.
.

Tôn Giáo Và Lễ Cầu Nguyện Vòng Quanh Thế Giới


Có khoảng 4.200 tôn giáo trên toàn thế giới, mỗi tôn giáo đều có những phong tục và truyền thống độc đáo của riêng mình. Những hình ảnh bên dưới cung cấp cho chúng ta một cái nhìn khái quát về làm thế nào mà các đức tin khác nhau kết nối với nhau và kết nối với thế giới xung quanh.

Tây Tạng

57-h01

Phật giáo Tây Tạng do Đạt Lai Lạt Ma đứng đầu, được tu tập bởi nhiều người ở Tây Tạng, Ấn Độ, Bhutan, Mông Cổ và tây nam Trung Quốc. Phật giáo Tây Tạng kết hợp những giáo lý quan trọng của Phật giáo Đại thừa với Phật giáo Mật tông và Shaman giáo, sử dụng các bản kinh từ một tôn giáo Tây Tạng cổ gọi là Bon. Phật giáo Tây Tạng hiện được xem là một tôn giáo lưu vong vì hầu hết những người tu tập loại hình tôn giáo này không sống ở Tây Tạng.

Ấn Độ

57-h02

Chhath Puja là một lễ hội Hindu thường niên quan trọng ở Ấn Độ, đặc biệt là ở các bang phía bắc Bihar, Uttar Pradesh và Punjab và ở một số khu vực khắp Nepal. Lễ hội Chhath Puja bắt đầu vào ngày thứ sáu trong tháng Kartika của Hindu giáo và kéo dài trong bốn ngày để tôn vinh thần mặt trời Surya cũng như cầu ước phúc lành của thần Surya cho một năm thịnh vượng. Các nghi lễ của Chhath Puja bao gồm cầu nguyện, ăn chay và tắm nước thánh sông Hằng. Lễ hội này được xem là một trong những lễ hội có yêu cầu khắt khe nhất đối với những người tham gia, phần lớn là phụ nữ, họ phải chịu đựng trong một thời gian dài không có thức ăn và nước uống.

Nicaragua

57-h03

Một em nhỏ Công giáo mặc trang phục như thiên thần tham gia La Griteria trước bàn thờ của Đức mẹ Đồng trinh Maria trong lễ kỷ niệm La Purisima, một truyền thống cổ truyền của ngày lễ Giáng sinh ở Nicaragua. Hơn 90% dân số Nicaragua theo Ki-tô giáo, 73% là người Công giáo La Mã.

Mỹ

57-h04

Ramadan, tháng thứ 9 theo lịch Hồi giáo, được chờ đợi bởi những người Hồi giáo trên toàn thế giới. Trong suốt tháng này họ được yêu cầu phải nhịn đói vào ban ngày để kỷ niệm sự mặc khải đầu tiên của Kinh Qur’an đối với Muhammad. Ramadan cũng được xem là khoảng thời gian dành cho hy vọng và tưởng nhớ đối với nhiều người đang sống trong những điều kiện khó khăn. Jume, người đã chạy trốn khỏi Myanmar đến Mỹ, nói: “Tôi cầu nguyện cho tất cả mọi người, những người đã khuất, những người còn sống, những người đang khó khăn, đang khóc hay đang phải chiến đấu”. Bất chấp những khó khăn Jume đã phải chịu đựng, cô vẫn nói rằng Ramadan đưa đến cho cô hy vọng.

Uganda

57-h05

Trong một ngôi nhà ở làng Kashojwa, Uganda, những người phụ nữ và nhiều trẻ em hát và cầu nguyện để giúp nâng cao tinh thần của những người tị nạn Burundi trong cộng đồng. Điều này mang đến sự an ủi cho các nạn nhân bị tổn thương, Marie Nkurunziza chia sẻ. Hơn 340.000 người đã được di tản vì bất ổn ở Burundi kể từ cuối năm 2014. Thay vì sử dụng trại, chính phủ Uganda đã cấp cho những người tị nạn những mảnh đất nhỏ ở các vùng tị nạn. Điều này cho phép người tị nạn canh tác, mở các doanh nghiệp riêng của mình cũng như tự do đi lại giữa các cộng đồng.

Papua New Guinea

57-h06

Cầu nguyện “sing sing” là một truyền thống được thực hiện bởi những người dân làng Tavolo trên đảo New Britain, Papua New Guinea, để chào đón du khách. Người Tavolo tin rằng bài hát và điệu nhảy truyền thống của mình sẽ xua đuổi những ý định xấu và đảm bảo những vị khách bên ngoài đến trong hòa bình. Đối với những người Tavolo thì những khu rừng bao quanh họ, mà gần đây đang bị đe dọa bởi các tập đoàn đa quốc gia nước ngoài, đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hằng ngày. Các khu rừng cung cấp thức ăn, thuốc, vật liệu xây dựng… cho cộng đồng.

Iraq

57-h07

Hàng trăm người Ki-tô Iraq phải di dời do ISIS đã chạy đến những khu vực do người Kurd kiểm soát. Nhiều nơi ẩn náu trong các thành phố như Erbil đã cho phép các tín hữu Ki-tô tự do thực hành tôn giáo của mình một cách công khai.

Malaysia

57-h08

Ấn Độ giáo là một trong những tôn giáo lớn nhất thế giới với hơn 1 tỉ tín đồ trên toàn thế giới. Tuy nhiên ở Malaysia, hiến pháp công nhận Hồi giáo là tôn giáo chính của người Malaysia, mặc dù có đến gần 1.78 triệu người Malaysia theo Ấn Độ giáo.

Bangladesh

57-h09

Mohammad Yahia là một trong nhiều người tị nạn Rohingya đang sống ở Bangladesh. Có đến 35.000 người tị nạn Rohingya đăng kí đã tìm thấy nơi trú ẩn tại hai trại chính ở phía đông nam khu vực Bazar, Cox. Rohingya, một trong những cộng đồng thiểu số bị đàn áp nhất trên thế giới theo Liên hiệp quốc, đã chạy trốn khỏi Myanmar vì sự phân biệt đối xử về tôn giáo. Các quốc gia như Bangladesh đã đồng ý cho người Rohingya thực hành đức tin của mình – một nhánh của Hồi giáo Sunni với nhiều yếu tố của Hồi giáo mật tông – không hề có sự phân biệt đối xử.

Uganda

57-h10

Một người Do thái Uganda cầu nguyện tại Giáo đường Do thái mới ở Mbale. Giáo đường mới được xây dựng phần lớn bằng tiền đóng góp của người Mỹ là một niềm tự hào đối với những người Do thái Uganda, gọi theo tiếng địa phương là Abayudaya. Khoảng 2000 người Uganda theo Do thái giáo đã kiên trì giữ vững đức tin của họ bất chấp những khó khăn họ vấp phải trong một quốc gia mà Ki-tô giáo chiếm ưu thế.

Ấn Độ

57-h11

Các tín đồ đạo Sikh tập trung tại Đền Vàng, Harmandir Sahib, cho một buổi lễ kỷ niệm ngày sinh của Guru Nanak, người sáng lập đạo Sikh. Đạo Sikh là tôn giáo lớn thứ tư ở Ấn Độ và có khoảng 25 triệu tín đồ trên toàn thế giới. Hầu hết người Sikh ở Ấn Độ sống ở bang phía bắc Punjab nhưng trên khắp cả nước đều có những người theo tôn giáo này.

Thái Lan

57-h12

Ayutthaya là một thành phố nổi tiếng với những ngôi chùa và các bảo tàng Phật giáo. Ở Thái Lan, có gần 200.000 nhà tu hành và 85.000 người tu học. Mặc dù cuộc sống ở đây đa số diễn ra trong hòa bình nhưng đôi lúc cũng có những sự cố bạo lực chống lại họ ở các khu vực phía nam.

Palestine

57-h13

Các Ki-tô hữu tham gia vào một cuộc rước nến cầu nguyệ tại nhà thờ Giáng sinh tại Bethlehem. Nhà thờ này, hiện nay là di sản thế giới, được Constantine Đại đế ủy quyền kỷ niệm nơi sinh của Jesus. Ước tính có khoảng 50.000 Ki-tô hữu sống trong các vùng lãnh thổ Palestine, chủ yếu ở Bờ Tây.

Theo Dân Nguyễn (Dịch từ The Guardian)/ Pháp bảo