Có một thiền sư đã viết rằng, khi ngồi vào con thuyền thì ta thấy hai bên bờ di động. Bởi vì mắt và tâm ý chúng ta đang bị cảnh vật hai bên bờ lôi kéo, nhưng kỳ thực là con thuyền của mình đang di động.
Hỏi:
Con năm nay 24 tuổi, đang sống và đi làm ở một công ty tại Hà Nội. Công việc, cuộc sống riêng tư của con đang trôi đi. Con cảm thấy nó trôi nhanh quá, nhanh tới mức con không thể kiểm soát được nữa. Tâm con, trí con dường như cũng bị cuốn theo nó. Con muốn dừng lại để thảnh thơi, để nhìn lại bản thân mình mà không thể đứng lại được. Con muốn được tĩnh tâm lại. Nhưng con không thể và không biết làm thế nào khi cuộc sống cứ từng ngày cuốn con đi theo nó. Tâm trí của con cũng dường như bị đảo lộn. Con xin Sư Ông chỉ cho con cách làm thế nào để con có thể cân bằng lại được cuộc sống và suy nghĩ?
Đáp:
Trước hết xin được cảm ơn về câu hỏi thiết thực của em. Bởi vì dường như nhiều bạn trẻ sống ở các thành phố lớn hiện nay cũng đang có cùng tình trạng. Đó là điều đáng lo ngại cho thế hệ trẻ chúng ta khi mà kinh tế thị trường và công nghiệp phát triển. Nền khoa học kỹ thuật vượt bậc đã mang lại những tiện nghi lớn lao không thể phủ nhận cho chúng ta, nhưng đồng thời nó cũng làm bào mòn các giá trị văn hóa tinh thần khác. Có lẽ đó là lý do vì sao ngày càng có nhiều người Tây phương muốn nghiên cứu, học hỏi và thực tập các giá trị tâm linh nhiều hơn, cụ thể là đạo Bụt.
Em trai mến, tuổi trẻ Việt Nam chúng ta dường như chưa có sự chuẩn bị nhiều về mặt này. Đầu tư thời gian cho học tập, làm việc nhiều để đời sống vật chất gia đình được cải thiện, đất nước đi lên là rất quý nhưng nếu thiếu đi các giá trị tinh thần thì xu hướng xã hội sẽ đi về hướng bận rộn, tiêu thụ nhiều, con người trở nên lạc lõng và xa cách hơn trong chiều sâu tâm thức, vì ít có thời gian ngồi lại chia sẻ, cảm thông với nhau… Như vậy thì đời sống cộng đồng chắc sẽ trở nên cằn cỗi và vô vị lắm em nhỉ?
Chia sẻ với em điều này bởi trong số những người xuất gia trẻ chúng tôi có người đã từng cảm thấy mình như một robot. Có ai đó đã cài đặt sẵn các chương trình hoạt động cho mình từ sáng cho đến tối mà không còn thời gian, năng lượng cho bản thân và những người xung quanh. Cái gì đã khiến mình như thế và có cách nào hay hơn không? Đó là một câu hỏi cho rất nhiều bạn trẻ ngày nay vốn dĩ thông minh và nhiều nhạy bén.
Trong gia tài của Bụt chúng ta may mắn có rất nhiều pháp môn thực hành. Tôi chia sẻ cho em một pháp thực tập gọi là Chỉ và Quán. Chỉ là dừng lại và Quán là nhìn sâu vào lòng sự vật. Xin được đưa ra một ví dụ nhỏ để em dễ hiểu hơn. Giả dụ khi em đến ngã tư đường thì đèn vàng vừa bật lên, báo hiệu chuẩn bị đèn đỏ dừng lại. Nhiều người trong số đông đã cố gắng nhấn ga nhanh hơn vượt qua để tránh phải chờ đợi. Ai cũng làm vậy và em cũng chạy cuốn theo mà không kịp nghĩ suy.
Quả thật không ai muốn lãng phí bất cứ một thời gian trống vô nghĩa nào nên đã tranh thủ tất cả. Ấy vậy mà Sư Ông làng Mai dạy rằng chúng ta đang đánh mất từng phút giây quý báu của sự sống mà không hay. Mình chỉ lo chạy vội vã và lướt trên bề mặt của sự sống mà không tiếp xúc được với nó một cách sâu sắc, và rồi có một ngày nào đó mình cảm thấy mọi thứ trống rỗng. Đó là sự thật mà khi thực tập Chỉ và Quán em sẽ dần khám phá ra.
Nếu khi đèn vàng mà em thử thiền Chỉ, dừng lại rồi thở vào thở ra nhẹ nhàng cho lắng dịu bớt tâm tư đang suy nghĩ miên man và cảm nhận một chút cuộc sống đang xảy ra chung quanh. Sau đó mình thiền Quán thử là cái hành động ngừng lại không theo số đông này có lợi ích gì? Mình hiểu rằng đèn đỏ sẽ bật lên sau đèn vàng thời gian rất ngắn, vội vàng lúc này sẽ không an toàn “Thà chậm một giây còn hơn gây tai nạn”. Nếu không ai chịu nhường đường thì làm tắc nghẽn giao thông. Mọi người sẽ còn mất thì giờ nhiều hơn nữa.
Với tình thương và ý thức trách nhiệm nên mình sẽ ngừng lại nhường đường, chờ đợi rất thoải mái mặc dù sẽ có vô số người phía sau mình vượt lên. Mình không góp phần vào đám đông quá hối hả để làm gia tăng cái năng lượng ấy. Có cơ hội vài phút ngắn ngủi đó để dừng lại chăm sóc thân tâm mình, vừa tôn trọng luật giao thông và cảm nhận cuộc sống thì đâu có lãng phí đi đâu phải không em?
Dừng lại và quán chiếu trong bất cứ suy nghĩ, hoạt động nào của đời sống hằng ngày như công việc, mua sắm, học hành, quan hệ… thì dần dần em sẽ giảm được sự cuốn hút của thời gian, vòng xoáy đời sống bận rộn để trở về với chính mình nhiều hơn. Em nên dành khoảng 10-20 phút hằng ngày để tĩnh tọa trước khi đi ngủ. Điều này sẽ giúp em có giấc ngủ sâu lắng. Tóm lại hòa điệu vào cuộc sống mà không đánh mất chính mình bằng sự dừng lại đúng lúc và nhìn sâu.
Đời sống của mình sẽ được giảm bớt những thứ chưa thật sự cần thiết và trở nên đơn giản hơn. Nhờ vậy mà mình có dư thời gian để thưởng thức cuộc sống và hiến tặng những điều tốt đẹp cho nhau. Đó là mục tiêu của sự thực tập. Em nên tìm đọc thêm quyển “Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức” và “An Lạc Từng Bước Chân” do Sư Ông viết để áp dụng thiền tập trong công việc và đời sống hằng ngày.
Có một thiền sư đã viết rằng khi ngồi vào con thuyền thì ta thấy hai bên bờ di động. Bởi vì mắt và tâm ý chúng ta đang bị cảnh vật hai bên bờ lôi kéo, nhưng kỳ thực là con thuyền của mình đang di động. Hãy cố gắng sắp xếp để nghỉ ngơi và chăm sóc chính mình nhiều hơn trong thời gian này em nhé! Cuối cùng xin tặng em bài thần chú bình an. Bất cứ khi nào thấy tâm mình muốn chạy theo hay bị cuốn hút vào điều gì em hãy đứng yên hay ngồi yên trong giây lát để định tâm lại, nhắm nhẹ mắt, buông bỏ hết tất cả các suy nghĩ trong đầu, thở đều và đọc thầm 3 lần:
Thở vào tâm tĩnh lặng
Thở ra miệng mỉm cười
An trú trong hiện tại
Giờ phút đẹp tuyệt vời
Có bốn câu hỏi tiếng Anh bắt đầu bằng chữ WH- khá vui cũng xin được chia sẻ với em. Đó là luôn tự hỏi mình:
What am I doing?
Where am I going?
When will I do it?
Whom am I talking with?
Luôn tỉnh thức để nhận BIẾT rõ mình đã, đang và sẽ làm gì trong mọi lúc, mọi nơi, chúng ta sẽ kiểm soát được đời sống của chính mình.
Thầy Pháp Thuyên