.
.

Giọt nước mắt của cụ


Mong sư nhận tấm lòng này… Đó là câu nói và hình ảnh của một cụ bà Phật tử cứ làm tôi nhớ mãi từ hồi còn ở quê, trước khi lên đường đi du học.

Cụ bà kêu tôi lại: – Sư ơi! Cụ muốn cúng dường gieo duyên với sư, vì nghe nói sư sắp đi học xa, chắc lâu lắm mới về chùa lại đúng không sư?.

Nói xong, cụ móc trong túi (với đôi bàn tay run run) ra một xấp tiền, chỉ toàn tiền lẻ, trong đó chỉ duy nhất có tờ 100 ngàn đồng. Cụ lấy ra và duỗi cho thật đều, ngay ngắn và nhét vào tay tôi.

Rồi cụ nói: – Sư ơi! Tấm lòng của cụ, sư nhận nhé, đây là tiền con gái vừa cho, nay xin cúng dường cho sư đi học để mai này làm lợi lạc chúng sanh. Cố gắng lên sư nhé, chặng đường phía trước còn lắm chông gaithử thách, mai này sư thành tài rồi, nhớ về tụng cho cụ một thời kinh, thuyết cho cụ một thời pháp trước lúc ra đi là mãn nguyện lắm rồi.

Tôi cầm tờ 100 ngàn của cụ trên tay, mà cõi lòng như thắt lại. Không biết mình có nên nhận hay không, nếu khônglà phụ tấm lòng của cụ và bỏ lỡ một lần gieo duyên phước lành mà cụ đang gieo tạo, rồi tôi tự hỏi: nếu nhận rồi thì chắc những ngày tới lấy gì cụ ăn khi đây chính là phần tiền chu cấp của người con gái mỗi tuần.

Tính bụng là sẽ gởi lại cho cụ và xin nhận ở cụ một tấm lòng là đủ. Thì bất chợt cô con gái của cụ bắt gặp và biết được sự việc. Cô có vẻ không vui khi nhìn thấy mẹ đang chèn vào tay tôi 100 ngàn đồng mà cô mới đưa cho mẹ lúc nãy.

Cô nhìn chăm chăm vào mặt mẹ và nói: – Mẹ già rồi, không làm ra tiền, thương mẹ – con giấu chồng đưa cho vài đồng để có mà xài, ở đó mà đi cúng dường – cúng cộ. Nói xong, côđưa mắt nhìn sang tôi với vẻ không vui cho lắm.

Thấy cụ bà có vẻ trầm buồn, cô con gái nói tiếp: – Thôi! mẹ cất 100 ngàn lại đi, để con lấytiền của con cúng dườngcho sư vài đồng cũng được.

Tôi cứ im lặng để xem cụ bà sẽ làm gì, bất chợt, tôi thấy bà khóc trong vẻ ngượng ngùng, một hồi lâu thì bà ấp úngnói:

– Con ơi! Đây là tấm lòng của mẹ mà con – Nói rồi cụ khóc nghẹn ngào trước mặt tôi.

Lấy trong túi áo ra cái khăn, cụ lau đi dòng nước mắt, nhìn tôi rồi cụ nói nghẹn: – Sư ơi! Sư đừng buồn con nhé sư. – Rồi bà để lại trên tay tôi 100 ngàn và quay lưng lặng lẻ bước đi.

Trái tim và sự hy sinh thật vĩ đại của những người mà tôi cho là hóa thân của Pháp. Vì đằng sau những vị danhTăng lỗi lạc, những nhà sư tài ba, những vị Thầy ngồi trên pháp tòa thuyết pháp thao thao bất tuyệt thì xưa kia của cái một thời đằng sau đó là hình ảnh của những người Phật tử âm thầm hy sinh, chắt chiu từng đồng, nhịn ăn từng bữa, để dành tiền nuôi dưỡng Tăng – Ni trên bước đường học Phật của thuở nào.

100 ngàn của cụ đến nay tôi vẫn còn giữ mãi bên mình. Với tôi, nó vượt lên cả sự cúng dường mà là sự hy sinhlớn lao mà cụ đã làm được. Không chỉ một, mà có cả hàng vạn người đang mãi âm thầm trợ duyêncúng dườngđể nuôi dưỡng bao thế hệ Tăng -Ni đi học, với niềm hy vọng sau này trên mảnh đất quê hương mình sẽ có thêm những vị Thầy có đủ tri thức, đủ tài – đủ đức để tiếp nốitruyền thừa Phật pháp.

Vâng – những tấm lòng đó, sẽ mãi được vinh danh muôn đời và bất tử giữa thời gian – để mỗi khi nhìn thấy một vị thầy, hay một vị sư nào tài giỏi, thì xin đừng quên những con người“hoá thân của Pháp” đang mãi đứng đằng sau âm thầm hy sinh tiếp nối để lót đường chohạnh nguyện “dựng Tăng” có khi phải đổi bằng nước mắt.

Giác Minh Luật