Ngẫm nghĩ lại, hành trình của một kiếp người chẳng qua chỉ là chuỗi dài những trạm dừng chân nối tiếp nhau. Nói cho chính xác thì con người ta không thể chung thân với một cái gì trường cửu.
Trong vòng quay của quy luật tạo hóa, vạn vật sinh hữu và chuyển lưu bởi một chữ duyên, duyên đến duyên đi, duyên hợp duyên tan, duyên sinh duyên diệt, nhưng đến cuối cùng gì thì rồi cũng bỏ lại.
Bỏ lại để mà lên đường. Khi anh có được cái này anh phải chấp nhận mất cái kia, không gieo nhân thì làm gì có quả, một bàn tay đâu thể chạm cùng lúc hai cảm giác nóng và lạnh. Thuật ngữ nhà Thiền có một câu nói rất hay: “Tâm vô nhị dụng”. Có níu kéo nhưng rồi nó cũng vuột mất. Thất vọng và đau khổ là điều không thể tránh khỏi nếu ta không kịp nhận ra.
Khi anh từ bỏ những món đồ chơi cũ kỹ, đồng nghĩa với việc anh đã sẵn sàng cho một món đồ chơi mới. Anh chấp nhận từ giã cái hồn nhiên vô tư của thời con nít, mới có được cái trải nghiệm, lo toan và chính chắn của người trưởng thành. Anh phải từ bỏ những năm tháng miệt mài với phấn trắng, bảng đen mới có thể bắt đầu dấn thân vào lộ trình sương gió. Anh từ bỏ chữ A, anh sẽ học được chữ B, rồi cứ thế mà anh học được cả bảng chữ cái. Anh từ bỏ được những cơn sóng biển của Nha Trang, anh sẽ đến được phố núi ngàn hoa của Đà Lạt. Đời người như một chuyến tàu điện ngầm, chắc chắn rồi sẽ đi qua hết những trạm dừng chân, nhưng có bao giờ ta tự hỏi điều gì bắt ta phải ra đi? Dường như tất cả là một dòng dịch chuyển vô chừng, vô định mà chúng ta cũng chỉ là những con cờ chưa thoát được ván cờ của sinh diệt hư vô.
Đức Phật đã từng nói tất cả các pháp đều là vô thường, biến đổi trong từng sát-na. Một người mới sáng vừa ghé trạm vui, có khi chiều lại đã có mặt ở trạm buồn, rồi tiếp tục lên đường cho những trạm kế tiếp. Chúng cứ tiếp lưu, đi mãi nhưng ai dám bảo những lần ghé lại đó chưa một lần ta cảm thấy lưu luyến một trạm dừng chân? Có đôi lúc mình muốn cuộc vui kéo dài hơn, còn những nỗi buồn sẽ ngắn lại. Thậm chí là muốn chúng biến mất vĩnh viễn. Cái tham muốn viển vông ấy, dễ khiến con người ta rơi vào bế tắc và trầm cảm, vì nó đi ngược lại với quy tắc của sự đổi thay. Những người trẻ thường khao khát cái lãng mạn và tràn đầy của tình yêu, muốn ở hoài bên nó, muốn níu giữ cái cảm giác đó mãi. Nhưng liệu các bạn đã từng nghe khúc hát “Tình Chỉ Đẹp Khi Còn Dang Dở” lần nào chưa? Hay chỉ một lần được ghé tai ngang đời để chiêm nghiệm câu tứ “Hãy Cứ Là Tình Nhân” của nhạc sĩ Trần Quảng Nam.
Tôi cảm thấy dường như mọi thứ đang còn là quá trình thì nó sẽ đẹp, sẽ có động lực để con người ta vươn lên mà cố gắng sáng tạo. Cái đó trong tác phẩm “Hành Hương Tâm Linh”, Thiền sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh gọi là vẻ đẹp của sự bất toàn. Thử hỏi đằng sau một tác phẩm ra đời, một công trình thành tựu thì cái gì sẽ nối tiếp theo sau? Sẽ là một khoảng lặng vô chừng, tịnh tiến của thời gian nhàn rỗi. Hay không khéo lại khởi sinh “nhàn cư vi bất thiện”, tự mãn với chiến thắng thì dễ sa lầy trên chiến trường cũng nên.
Nghĩ lại, tôi thấy người ta thường thích thú, nôn nao với không khí chuẩn bị Tết hơn là được chính thức đón Tết. Người ta luôn mong ngóng để theo dõi tình tiết diễn biến của một bộ phim và một khi nó quá hấp dẫn thì họ đâm ra lo sợ sẽ đi đến hồi kết. Họ sợ cái cảm giác hụt hẫng, nuối tiếc đằng sau những cái tựu thành, cái toàn mãn. Như vậy sống trọn vẹn với quá trình có lẽ là hạnh phúc thực sự chăng?
Tôi bỗng nhớ ra một câu chuyện nhỏ: “Có một em bé mồ côi lang thang đi xin ăn, mỗi lần nhìn thấy lũ con nít trong xóm được ăn bánh bao là em thèm đến nhỏ dãi. Lần đó, một nhóm người từ thiện ghé thăm ngôi làng ấy và tình cờ họ phát cho em một cái bánh bao. Khỏi phải diễn tả, lúc đó em cảm thấy hạnh phúc đến dường nào, em cắn vội một miếng rõ to, mùi bánh bao thơm lừng khiến em không thể nào kiềm chế. Nhưng rồi đột nhiên em ngưng lại, sắc mặt đổi khác, em nhẹ nhàng xé từng mẩu nhỏ và ăn thật chậm rãi. Thấy thế, một cô tình nguyện viên hỏi em: Bánh bao có ngon không em? Em bảo: Dạ rất ngon. Thế sao em lại ăn từng miếng nhỏ và có vẻ như ngán vậy? Đôi mắt em lưng tròng: Từ nhỏ đến giờ, đây là lần đầu tiên em được ăn bánh bao, em sợ ăn nhanh sẽ hết. Câu nói thật lòng của em tự dưng khiến cho sóng mũi cô cảm thấy hơi cay, như có ai đó đang bóp nghẹn trái tim, cô rướm nước mắt. Cô bất giác ôm chầm, xoa đầu và nhét vội thêm cho em hai cái bánh bao. Cô hứa lần sau nhất định quay lại, cô sẽ đem thật nhiều bánh cho em”.
Cuộc sống này đôi khi những cái vô tình đúng thời điểm mà lại hay. “Em sợ ăn nhanh sẽ hết” là câu nói tưởng chừng như vô tư của em bé, nhưng lại phản ánh đúng thực tại chiều sâu tâm thức của con người – tham lam và chấp trước, luôn ích kỷ muốn níu giữ, sợ mất. Cái bánh bao không là gì đối với người có tiền, nhưng lại là cả một niềm mơ ước của những đứa trẻ nghèo khó, đơn côi. Có những cái tưởng chừng là đồ vứt đi của ta, nhưng lại là thứ đáng mơ ước, tìm cầu của kẻ khác. Vốn dĩ vạn vật tồn tại trên thế gian không gì là vô nghĩa, chúng đều có ý nghĩa và giá trị riêng mà tạo hóa dường như đã sắp đặt trước.
Nghĩ đến đây, tôi chợt tư duy đến hành trình của những người tu sĩ. Trong Kinh Tương Ưng I, Chương 4 Tương Ưng Ác Ma, Phẩm Thứ Nhất, Kinh Bẫy Sập 2, Đức Phật đã từng động viên các đệ tử: “Này các thầy Tỳ kheo, hãy lên đường thuyết pháp, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chúng sinh, vì lợi lạc, vì hạnh phúc vì an lạc cho chư thiên và loài người, mỗi thầy hãy đi về một hướng. Chính Như Lai cũng sẽ đi.” Hành trình của người tu suy cho cùng cũng là những cuộc bỏ lại và ra đi. Dù ở giai đoạn tu trì nào, anh cũng không được phép vướng mắc, nghỉ chân lâu quá anh sẽ bị bỏ lại lúc nào mà không hay. Đã gọi là con đường, hành trình thì chỉ có thể bước đi, không phải để lưu trụ. Muốn đến đỉnh núi, anh phải giã biệt chân núi. Mặc dù có lắm chông gai, thử thách trên đường nhưng anh cũng phải thật kiên trì, dõng mãnh để tiến bước. Hành giả trên đường tu cũng phải làm những cuộc giã biệt như vậy.
Anh muốn thấy đỉnh cao, ánh sáng thì đừng dại dột lưu luyến hay chần chừ bất kỳ một khoảnh khắc, một cuộc chơi, phải về tới Niết-bàn mới có thể tự tại. Nghe thì có vẻ giản đơn nhưng thực tế chẳng phải vậy, trong những trạm dừng chân ai biết được lắm lúc anh đã thấy mây hồng dạo chơi trên nắng bạc; những khung trời bát ngát hoa cỏ; những lầu đài, gác tía, cung điện vàng son nguy nga tráng lệ; những áo lụa quần là, dập dìu hoa bướm hương xuân… Liệu rằng có mấy kẻ đủ sức để vượt qua những cạm bẫy nương dâu? Nhưng có một thực tế chắc chắn rằng, hành nhân về tới đích sẽ phải rướm máu đôi chân và chưa kể là thân tâm đã tiều tụy, rách bươm bởi những vết thương của bụi đường sương gió. Âu cũng là một sự đánh đổi xứng đáng, lẽ dĩ nhiên con đường hoa hồng nào mà chẳng trải đầy gai.
Dù thế nào đi chăng nữa, người tu sĩ trên con đường Bát chánh cũng phải bỏ lại những trăn trở, phiền muộn mà ra đi. Đi để mà thấy, mà tuệ tri, tuệ giác. Hai chữ “buông bỏ” xem ra lại là một đề mục tu học khá thú vị cho các lữ khách lên đường. Tự dưng tôi chợt nghe loáng thoáng trong đầu vài ý kinh vang lên “Tất cả rồi cũng chỉ là bè cỏ qua sông, ngón tay chỉ trăng – ngón tay không phải là mặt trăng, pháp còn phải bỏ huống hồ là phi pháp…” Tựu chung, phương tiện thì không là cứu cánh, nhưng muốn đến được cứu cánh thì phải cần có phương tiện, xin các bậc học giả, thức tri đừng lầm lẫn chỗ đó. Và cũng mong những hành giả đang nguyện sống cuộc đời tỉnh thức, đừng ngộ nhận giữa thực và mơ, để một lúc nào đó tình cờ gặp mặt nhau còn có thể tự trào nên những vần thơ:
“Ta vẫn còn đến đi thong dong
Có không còn mất chẳng băn khoăn
Bước chân em hãy về thanh thản
Không tròn không khuyết một vầng trăng.”
(Thiền sư Thích Nhất Hạnh)
Tâm Học