.
.

Giới luật là mạng mạch của Phật pháp


Giới luật là mạng mạch của Phật pháp. Giới luật còn là Phật pháp còn. Đức Phật dạy rằng, người nào sống không giới luật, tuy ở gần ta mà cũng như cách xa ta muôn dặm; người nào sống có giới luật, tuy ở xa ta muôn dặm mà cũng như ở cạnh bên ta.

Trong kinh Di Giáo, trước khi vào Niết bàn, đức Phật khuyên các thầy Tỳ kheo: Sau khi Như Lai diệt độ rồi, các Tỳ kheo phải lấy Ba-la-đề-mộc-xoa (Giới luật) làm Thầy cũng như ta còn tại thế. Nếu ta còn tại thế mà Tỳ kheo các ông không y theo giới Ba-la-đề-mộc-xoa thì cũng như ta đã diệt độ.
Trong bài tựa Nghi thức tụng Tỳ kheo ni giới bổn có ghi rằng:

Thế gian, vua lớn nhất
Các dòng, bể là to
Các sao, trăng là sáng
Các Thánh, Phật là tột
Trong tất cả các Luật
Giới kinh là chơn hết

Chính vì Ba-la-đề-mộc- xoa quan trọng và thù thắng như vậy nên đạo Phật hưng thịnh hay suy vi đều không ngoài phạm vi của giới luật. Ngày nay, trên bước đường hành đạo, người tu hành gặp những khó khăn hay những điều bất như ý thường hay thở than “đời mạt pháp mà!”. Với một thái độ hết sức tiêu cực, đôi khi chán nản nữa. Mạt pháp có nghĩa là chánh pháp đã bị suy vong, suy vong từ hình thức đến nội dung, từ nhận thức đến hành vi. Ý thức tới chánh pháp đã đến thời cùng mạt, ai mà chẳng buồn nản. Thế nhưng, mạt pháp từ đâu mà đến?

Từ xã hội bên ngoài hay từ sự phát triển của văn minh nhân loại? Quá khứ trên 2500 năm của Phật giáo ở các nơi đã chứng tỏ Phật giáo có một mạng sống miên viễn. Động lực chính yếu để Phật giáo hiện hữu là do nhu cầu sống của con người. Vì thế, dù xã hội có thay đổi thế nào đi chăng nữa thì Phật Pháp vẫn có mặt bởi vì con người vẫn còn nhu cầu được sống. Như thế, xã hội và văn minh của nhân loại không thể làm cho chánh pháp đi vào thời cùng mạt được.

Mạt pháp – can đảm mà nói do nó đi từ bên trong, cụ thể là từ hành động, cử chỉ, lời nói, ý nghĩ của người tu hành. Ngược lại chánh pháp cũng thế, giáo pháp siêu việt và thực tiễn của đức Phật được sáng tỏ, có giá trị thiết thực trong cuộc sống hiện tại, được phổ cập rộng rãi trong xã hội loài người, tất cả đều tùy thuộc vào tư cách, nói chung từ hình thức đến tâm linh của người tu hành cả. Tư cách ấy được biểu hiện bằng sự nghiêm trì giới luật, đó là vấn đề trọng yếu quyết định vận mệnh của Phật pháp trong mọi thời đại và mọi nơi chốn. Giới hạnh của người tu liên quan đến sự thịnh suy của Phật pháp một cách mật thiết.

Chính vì thế nên khi đức Phật sắp vào Niết bàn, Ngài vẫn còn ân cần tha thiết nhắc nhở các đệ tử  trong kinh Di giáo, rằng: “Này các Tỳ kheo sau khi ta diệt độ, các thầy phải trân trọng tôn kính tịnh giới, như mù tối mà được mắt sáng, nghèo nàn mà được vàng ngọc. Phải biết tịnh giới là đức thầy cao cả của các thầy. Nếu ta ở đời thì cũng không khác gì tịnh giới ấy”. Âm hưởng của lời dạy ấy đã vượt không gian và thời gian, tồn tại đến ngày nay và trong chúng ta, không ai không biết đến câu:

Tỳ ni tạng trụ, Phật pháp cửu trụ
Tỳ ni tạng diệt, Phật pháp diệc diệt
.”

Nghĩa là:

Giới luật còn hành, Phật pháp cũng còn
Giới luật không còn hành, Phật pháp cũng mất

Bởi thế, đức Thế Tôn chế ra các giới luật. Nó không phải bắt buộc các đệ tử phục tùng mệnh lệnh của Ngài, mà để ngăn ngừa các nghiệp từ ý nghĩ đến hành động, hầu thánh hóa đời sống chúng đệ tử. Cho nên, một thầy Tỳ kheo giới hạnh thanh tịnh là bản sao chụp lại của đời sống thánh giả A-la-hán một cách rõ ràng và hiện thực. Đó là mảnh đất tốt để tăng trưởng thiện pháp, là nền tảng để tiến bộ tâm linh, để phát triển những nhận thức chân chánh, thấy được lẽ thật của cuộc đời.

Một khi hành giả có giới luật trang nghiêm tức đã làm một nơi an ổn cho thế gian nương nhờ, và cũng là một thành viên tích cực khiến cho Phật pháp hưng thịnh. Tuy nhiên, nếu giới luật không được nghiêm trì thì chúng đệ tử của Phật sẽ là một cộng đồng ô hợp, có khi còn tai hại cho xã hội nữa. Nếu người xuất gia mà không giữ gìn giới luật thì không thể nào phân biệt được đâu là người xuất gia, đâu là kẻ thế tục. Như vậy, chỉ có giới luật mới tạo nên đức hạnh của người tu, đồng thời cũng góp phần xây dựng cho chúng ta thành những chiến sĩ trên mặt trận đạo đức, tạo nền tảng cho Phật pháp hưng thịnh.

Lại nữa, vấn đề tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức cũng liên quan đến sự hưng thịnh của Phật pháp. Khi đã chấp nhận một người xuất gia là chấp nhận thêm một thành viên gia nhập vào cộng đồng đệ tử đức Phật, đồng thời cũng là chấp nhận một viên gạch đã góp phần xây dựng nên ngôi nhà Phật pháp. Vì thế, việc xuất gia của một người không chỉ là vấn đề cá nhân mà là vấn đề liên đới cần phải đặc biệt chú trọng, bởi sự tiến bộ hay sa đọa của họ đều ảnh hưởng đến sự thịnh suy của Phật giáo.

Việc chấp nhận một người xuất gia phải được đặt hoàn toàn trên nền tảng giới luật và mục đích chung của Phật giáo nhằm đảm bảo uy tín và sự thanh tịnh của Tăng đoàn. Người xuất gia phải là một người có tín tâm, xuất gia vì một mục đích cao cả là hướng đến giác ngộ, giải thoát. Đồng thời, trước khi gia nhập chính thức vào Tăng đoàn, người ấy phải được xét duyệt qua mười ba giá nạn và mười lăm khinh mạn mà giới luật đã quy định.

Một người xuất gia cống hiến trọn đời mình cho lý tưởng, gửi trọn đời mình cho vị thầy. Nếu thầy không đủ đức độ để hướng dẫn mà thâu nhận đệ tử thì trái với giới luật, sẽ dẫn đến sự suy đồi của Phật pháp, tội ấy còn nặng hơn tên đồ tể vì họ đã nhận chìm người đệ tử vào trong ác đạo. Như thế muốn độ người xuất gia, vị thầy phải hội đủ hai yếu tố vật chất và tinh thần. Đó là cung cấp cho đệ tử một đời sống vật chất theo chế độ “tam thường bất túc” (tức ba nhu cầu hằng ngày như ăn, mặc, ngủ không được quá sung túc) và hướng dẫn đệ tử giữ gìn giới luật, học tập kinh điển, tu tập thiền định. Trong Luật dạy rõ, một Tỳ kheo muốn thâu nhận một đệ tử xứng đáng là một thành viên của Tăng đoàn nhằm tạo nên sự hưng thịnh của đạo pháp, thì phải hội đủ các tiêu chuẩn sau:

1. Tuổi đạo phải đủ mười hạ.
2. Phải biết rõ ràng các trường hợp trì và phạm, khinh và trọng về giới luật.
3. Kiến thức phải rộng rãi.
4. Có khả năng giải quyết những tâm tư khúc mắc của đệ tử.
5. Có khả năng đoạn trừ tà kiến cho đệ tử.
6. Được Tăng chấp nhận và tác pháp yết-ma súc chúng.    

Tóm lại, Giới luật là mạng sống của thân cây Phật pháp, là sinh mạng của người xuất gia, nếu thiếu nó thì Phật pháp sẽ tàn lụi, kế đó là người xuất gia không thành người tu giải thoát, nên trong Luật thiện kiến có ghi lại lời Phật bảo Tôn giả A-Nan: “Sau khi ta diệt độ, có 5 yếu tố khiến cho chánh pháp được cửu trụ là:

1) Giới luật còn ở đời thì Phật pháp cửu trụ, vì giới luật là bậc thầy cao cả của đại chúng.
2) Còn có luật sư ở đời thì Phật pháp cửu trụ, vì có người thông đạt hai bộ luật và chủ trì được tạng luật.
3) Ở đời có ít nhất năm vị trì luật thì mới có thể khiến cho Phật pháp cửu trụ. Vì tăng bảo còn thì Tam bảo không dứt mất, hễ có năm vị trì luật ở xứ sở nào thì xứ sở đó hưng thịnh 500 năm.
4) Nếu ở đô thị có được mười vị Tỳ kheo trì luật, ở biên địa có năm vị Tỳ kheo thanh tịnh thì có thể làm cho Phật pháp cửu trụ, vì làm được việc giải tội đúng pháp cho những vị phạm giới”.

Tuy giới luật chỉ là hình thức, nhưng nếu thiếu giới luật thì không thể tiếp nối được Tăng bảo. Do đó, ở biên địa dù chỉ có năm vị trì luật, ở trung ương chỉ có mười vị trì luật cũng có thể làm cho chánh pháp cửu trụ. Như thế nếu thượng tọa là bậc thù thắng, được cả nước tôn sùng mà không trì giới, không am hiểu luật nghi để khuyên nhắc và làm mô phạm cho đại chúng, tất nhiên chánh pháp sẽ bị hoại diệt.

Qua những phần trình bày trên, ta thấy rõ một điều rằng giới luật chính là nền tảng cho sự hưng thịnh của Phật pháp nó góp phần đem lại hạnh phúc lâu dài cho mình trong hiện tại và tương lai, không những thế nó còn giữ vai trò quan trọng trong việc làm, trong cái nhìn khách quan thuộc về thế tục. Nó thuộc về tư thái oai nghi tác phong của người tu sĩ Phật giáo, điển hình rõ nét nhất là đại vương Pasenadi đã nhiều lần phải thốt lên lời thán phục: “…Bạch đức Thế Tôn, vua chúa thường tranh chấp với vua chúa, Sát-đế-lợi thường cãi vã với Sát-đế-lợi, bạn bè thường hơn thua với bạn bè…

Còn ở đây con thấy các vị Tỳ kheo sống rất hòa thuận, thân hữu không cãi vã nhau, hòa hợp như nước với sữa, nhìn nhau bằng cặp mắt ái kính. Bạch đức Thế Tôn! Ngoài ra con không thấy một phạm hạnh nào khác viên mãn, hòa hợp như thế”. (Trung Bộ kinh II)

Con đường giải thoát duy nhất của người xuất gia không gì khác hơn là Giới-Định-Tuệ. Trong đó Giới luật là bước đi đầu tiên căn bản, là thềm thang hướng đến Niết bàn an lạc, là kim chỉ nam trong đời sống của người xuất gia. Chính vì thế mà Giới luật được xem là nơi nương tựa an ổn nhất cho người xuất gia. Giới luật chính là vị đạo sư cao cả của chúng ta. Điều này đã được đức Phật dạy trong kinh Di giáo như sau: “Nhữ đẳng Tỳ kheo, ư ngã diệt hậu đương tôn trọng trân kính Ba-la-đề-mộc-xoa như ám ngộ minh, bần nhân đắc bảo. Đương tri thị tắc nhữ đẳng đại sư, nhược ngã trụ thế vô dị thử dã”, nghĩa là: “Này các Tỳ kheo sau khi ta diệt độ các ông phải lấy giới luật làm thầy cũng như người đi trong đêm tối gặp đèn sáng, người nghèo được của báu. Phải biết giới luật là thầy của các ông, dù Ta có trụ ở đời cũng chẳng khác gì pháp này vậy“.

Như vậy, người xuất gia thì điều cần thiết nhất là phải nghiêm trì tịnh giới. Nỗ lực tinh tấn không ngừng trau dồi giới đức, vì Giới là cội gốc Bồ đề, là nền tảng Niết bàn, là ngọc anh lạc để trang nghiêm pháp thân, là phao nổi để đưa người qua biển khổ sanh tử và cuối cùng là kho tàng công đức.

Cũng như bất cứ bao giờ và ở đâu, nếu giới còn được tôn trọng và hành trì nghiêm túc thì chánh pháp mới được trường tồn mãi mãi. Một khi đã nhận thức rõ điều này thì hàng xuất gia phải có nhiệm vụ bảo tồn chánh pháp tự mình tinh nghiêm giới luật, lấy giới làm mạch sống tu hành. Mỗi chúng ta là một nhân tố tạo lập ngôi Tam bảo, quyết định sự tồn tại của đạo pháp. Bởi nhờ có giới luật mà hàng tu sĩ chúng ta được cơ duyên vun bồi phước đức, tâm thức hành nghi, un đúc đạo đức thâm sâu, tâm hành thuần thục, cung cách oai nghi tỏ rạng khiến cho mọi người khởi tâm kính mộ và từ đó đem lại sự hưng thịnh cho Phật pháp, lợi lạc nhân quần xã hội. Qua đó chúng ta có thể khẳng định rằng “Giới luật là yếu tố cơ bản đối với người xuất gia”. Như cổ đức đã từng tán dương:

Ôi! Biển Phật pháp rất là mát mẻ
Giới Thi-la là cái thềm bờ
Thánh phàm tắm gội không nhơ
Cõi lòng thanh tịnh là bờ giác kia

Muốn cho chánh pháp tồn tại lâu dài và truyền bá được rộng rãi thì các sứ giả Như Lai phải biết tùy theo căn cơ thời đại và hoàn cảnh mà áp dụng giới luật một cách uyển chuyển, linh động miễn sao không hại đến mục đích giải thoát, nhất là trong tình trạng đạo đức nhân phẩm đang bị xem thường như hiện nay. Chính là lúc tất cả mọi người đang cần đến những phương thuốc tinh thần (giới luật) để cứu chữa căn bệnh suy thoái đạo đức.

Như vậy, hành trì giới luật trong thời đại ngày nay cần phải uyển chuyển theo xã hội nhưng điều cốt yếu là phải lấy giới luật làm nền tảng căn bản cho tự thân. Như Ngũ Phần luật quyển 22 Phật dạy: “Tuy điều giới Ta chế nhưng phương khác chẳng cho là thanh tịnh đều chẳng nên dùng. Tuy chẳng phải điều Ta chế nhưng phương khác cần phải làm thì chẳng được chẳng làm”.

Thích Nữ Như Luật (VHPG)
(Trích “Giới luật là yếu tố cơ bản của người xuất gia”)