.
.

Gần 4000 Phật tử “Đội mưa” về chùa Hòa Phúc tham dự Đại lễ Vu Lan


“Con sẽ không đợi một ngày kia

Có người cài lên áo cho con một nụ bạch hồng

Mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ…”

Tháng Bảy, tháng của những ngày mưa ngâu rả rích, của những áng mây u ám và luôn trĩu nặng.

Những ngày này, người Phật tử khắp nơi trên thế giới một lòng hướng về lễ Vu lan vì đây là dịp để tri ân công đức sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, đồng thời thực hành nhiều việc thiện để hồi hướng công đức cho cha mẹ, cửu huyền thất tổ đã khuất, và rộng hơn là cho tất cả chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi được siêu thoát.

Nương theo giáo pháp của Như Lai, noi theo gương hiếu hạnh của Ngài Mục Kiền Liên Bồ Tát và nhằm đáp ứng sự mong mỏi của hàng Phật tử trong mùa Hiếu hạnh. Ngày 26 tháng 7 năm Bính Thân (nhằm ngày 28/08/2016) Chùa Hoà Phúc – thôn Hoà Trúc – xã Hoà Thạch – huyện Quốc Oai –TP. Hà Nội đã long trọng tổ chức ĐẠI LỄ VU LAN BÁO HIẾU – LỄ CẦU SIÊU PHẢ ĐỘ GIA TIÊN, THAI NHI SẢN NẠN, OAN GIA TRÁI CHỦ, THẬP LOẠI CHÚNG SINH cho tất cả nhân dân và Phật tử thập phương.

Mặc dù trời mưa tầm tã nhưng đúng 7h30, gần 4000 Phật tử đã vân tập về đạo tràng trang nghiêm, khắc phục mọi khó khăn về không gian và thời tiết. Từ giảng đường chính đến khu nhà Tổ, nhà Địa Tạng lẫn khu nhà bạt mà ban tổ chức đã chuẩn bị đều chật kín người tham dự… Có những Phật tử trẻ phải mặc áo mưa, cầm ô đứng dưới trời mưa nhưng vẫn nhất tâm một lòng hướng về Tam bảo với lòng thành kính, sự mong mỏi được tri ân công đức lành tới người thân quá vãng.

Buổi lễ được bắt đầu bằng chương trình văn nghệ chào mừng mùa Vu Lan Báo Hiếu 2016. Những lời ca, tiếng hát từ trái tim người con Phật đã được dâng lên cúng dường chư Phật, cúng dường cha mẹ nhân mùa Vu Lan.

Với những tình cảm chân thành, các ca sĩ Phật tử đã mang đến cho đại chúng những phút giây lắng đọng, những cảm xúc dạt dào khi nhớ tưởng đến cha mẹ của mình.

Tiểu phẩm  “Người cha vô dụng” do các bạn Thanh niên Phật tử Chùa Hoà Phúc biểu diễn là tiết mục đặc sắc nhất. Các bạn TNPT đã khéo léo lồng ghép đưa 1 góc nhỏ của cuộc sống vào trong câu chuyện khi thằng Tèo lớn lên cũng là lúc cha già yếu. Tèo không hiểu cho cha đã già trở nên đáng trí hay quên mà sẵn sàng quát máng, ngược đãi và đuổi cha ra khỏi nhà trong đêm mưa to bão lớn. Đến khi Tèo nhận ra lỗi lầm của mình cũng là lúc em mãi mất đi người cha của mình.

Vở kịch đã truyền đi thông điệp lớn về tình thương yêu, lòng hiếu kính cha mẹ, đồng thời nhắc nhở mọi người bài học về đạo làm con, về sự chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ, nhất là khi cha mẹ già yếu, không còn minh mẫn.

Sau khi chương trình văn nghệ khép lại, đại chúng đã thành kính cung nghinh Đại đức. Thích Tâm Hoà – trụ trì Chùa Hòa Phúc quang lâm lễ đài làm lễ niêm hương bạch Phật, hướng dẫn đại chúng trì tụng thời kinh Vu lan Báo hiếu.

Tiếp đến, Đại đức đã từ bi ban bố tới hàng Phật tử thời pháp nhũ về “Nguồn gốc ngày Lễ Vu Lan” nhằm giúp quý Phật tử có cái nhìn đúng đắn hơn về nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Vu lan báo hiếu. Đó cũng chính là hành trang để hàng Phật tử tri ân cha mẹ đúng chánh pháp, không sa vào tà kiến, mê tín dị đoan. Đồng thời vững bước trên con đường tu tập giải thoát.

Buổi chiều, đại chúng đã tham gia thời khoá tụng kinh A Di Đà và tham dự Lễ cầu siêu phả độ gia tiên, thai nhi sản nạn, oan gia trái chủ, thập loại chúng sinh dưới sự hướng dẫn của Đại đức. Thích Tâm Hòa cùng Tăng chúng chùa Hòa Phúc.

Trong tiếng đồng thanh, nhất tâm niệm Phật của đạo tràng, đâu đó là những giọt nước mắt khi tưởng nhớ về công đức sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ dù còn hiện tiền hay quá vãng. Cùng nhiều bạn trẻ về tham dự mong muốn được sám hối lỗi lầm vì trước đây vì sự nông nổi, bồng bột của tuổi trẻ mà đã trót tước đoạt đi sự sống của những thai nhi vô tội.

Được sự giáo hóa của quý Thầy Chùa Hòa Phúc, quý vị Phật tử về chùa dự lễ đã phát tâm mua quần áo, giày dép, đồ chơi là đồ thật để làm lễ cho các vong linh, hương linh, thai nhi…

Sau khi buổi lễ kết thúc, nhà chùa sẽ mang đi làm từ thiện cho những hoàn cảnh khó khăn. Ngoài kia vẫn còn biết bao người không có áo mặc, biết bao em nhỏ chưa có dép đi. Đây là phương tiện hoằng pháp vô cùng lớn lao, khi Phật pháp vừa độ sinh, mang đến bao điều an lạc cho những mảnh đời còn gặp khó khăn, đồng thời, nương nhờ công đức lành này để độ tử, hồi hướng cho các vong linh, hương linh, thai nhi,… sớm được siêu thoát.

Buổi lễ không chỉ mang ý nghĩa tâm linh hướng tới những người đã khuất chưa được siêu thoát, mà còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Là lời cảnh tỉnh cho các bạn trẻ đang sống thử, sống gấp, sống chưa có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Giúp các bạn biết tự nhìn lại, và tự thay đổi. Góp phần hạn chế việc nạo phá thai trong cuộc sống hiện nay.

Trước khi kết thúc đại lễ, hàng Phật tử đã được tham dự lễ thả đèn hoa đăng cầu quốc thái dân an. Mặc dù trời đã về chiều, số lượng Phật tử đông nhưng tất cả mọi người từ già đến trẻ vẫn xếp hàng ngay ngắn trong chánh niệm theo từng hàng để nhận đèn hoa đăng. Đây là một nét đẹp cần được nhân rộng, để mọi người có ý thức hơn trong văn hoá xếp hàng nơi công cộng.

Những ngọn đèn hoa đăng trôi theo dòng nước, thắp lên lời nguyện cầu cho chúng sinh khắp các cõi đều an lạc, âm siêu dương thái, đất nước thái bình, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Buổi lễ đã thập toàn viên mãn trong niềm hoan hỷ của mọi người.

Sau đây là một số hình ảnh của buổi lễ:

6E8A6011 (Copy) 6E8A6138 (Copy) 6E8A6335 (Copy) 6E8A6360 (Copy) 6E8A6370 (Copy) 6E8A6425 (Copy) IMG_4538 (Copy) IMG_4546 (Copy) 6E8A5797 (Copy) 6E8A5798 (Copy) 6E8A5805 (Copy) 6E8A5827 (Copy) 6E8A5843 (Copy) 6E8A5903 (Copy) 6E8A5920 (Copy)

Hoàng Đông