.
.

Suy nghiệm lời Phật: Luyến ái buộc ràng


Sinh ra trong cõi Dục nên tham dục ái là bản chất của chúng sinh. Có thể nói rằng, không ai trong chúng ta mà không có tâm tham, niệm ái, ý dục.

suy-nghiem-loi-phat-luyen-ai-buoc-rang copy

Ái dục chảy trong máu, kết tinh trong xương, gợn lên trong ý từng phút giây của đời sống. Đặc biệt là luyến ái nam nữ, một nhu yếu cực kỳ quan trọng của đời sống thế tục đồng thời cũng là chướng ngại căn bản cho những ai đang đi trên lộ trình xuất thế, cố gắng vượt ra khỏi ái dục.

Riêng người xuất gia nguyện tu hành để vượt qua ái dục là chuyện không dễ dàng.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Ta ở trong chúng này, chẳng thấy một pháp nào tối thắng, tối diệu, mê hoặc người đời, khiến chẳng được tĩnh lặng, buộc ràng giam giữ, không có lúc giải thoát, như là đàn bà trông thấy sắc của đàn ông. Thấy rồi, họ liền khởi tưởng để ý, rất yêu kính, khiến người không đến được tĩnh lặng, ràng buộc giam giữ, không có lúc giải thoát, ý không xa lìa, xoay vần qua lại đời này đến đời khác, luân chuyển trong năm đường, trải qua bao số kiếp.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ: Nếu sanh tưởng điên đảo/Dấy niệm tâm ân ái/ Trừ niệm ý nhiễm trước/ Liền không các nhơ này.

Thế nên, này các Tỳ-kheo, nên trừ các sắc, chớ khởi tưởng dính mắc. Như vậy, các Tỳ-kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm 9. Một đứa con,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.100)

Vì ái dục là bản chất của chúng ta nên mỗi người dù là thế tục hay xuất gia cũng cần thấu hiểu để khai thác những yếu tố tích cực nhằm ứng xử phù hợp, thiết lập hạnh phúc, an vui cho cuộc sống.

Với người tại gia, tâm ái dục chính là tình yêu. Dĩ nhiên ái dục cần có từ bi nâng đỡ và trí tuệ sáng soi mới trở thành tình yêu đích thực. Yêu thương và tự nguyện đến với nhau là biểu hiện của ái nghiệp. Nghiệp này có nhân trong hiện đời và ở nhiều kiếp quá khứ với các tương quan thuận nghịch; thuận là yêu thương mang đến hạnh phúc, nghịch là tình ái mang đến khổ đau. Khi hạnh phúc thì cần phải giữ gìn. Gặp khổ đau thì tìm cách chuyển hóa. Nói một cách dễ hiểu, thực trạng hôn nhân hạnh phúc hay khổ đau chính là biểu hiện ái nghiệp của chính mình.

Riêng người xuất gia nguyện tu hành để vượt qua ái dục là chuyện không dễ dàng. Thế Tôn cũng từng khéo nhắc, nếu ở đời có hai món vui thích như ái dục thì không ai có thể tu được. Vì khó khăn như vậy nên những ai một lòng nguyện đi theo con đường ly dục và vượt lên ái dục thì đáng để ta kính lễ. Nhờ Tam bảo gia hộ, Đức Phật xót thương, Giáo pháp soi đường, Tăng-già bảo bọc. Nhờ thiện căn công đức huân tu trong nhiều đời kiếp quá khứ nâng đỡ, nhờ nỗ lực thiền tập tinh tấn hết mình kể cả phải xả bỏ thân mạng, người xuất gia trong hiện đời mới thoát khỏi ái dục buộc ràng. Và những ai không kham nhẫn được, bị ái dục xâm chiếm và trói buộc trở về đời sống tại gia cũng là chuyện bình thường.

Nam nữ luyến ái yêu thích lẫn nhau là chuyện thế thường. Người xuất gia còn tâm luyến ái cũng là chuyện bình thường. Vấn đề là tìm cách vượt qua nó thế nào, kết quả ra sao, thành công hay thất bại mà thôi. Đức Phật dạy, khi chưa chứng A-la-hán thì đừng tin vào ý của mình. Chỉ có những bậc đã đoạn ái, ly tham, diệt dục, vượt bờ thì mới tự tin đã thành công.

Còn lại tất cả đều phải cố gắng. Dục thì bừng bừng như lửa dữ, ầm ào như ghềnh thác nên dễ thấy nhưng ái thì âm ỉ như than lửa vùi tro, như nước ngầm len lỏi nên khó thấy, vi tế vô cùng. Cần thiết lập ba chân vạc Giới-Định-Tuệ, hãy vận dụng hai pháp tu căn bản Chỉ và Quán xuyên suốt lộ trình tu học để vượt qua sông ái thẳng đến bờ kia.

Quảng Tánh