.
.

Nụ cười trẻ thơ trong đêm hội “Vầng trăng cổ tích”tại Chùa Hòa Phúc


Nhộn nhịp trống phách lân rồng

Hồn nhiên nhảy múa tuổi hồng reo ca

Trăng rằm tháng tám bao la

Trung Thu khúc hát thiết tha yêu đời

(Nguyễn Quang Tuyển)

Tết Trung Thu hay Rằm tháng tám từ lâu đã trở thành một ngày Tết truyền thống được rất nhiều em thiếu niên nhi đồng háo hức chờ đợi.

Ngày Tết Trung Thu không chỉ làm lay động, xao xuyến và nuôi dưỡng những kí ức đẹp trong tâm hồn con trẻ mà còn là dịp để mọi người, mọi nhà cùng nhau sum họp quây quần bên mâm cỗ trông trăng. Đó là một biểu hiện của sự phúc lành và đoàn tụ, một nét đẹp đậm đà bản sắc trong văn hóa dân tộc Việt.

Nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho các em thiếu niên nhi đồng, góp phần giữ vững giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tối ngày 16 tháng 08 năm Bính Thân (16.9.2016) Chùa Hòa Phúc – thôn hòa Trúc – xã Hòa Thạch – huyện Quốc Oai – TP.  Hà Nội long trọng tổ chức đêm hội trăng rằm “Vầng trăng cổ tích”.

Mở đầu cho chương trình chính là màn múa lân cùng ông Địa đầy vui nhộn, cuốn hút các em nhanh chân vân tập lên giảng đường nơi sẽ diễn ra đêm hội trăng rằm.

Chương trình chính thức diễn ra sau lời khấn nguyện cũng như lời chúc an lành của Đại đức. Thích Tâm Giải đến các em nhỏ. Thầy kính chúc các em có một mùa trung thu thật ý nghĩa, ấm áp và Thầy mong các em luôn là những người con ngoan trò giỏi, biết nghe lời ông bà, cha mẹ, thầy cô, xứng đáng là những mầm non tương lai của đất nước.

Đêm hội trăng rằm “Vầng trăng cổ tích” tại Chùa Hòa Phúc không chỉ là nơi vui chơi của các em mà còn là sân khấu biểu diễn của hàng chục tiết mục văn nghệ đặc sắc do chính các em đến từ Lớp học Đạo hiếu – Chùa Hòa Phúc; các bé trường mầm non Hòa Trúc; các bạn thiếu niên nhi đồng là con em của các tổ Phật tử trong đạo tràng.

Sau bao ngày cố gắng tập luyện khi bước lên sân khấu các em, những mầm non bé nhỏ mọi ngày bỗng biến thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp, khiến cho các khán giả nhí phía dưới liên tục phải nở những tràng pháo tay giòn giã cùng với gương mặt vui tươi, đầy sự ngạc nhiên, tán thán.

Góp duyên cũng với chương trình văn nghệ chào mừng đêm hội trung thu còn có hai tiết mục của ảo thuật gia Trần Anh – Thanh Tùng khiến cho không khí tại đêm hội càng thêm vui nhộn và náo nhiệt.

Không những vậy, bằng sự hoạt ngôn, tươi tắn của mình, chị Hằng và chú Cuội còn xuống sân khấu giao lưu, hướng dẫn các em nhỏ chơi trò chơi mang tên “Đèn Đỏ – Đèn Vàng – Đèn xanh”.

Trò chơi này đã lồng ghép những bài học bổ ích về An toàn giao thông nhằm giáo dục các em nâng cao ý thức chấp hành luật an toàn giao thông đồng thời vận dụng vào đời sống hàng ngày, góp phần đảm bảo an toàn cho các bé khi tham gia giao thông.

Với mong muốn tái hiện lại hình ảnh ngày tết thiếu nhi cổ truyền, khi đám trẻ nhỏ nơi thôn quê í ới gọi nhau, háo hức chạy theo đoàn rước lân cùng tiếng trống tùng rinh rinh vui nhộn quanh làng. Sau khi chương trình văn nghệ kết thúc, các em nhỏ đã cùng nhau phá cỗ và lần lượt xếp thành hàng ngay ngắn xuống sân nhận những chiếc đèn ông sao mà ban tổ chức đã chuẩn bị để cùng nhau đi rước.

Hàng nghìn em nhỏ lẫn người lớn với chiếc đèn trong tay nối đuôi nhau vừa đi vừa cười nói vui vẻ, hát vang ca khúc “Chiếc đèn ông sao” qua từng ngõ xóm nơi thôn quê hẻo lánh đã để lại một ấn tượng đẹp trong kí ức tuổi thơ của các em nhỏ nơi đây.

Đêm hội trăng rằm “Vầng trăng cổ tích” thực sự là hoạt động bổ ích, giúp các em thiếu nhi hiểu thêm về tết Trung thu, đồng thời còn là hoạt động giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức, rèn luyện các kỹ năng sinh hoạt tập thể, động viên các em chăm ngoan, học giỏi, phấn khởi bước vào năm học mới.

6e8a9329-copy 6e8a9331-copy 6e8a9343-copy 6e8a9348-copy 6e8a9350-copy 6e8a9374-copy 6e8a9392-copy 6e8a9405-copy 6e8a9424-copy 6e8a9426-copy 6e8a9427-copy 6e8a9435-copy6e8a9474-copy 6e8a9514-copy 6e8a9530-copy 6e8a9557-copy 6e8a9575-copy 6e8a9592-copy 6e8a9595-copy 6e8a9601-copy 6e8a9608-copy

   Tịnh Cường