.
.

Khánh Hòa: Tưởng niệm 51 năm Thánh tử đạo Đào Thị Yến Phi


Chứng minh và tham dự có HT.Thích Ngộ Tánh,  Uv. HĐTS, Phó Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, HT.Trích Trí Viên- Uv. HĐTS, Phó Trưởng BTS kiêm Trưởng Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Khánh Hòa; Chư tôn đức thành viên BTS, chư Tôn đức trụ trì các tự viện trong thành phố cùng đông đảo cựu huynh trưởng GĐPT Khánh Hòa tham dự.

Sau nghi lễ niêm hương bạch Phật của HT.Thích Ngộ Tánh và chư Tôn Đức chứng minh, Chị Phương Thanh Nừ huynh trưởng GĐPT Khánh Hòa cung tuyên tiểu sử Thánh Nữ đạo Nguyên Thường- Diệu Mai- Đào Thị Yến Phi.
Theo đó, Thánh tử đạo Đào Thị Yến Phi, pháp danh Nguyên Thường, tự Diệu Mai, sinh ngày 16 tháng Giêng năm 1948 tại Hà Đông, nay là Hà Nội. Thân phụ là Đào Trọng Bình, thân mẫu là bà Lê Thị Vượng. Vì thân phụ đi xa và mất liên lạc từ thuở Yến Phi lên 10, nên gia đình chỉ hai mẹ con đùm bọc lẫn nhau. Mẹ Yến Phi cũng là một Phật tử thuần thành. Yến Phi rất ngoan và hiếu thảo với mẹ, luôn luôn cố gắng đỡ đần và không để mẹ buồn lòng vì mình.


Đào Thị Yến Phi gia nhập GĐPT Linh Thứu từ năm 1958 với tư cách một đoàn sinh Oanh Vũ, năm 1961 cắt dây lên Thiếu nữ. Chính thức Quy y Tam bảo vào ngày lễ Phật đản 1962. Trúng cách trại huấn luyện đội chúng trưởng Thần Hội năm 1962, trúng cách trại huấn luyện huynh trưởng Lộc Uyển năm 1964. Sau đó về sinh hoạt với GĐPT Chánh Quang với nhiệm vụ đoàn phó nữ Oanh Vũ.

Với bản tính hiền hòa, được hấp thụ tinh thần Bi-Trí-Dũng của đạo Phật, Yến Phi luôn luôn tỏ ra là một Phật tử gương mẫu được mọi người cảm mến. Mặc dù ít nói nhưng khi nói được là phải làm được, cho dù phải hy sinh.


14 giờ 30 ngày 26-1-1965 (nhằm 24 tháng Chạp năm Giáp Thìn) trước tòa hành chánh tỉnh Khánh Hòa, trong lúc chư Tăng Ni và Phật giáo đồ đang tuyệt thực, Đào Thị Yến Phi đã tự tay tưới xăng vào mình và châm lửa tự thiêu. Mọi người ngã mình trước biểu tượng Bi Dũng rạng ngời của Phật tử Yến Phi.

Thế là Yến Phi đã hiến dâng trọn vẹn thân mình cho Tự do – Dân chủ, Đạo Pháp và Dân tộc. Trước khi lìa đời Yến Phi có để lại 03 bức tâm thư:

– Một thư gửi cho Mẹ, có đoạn viết: “Con tin rằng việc làm của con ngày hôm nay giúp ít nhiều cho Đạo Pháp, Mẹ đừng vì con mà tiếc thương bi lụy. Con không mất và sẽ còn mãi mãi với nguyện vọng Dân tộc… Nợ đời, nợ Đạo con chọn một, chỉ có giáo lý của đức Phật mới tồn tại mãi… Mẹ tha tội cho con….”

– Bức thư thứ hai gửi cho quí Thượng Toạ, Đại Đức và Phật giáo đồ, Phi viết: “Con, một huynh trưởng của Gia Đình Phật Tử Chánh Quang xin âm thầm phát nguyện thiêu đốt nhục thân để cúng dường Tam Bảo để cầu nguyện Quốc thái dân an, Cầu cho quí Thượng Toạ, Đại Đức Tăng Ni Pháp thể khương an, cầu nguyện cho Phật giáo đồ dư sức, thừa nghị lực để tranh đấu…”

– Và một bức thư gửi Thủ tướng Trần Văn Hương nói lên lời tâm huyết: “Mong chính quyền sớm giác tỉnh và giải quyết các nguyện vọng của Phật giáo…”

Ôi! Cao đẹp thay hành động phi thường của một Thánh Tử Đạo. Nhà thơ Mai Khắc Huy lúc đó đã xúc động viết nên Ngọn Lửa Yến Phi:

Bên biển đông thét gào sóng dậy
Bổng bừng lên ánh lửa oai hùng
Lửa Từ bi rực sáng trời Đông
Trong huyết quản máu hồng ngưng chảy.
Lửa Yến Phi bừng cháy
Thiêu đốt xác phàm nhân
Trăm ngàn người gục lạy
Nước mắt tràn đau thương
Hiến dâng ánh lửa thiêng
Báo ân Tam Bảo xây nền tự do
…………………..
Nha Trang thơ mộng
Đây chính là nơi
Lửa Yến Phi sáng ngời
Đốt tan bạo lực
Quét sạch bạo quyền
Oai linh thay! Ánh lửa thiêng
Muôn đời Dân tộc xin nguyền nhớ ơn.

Phải, sự hy sinh vô úy của Yến Phi một lần nữa đã làm rạng Đạo Pháp và vinh an ngôi vị Thánh Tử Đạo Yến Phi, như lời Phi đã nói: “Con không mất và sẽ còn mãi mãi với nguyện vọng Dân tộc…” Hình ảnh của Yến Phi ngồi trong biển lửa DŨNG do chính Phi tự đốt sẽ mãi mãi là một hình ảnh sống động trong mỗi tâm hồn nhân loại, trong mỗi chúng ta đang chịu ơn Đào Thị Yến Phi.


Hằng năm đến ngày 24 tháng chạp âm lịch, toàn dân Việt Nam nói chung và Phật tử Việt Nam nói riêng hồi tưởng và nhắc lại những phút thiêng liêng anh dũng mà nữ Huynh Trưởng GĐPT Việt Nam Nguyên Thường- Diệu Mai-Đào Thị Yến Phi bừng sáng ngời và sống mãi trong lòng người con Phật Việt Nam, trong từng trang Giáo sử và trong mỗi tâm hồn Phật tử chúng ta. 


Trí Bửu – Tháng 02/2016