọ, sau đó quang lâm tại tổ đường đốt nén hương tưởng niệm một bậc tôn túc khả kính, mẫu mực đạo hạnh viên tịch, nhất tâm cầu nguyên Giác linh Hòa thượng, thượng phẩm thượng sanh, hồi nhập Ta bà tùy duyên hóa độ.
Thuận thế vô thường, vào lúc 14 giờ ngày 21 tháng Giêng năm Quý Tỵ, mãn duyên ta bà, xả bỏ báo thân, cố Hòa thượng Thích Chơn Ngộ, thâu thần thị tịch, thọ dư bách tuế, 67 hạ lạp, để lại cho đồ chúng nhiều nỗi tiếc thương, Giáo hội khuyết đi vị Đại lão Hòa thượng phước thọ linh uy.
Tang lễ của Hòa thượng được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Quảng Nam, BTS GHPGVN TP.Tam Kỳ tổ chức tại tổ đình Tịnh Độ, từ ngày 02/3/2013 (21 tháng Giêng năm Quý Tỵ) đến ngày 08/3/2013 (27 tháng Giêng năm Quý Tỵ). Bảo tháp của Ngài được tôn trí trang nghiêm trong khuôn viên tổ đình Tịnh Độ (phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ).
Dịp này, môn đồ tứ chúng đệ tử cũng đã thiết đàn chẩn tế âm linh cô hồn nguyện cầu quốc thái dân an, âm siêu dương thới.
————–
Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Chơn Ngộ, pháp danh Tâm Cần, pháp tự Từ Thục, pháp hiệu Chơn Ngộ, thuộc dòng Lâm Tế Liễu Quán đời thứ 43.
Hòa thượng thế danh Lương Hào, tên húy là Nhơn, sanh ngày 10 tháng 9 năm 1913, tại xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, nay là quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
Cảm nhận được vô thường của cuộc đời từ sự ra đi quá sớm của thân mẫu, lại nhờ có túc duyên với Phật pháp, giúp Ngài sớm tìm về cửa Phật. Trong một lần hữu duyên tại chùa Tam Thai, Ngũ Hành Sơn Non Nước, Ngài được Tổ Phước Trí, là Trụ trì, thương mến thâu nhận, cho phép hành điệu để sớm hôm công quả, học hành.
Năm 1932, Tổ Phước Trí viên tịch, Ngài rời Tam Thai, về Đà Nẵng, đến chùa Tường Quang, thọ giáo với Hòa thượng Hưng An, được Hòa thượng thế phát xuất gia, khuyến tấn với pháp danh Tâm Cần.
Trong hào khí của giai đoạn chấn hưng Phật giáo, năm 1932, Ngài được Hòa thượng Hưng An gởi đến theo học tại Tăng học đường Phổ Thiên, do Hòa thượng Tăng Cang Thích Tôn Thắng sáng lập và làm Giám đốc. Năm 1935, Ngài được thọ giới Sa Di và được Hòa thượng Tăng Cang ban cho pháp tự Từ Thục.
Năm 1939, Hòa thượng Hưng An viên tịch, Ngài cầu y chỉ với Hòa thượng Tăng Cang, được Tăng Cang thâu nhận, giao trọng trách làm Tri sự tại Tăng học đường Phổ Thiên và được Hòa thượng Tăng Cang đặc biệt thương mến.
Ngài được thọ giới Cụ túc tại Đại giới đàn chùa Phổ Thiên vào ngày Mồng 8 tháng 4 năm 1947, và được ban pháp hiệu là Chơn Ngộ. Giới đàn này do Hòa thượng Tôn Thắng làm Đường đầu, Hòa thượng Giác Phong làm Yết ma, Hòa thượng Trí Nguyên làm Giáo thọ. Bắt đầu từ đây, bước chân hành đạo của Ngài ngày càng rộng mở.
Sau thế chiến thứ hai, Pháp tái chiếm Việt Nam. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Cách mạng, Hội Phật giáo cứu quốc ra đời, Ngài được mời làm thư ký cho Hội Phật giáo cứu quốc Đà Nẵng.
Năm 1961, Ngài được Hòa thượng Tôn Thắng cử về Trụ trì chùa Tịnh Độ và được Giáo hội Tăng già Quảng Nam Đà Nẵng chuẩn y. Thuận duyên hóa độ tại đô thị Tam Kỳ, Ngài lần lượt tiếp độ tăng chúng, tín đồ. Ba năm sau bắt tay xây dựng nhà phương trượng Tổ đình.
Năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất được thành lập, Ngài được cử giữ chức vụ Đặc ủy Tăng sự Ban Đại diện Phật giáo tỉnh Quảng Tín và Phó đại diện Ban Đại diện Phật giáo thị xã Tam Kỳ.
Ngoài việc củng cố tự viện, tham gia công việc Giáo hội, suốt thời gian này, Ngài quan tâm đến các vùng ngoại ô thiếu vắng Phật pháp. Từ năm 1965 đến 1967, Ngài chứng minh đặt đá xây dựng chùa Quảng Hương, Tam Phú, Tam Kỳ và chùa Vĩnh An, Tam Xuân, Núi Thành, nhằm đáp ứng nhu cầu quy y Tam Bảo, tu học, lễ bái tín ngưỡng của nhân dân.
Sau ngày đất nước hòa bình, là một trong những vị tùng lâm thạch trụ của Phật giáo vùng đất phía nam xứ Quảng, Ngài vẫn kiên định với chí hướng phụng sự Tăng già nên đã tiếp tục trùng tu chánh điện Tổ đình Tịnh Độ vào năm 1980, tiếp đến là hậu tổ và những dãy tăng phòng. Ngài dần dần biến nơi đất Tổ thành giới trường quy tụ Tăng chúng về Bố tát mỗi tháng và tổ chức an cư kiết hạ hàng năm. Nơi đây, cũng là cơ sở trường Phật học đầu tiên, gieo mầm cho trường Phật học Quảng Nam hiện tại.
Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, Ngài được suy cử giữ chức vụ Chánh Đại diện Phật giáo thị xã Tam Kỳ, nhiệm kỳ 1982 – 1987 và được tấn phong lên hàng giáo phẩm Thượng tọa. Thời gian này, Ngài đồng thời tham gia vào UBMTTQVN thị xã Tam Kỳ với cương vị Uỷ viên.
Năm 1996, Ngài được Tăng già thỉnh cử làm Đệ nhất Tôn chứng Đại Giới đàn Phước Huệ, tổ chức tại chùa Phổ Đà, thành phố Đà Nẵng.
Sau khi chia tách địa giới hành chính, GHPG tỉnh Quảng Nam được thành lập, nhiệm kỳ I (1997-2002), Ngài đảm nhận chức vụ Trưởng ban Tăng sự. Tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ IV, năm 1997, Ngài được tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa thượng và được thỉnh cử vào thành viên Hội đồng chứng minh TW GHPGVN.
Cũng trong thời gian này, Hòa thượng phát tâm đại trùng tu Tổ đình Tịnh Độ lần thứ hai và tiếp tục kiến thiết đạt được tổng thể Tổ đình với tầm vóc nguy nga hiện tại, làm nơi quy ngưỡng cho Chư Tăng Ni Từ Môn Pháp Phái và tín đồ gần xa về tu học lâu dài.
Với Ngài, Giới luật được thực thi là kế tục được mạng mạch Tăng già, năm 2000, Hòa thượng được Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo Quảng Nam cung thỉnh làm Chánh chủ đàn Đại Giới đàn Minh Giác và năm 2004 tiếp tục được cung thỉnh chứng minh cho Giới đàn Ân Triêm đều tổ chức tại chùa Đạo Nguyên, Tam Kỳ.
Sứ mệnh tiếp dẫn hậu lai luôn được Hòa thượng quan tâm. Đệ tử xuất gia của Ngài có những vị đã ở hàng Giáo phẩm niên cao lạp trưởng và nhiều vị thành tựu trong các Phật sự ở nước ngoài và tỉnh nhà. Ngài còn dành nhiều ưu ái giáo dưỡng chúng học tăng trong các khóa học của trường Phật học Quảng Nam. Bên cạnh đó, hàng ngàn Tín đồ thọ ơn hóa độ của Ngài vẫn thường xuyên tinh tấn tu trì.
Phụng sự xã hội cũng là tâm nguyện to lớn của Hòa thượng. Ngài luôn vận động tín đồ làm công tác từ thiện cứu trợ đồng bào những lúc gặp khó khăn hoặc thiên tai bão lũ. Ngày 04 tháng 11 năm 2005, Hòa thượng vinh dự nhận Kỷ niệm chương vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc của Uy ban TW MTTQ Việt Nam do cụ Phạm Thế Duyệt ký tặng.
Ở tuổi cửu thập, mặc dù tuổi già sức yếu, Hòa thượng vẫn hết lòng cho việc giáo hóa đồ chúng bằng chính tấm gương tinh tấn công phu khuya tối mỗi ngày. Nơi nào chúng sanh cần thì đến, nơi nào Phật pháp cần thì đi. Ngài thường khuyên đại chúng: “Hãy tinh tấn trong các Phật sự, đã là việc Phật thì đừng có từ nan”. Với cương vị huynh trưởng trong pháp phái, Hòa thượng luôn hiện diện tại các tự viện theo lời thỉnh cầu, dẫu nơi ấy có xa, đường xá có khó khăn, thời tiết có thất thường… Ngài quên mình sức khỏe đã dần yếu kém, tuổi đã bách niên.
Công hạnh của Hòa thượng thật như lời phó pháp của Bổn sư Tăng Cang:
Pháp pháp bổn vô pháp
Tâm Cần vô dị đồng
Ngã kim phó Từ Thục
Chơn Ngộ chứng Viên Dung.
Tạm dịch:
Các Pháp thật chẳng pháp
Tâm cần chẳng dị đồng
Ta nay phó Từ Thục
Chơn Ngộ chứng Viên Dung.
 


 

 


 
Xuân Sáng – Ban TTTT PG Quảng Nam