.
.

Trung Quốc: Di Vật Phật Giáo Cổ Tiết Lộ Lịch Sử Quan Trọng Của Thượng Hải


Nhiều di vật Phật giáo quý giá đã được tìm thấy ở một phố cổ ở Quận Qingpu, Thượng Hải, Trung Quốc.

Phát hiện này có được khi khai quật phần nền của một ngôi chùa được xây dựng ở thời Bắc Tống (960-1127) ở thành phố Qinglong, vốn được xem là cảng thông thương với nước ngoài sớm nhất của Thượng Hải, Chen Jie, một nhà khảo cổ phụ trách khai quật, cho biết.

15-h01

Nhiều di vật Phật giáo được tìm thấy ở thành phố cổ Qinglong, quận Qingpu, có niên đại từ thời Bắc Tống.

Phần nền bằng gạch và đá của Chùa Longping có một hầm ngầm chứa nhiều di vật văn hóa bên trong.

Phần nền hình bát giác của ngôi chùa, đã bị phá hủy từ lâu, là lớn nhất trong số 13 ngôi chùa cổ còn tồn tại ở Thượng Hải, Bảo tàng Thượng Hải cho biết.

“Có lẽ ngôi chùa này có 7 tầng và cao khoảng 50m. Nơi đây không chỉ là một địa điểm tôn giáo mà còn là một điểm chuyển hướng đối với các hạm đội thương thuyền trên dòng sông cổ Wusongjiang đến và đi ra biển”, ông Chen cho hay.

Hầm ngầm của chùa có hình chữ nhật, rộng khoảng 1.8m vuông và cao khoảng 1.4m. Hai tháp của Hoàng đế Asoka và hơn 10.000 đồng tiền xu, có cả các đồng xu Wuzhu có niên đại từ triều Tây Hán (206 TCN – 25 SCN), được trải trên nền đá của hầm ngầm.

Bốn quả cầu nhỏ, ba trong số đó là pha lê, nhận được sự quan tâm đặc biệt. Chúng được tìm thấy trong những chiếc hộp nằm ở giữa hầm ngầm. Các di vật vô giá này được đặt bên trong một cái lọ bằng đồng. Bốn chiếc hộp được làm từ gỗ, sắt, vàng và bạc.

Khoảng 40 di vật văn hóa khác như một bức tượng bằng vàng của Đức Phật Gautama, hai tràng hạt pha lê, rùa bạc, đũa bạc, thìa bạc và một tấm gương bằng đồng cũng được tìm thấy bên trong các chiếc hộp này.

“Kết quả cuộc khai quật không chỉ cho thấy sự thịnh vượng của Thượng Hải ở thời nhà Đường và Tống mà còn đem đến những nguồn lực quan trọng để nghiên cứu kiến trúc và Phật giáo cổ của Trung Hoa”, ông Chen phát biểu.

Bảo tàng Thượng Hải đã công bố các di vật trên phương tiện truyền thông và mời mọi người đến chiêm ngưỡng lần đầu tiên vào ngày 8/12/2016 vừa qua. Sau đó các di vật sẽ được đem trở lại trung tâm bảo tồn của bảo tàng để phục vụ các nghiên cứu sâu hơn.

Trong khi đó, phần nền của ngôi chùa cổ sẽ được lấp lại bằng đất để bảo vệ kiến trúc cho các cuộc khai quật và phát triển trong tương lai, theo Bảo tàng Thượng Hải.

Ngoại trừ phần nền của chùa, hơn 6.000 đồ gốm sứ thuộc triều nhà Đường (618-907) cũng đã được khai quật từ phố cổ Qinglong kể từ thời điểm cuộc khai quật khảo cổ được bắt đầu vào năm 2010.

Hầu hết các đồ gốm sứ như ấm trà, bát, lọ từ phố cổ này được làm ra bởi các lò gốm nổi tiếng ở phía nam Trung Quốc, như Jingdezhe chẳng hạn. Sản phẩm của các lò gốm này thường được chuyển đến Nhật Bản và Hàn Quốc.

Những phát hiện từ thị trấn Qinglong đã chứng minh rằng Thượng Hải đã trở thành một cảng thương mại quốc tế quan trọng ở triều nhà Đường cũng như là một điểm dừng then chốt của con đường tơ lụa trên biển, ông Chen khẳng định.

Các phát hiện khác bao gồm bốn lò sưởi trong một khu vực rộng 60m vuông nơi có thể trước đây là một xưởng sắt. Năm chiếc giếng cổ cũng được tìm thấy gần đó cùng với các tấm gương đồng, nồi sắt ba chân, kẹp tóc bằng bạc và nhiều di vật khác được tìm thấy dưới giếng.

Các nhà khảo cổ sẽ tiếp tục khai quật thành phố cổ này bởi nó rất quan trọng đối với lịch sử của Thượng Hải.

May mắn vì có mạng lưới các con sông phức tạp, thành phố Qinglong là một khu định cư phồn hoa dọc theo phía nam sông Dương Tử dưới triều Đường và Tống nhưng cuộc chiến tranh trong thời nhà Nguyên (1271-1368) đã đẩy thành phố này vào chỗ suy tàn.

Theo Dân Nguyễn (Dịch từ Shanghai Daily)/ Pháp bảo