.
.

Lắng nghe để hiểu…


Sống trong thời đại của công nghệ kỹ thuật, chúng ta không còn phải chờ hàng tháng trời chỉ để nhận được một bức thư tay từ ai đó, chúng ta cũng không cần phải trèo đèo lội suối chỉ để gặp mặt nói chuyện với người thương trong chốc lát, và chúng ta cũng không cần phải tốn thật nhiều công sức để có thể làm quen và nói chuyện với một người ở nửa kia của trái đất….


Mọi thứ ngày càng dễ dàng hơn, khoảng cách kết nối giữa những người ở xa ngày càng gần hơn, con người có thể trao đổi mọi thứ một cách thuận tiện mà không cần phải đến tận nơi. Và đó cũng chính là vấn đề của ngày nay!


Giờ đây con người có thể ngồi trong phòng và nói chuyện giao lưu với mọi người ở mọi nơi trên thế giới cả ngày, nhưng lại không thể dành ra  vài phút để lắng nghe tâm sự của một người thân đang gặp vài rắc rối nho nhỏ trước mặt mình. Người ta có thể nói thao thao bất tuyệt về ca sĩ này, người mẫu kia, scandal của diễn viên này hay hotgirl nọ… nhưng lại không thể biết được ngày sinh nhật của mẹ mình, cha mình sức khỏe ra sao, bản thân mình như thế nào. Chưa bao giờ chúng ta tự hỏi rằng: ta quen biết nhiều người nhưng liệu ta thật sự hiểu họ được bao nhiêu? Ngay nơi chính mình, ta đã hiểu được gì về chính mình chưa? Chúng ta luôn ảo tưởng rằng chúng ta hiểu được mình và người, nhưng sự thật là chúng ta không hiểu gì cả. Tất cả những vấn đề trên đều do chúng ta chưa bao giờ thật sự lắng nghe.

Lắng nghe, hai từ nghe qua ai cũng bảo: Ôi giời, chuyện nhỏ! Nhưng để thật sự làm được thì chẳng mấy ai, hãy thử nhớ lại gần đây nhất, lần mà bạn và ai đó giận nhau, điều đầu tiên mà bạn làm là gì? Tức tối bỏ đi, la hét để xả giận hay có những lời nói và hành động gây tổn thương đến đối phương. Có bao giờ bạn ngồi lại để tâm sự và lắng nghe đối phương khi cả hai đang giận nhau như vậy không! Cho nên lắng nghe thật sự không phải một chuyện dễ dàng. Nhưng chúng ta có thể tập luyện từ từ để trở thành một người biết lắng nghe.

Có nhiều nguyên nhân khiến chúng ta không muốn lắng nghe người khác, có thể chúng ta cảm thấy phiền khi người khác nói về những rắc rối họ gặp phải, cũng có thể chúng ta không quan tâm đến những vấn đề mà họ đề cập, hay chúng ta chỉ muốn là nhân vật chính trong một cuộc đối thoại vì vậy mà chúng ta nói nhiều hơn là nghe, và cũng có thể chúng ta không muốn tốn thời gian với họ… chúng ta đưa ra rất nhiều lý do để bao biện cho việc này, tựu chung lại cũng chỉ vì sự ích kỷ, vô tâm và chưa hiểu rõ được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc lắng nghe người khác.

Ngay bây giờ, hãy nhắm mắt lại và cùng tôi nhớ lại xem cảm giác khi mà chúng ta đang đau khổ, gặp thất bại hay bị phản bội và ngay lúc ấy, khi mà tất cả những cảm xúc tiêu cực, khó chịu đến với ta, điều mà ta mong muốn nhất ngay lúc này là gì? Riêng tôi, điều mà tôi mong muốn nhất lúc đó chính là có ai chấp nhận bỏ chút thời gian để cùng ngồi nghe tôi nói, cho tôi đôi lời khuyên hoặc an ủi động viên… có lẽ mọi người cũng có suy nghĩ như tôi vậy.

Tôi dám chắc mặc dù khi ấy vấn đề mà chúng ta gặp phải chưa được giải quyết nhưng lòng ta sẽ nhẹ bớt phần nào, tâm trạng cũng sẽ khá hơn và mối quan hệ giữa người nói và người nghe lúc đó sẽ trở nên tốt đẹp hơn nhiều. Thời gian chính là thứ quan trọng nhất của một con người, người dám dành thời gian của mình cho bạn cũng đồng nghĩa họ đang dành một phần cuộc đời của mình cho bạn, người như vậy tôi khuyên bạn hãy nên trân trọng.

Trở lại vấn đề, điều quan trọng nhất bây giờ là làm thế nào để chúng ta lắng nghe được người khác. Theo tôi việc thứ nhất mà chúng ta cần phải làm là học cách nói ít lại, nói điểm chính, điều quan trọng. Khi miệng chúng ta nói ít lại thì tai chúng ta sẽ nghe nhiều hơn, đó là một cách để chúng ta biết được người khác muốn bày tỏ điều gì. Điều thứ hai mà chúng ta cần làm chính là tập trung, chúng ta thường hay bị phân tâm bởi những tin nhắn, những thông báo từ điện thoại hay môi trường xung quanh mà quên đi đối tượng mình đang nói chuyện, do đó khiến chúng ta không thật sự hiểu hết điều mà họ muốn nói.

Và cuối cùng khi người khác nói hãy cố gắng im lặng lắng nghe toàn tâm toàn ý, nghe với tư thái đặt bản thân trong trường hợp của đối phương. Đó chính là ba điểm quan trọng nhất khiến chúng ta trở thành những người biết lắng nghe. Khi giữa người và người có lắng nghe nhau thì sự quan tâm, lo lắng, cảm thông xuất hiện. Đó chính là chiếc cầu nối khiến các mối quan hệ tốt đẹp hơn.
Phong Tử