.
.

Tưởng niệm nữ NSƯT Phật tử Út Bạch Lan


Nữ Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Phật tử Út Bạch Lan, một trong những người trong giới Nghệ sĩ cải lương để lại ấn tượng nhất đối với dân Nam bộ, Bà đã an nhiên xả báo thân tại tư gia, Tp.HCM, sau một thời gian bệnh tật trong tuổi già sức yếu.

Nữ NSƯT Phật tử Út Bạch Lan vốn sinh trưởng trong một gia đình phật tử thuần thành, thuở ấu thơ đã cùng bà ngoại và mẫu thân thường đến Tổ đình Ấn Quang để tụng kinh, nghe pháp. Lúc cuối đời thường ăn chay, niệm Phật và khoảng thập niên sau 1980, bà cùng cố Nghệ sĩ Phật tử Út Trà Ôn thành lập Câu lạc bộ Cổ nhạc Phật giáo và đó đây khắp chốn Thiền môn, phục vụ văn nghệ Phật giáo trong những ngày lễ lớn. Mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng Bà vẫn hòa mình với giới nghệ sĩ trẻ đi lưu diễn văn nghệ các chùa để lập quỹ Từ thiện. Một trong những giọng hát ấn tượng nhất đó là bài ca vọng cổ “Thiền sư Vạn Hạnh”.
Bà thường tâm sự rằng: “Tôi dùng lời ca tiếng hát của mình để giáo dục giới trẻ hôm nay biết yêu thương, biết chia sẻ những nổi khổ niềm đau với tha nhân, có trách nhiệm bổn phận, và hiếu thảo với cha mẹ . . .”
Nữ NSƯT Phật tử Út Bạch Lan tục danh Đặng Thị Hai, pháp danh Giác Nhã, được mệnh danh là giọng ca “Sầu nữ”, sinh năm 1935, tại tại ấp Lộc Hóa, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. An nhiên trút hơi thở, xả báo thân vào tối hôm thứ Sáu ngày 05/10/Bính Thân (04/11/2016). Hưởng thọ 82 xuân.

Chiều 05/11/2016, sau lễ tẩm liệm tại nhà riêng, linh cữu giọng ca được mệnh danh là Sầu nữ của cải lương Nam bộ – Nữ NSƯT Phật tử Út Bạch Lan được đưa về ở Tổ đình Ấn Quang, quận 10, Tp.HCM.
Ngày 05/10/2016, trả lời với phóng viên BBC từ Tp.HCM, nghệ sĩ Kim Tử Long chia sẻ: “Trong giới cải lương từ độ tuổi của tôi trở xuống đều xưng hô vớiNSƯT Út Bạch Lan là má Út và xem Bà là biểu tượng sống về nghề nghiệp và nhân cách sống.
Sự ra đi mãi mãi của Bà là sự mất mát lớn cho sân khấu Cải lương vì theo tôi, không diễn viên nào qua được Bà khi thể hiện vai người mẹ nhân hậu.
Điều tôi quý nhất ở má Út là sự hiền hậu, sống cuộc đời đơn giản, không màng danh hiệu và những hào nhoáng của sự nổi tiếng.
Dù được chính quyền đề nghị nộp đơn xin danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” nhưng Bà khước từ và nói rằng chỉ muốn mãi với danh hiệu “Sầu nữ” trong lòng khán giả mộ điệu”.
.
Di nguyện của Bà: “Phần hậu vận, tôi có đóng góp vào chùa, nên sau khi qua đời, việc tang chế cũng chẳng lo lắng gì. Tôi có dặn các con, khi má chết nhớ đem hỏa táng rồi thỉnh chư Tăng, thuê thuyền ra sông rắt tro và tuyệt đối không được cúng giỗ linh đình tốn kém. Mỗi ngày khi ăn cơm, nếu nhớ má thì để chén đũa riêng ra, mời má về ăn cơm cùng tụi con, thế là má vui lắm rồi!”.
Nghệ sĩ Hoài Linh bày tỏ sự kính tiếc: “Một cây đại thụ của cải lương Việt Nam ra đi. Xin vĩnh biệt NSƯT, sầu nữ Út Bạch Lan. Nguyện cầu hương hồn má sớm về cõi Phật. Xin chia buồn cùng gia đình và khán giả mộ điệu cải lương”.
NSƯT Hữu Quốc buồn bã đăng trên trang cá nhân: “Má ơi! Má đã ra đi về cõi Phật!”. Nghệ sĩ Gia Bảo đăng nhiều hình về bà, với dòng chia sẻ đau buồn: “Trời ơi!!! Con không tin điều đó là sự thật! Vậy là bà Út đã đi rồi sao? Cuộc đời mong manh quá… Con sinh sau đẻ muộn nhưng cũng may mắn có được những kỷ niệm với bà Út! Con cám ơn bà Út đã giúp con…
Xin cúi đầu tiễn đưa NSƯT Út Bạch Lan về cõi Phật!”…
Vân Tuyền