.
.

Thực tập làm nữ tu tại một ngôi chùa ở Kyoto


Tọa lạc trên một ngọn đồi hướng tầm mắt về phía công viên Yamashina – cố đô Kyoto, là ngôi chùa đã có một thời gian dài hỗ trợ những người phụ nữ gặp nhiều căng thẳng trong công việc và cuộc sống.
pgnn.jpg
Các thực tập sinh trẻ tuổi đang thực hành nghi lễ trong chương trình một ngày ở chùa

Ngôi chùa có tên Ryugenji, một chi phái tọa lạc tại Kyoto của chùa Daishi Heikenji – Kawasaki, thuộc Chân Ngôn tông (Shingon) Phật giáo Nhật Bản.

Cơ sở này được thành lập vào năm 1979 bởi nữ tu sĩ Phật giáo Seiko Kasahara, người đã viên tịch 11 năm sau đó, vào năm 1990.

Đây là một ngôi tự viện đã tạo rất nhiều cơ hội giúp cho người phụ nữ hiện đại được dịp tiếp cận giáo lý Đức Phật và thực tập đời sống xuất gia, điều mà trên thực tế vốn chỉ dành cho chư Tăng, Ni.

Theo đại diện nhà chùa, đến nay, chương trình 1 ngày tập làm nữ tu sĩ Phật giáo trở nên phổ biến vì đã có hơn 10.000 phụ nữ trên khắp nước Nhật đăng ký tham gia.

“Nhiều người ban đầu đến với chùa chỉ do tình cờ với mục đích du lịch hoặc muốn tìm một điều gì đó mới mẻ, hợp thời”, Ni sư Ryuyu Kasahara, hiện bước vào tuổi 52, hoan hỷ cho biết.

“Ngay cả như thế, chúng tôi cũng rất hoan nghênh và đánh giá cao, bởi qua vài đợt thực tập, các thực tập sinh sau đó trở nên quan tâm nhiều hơn đến sinh hoạt Phật giáo.

Nói xong, Ni sư hướng mắt về các thực tập sinh còn khá trẻ gồm Yuka Osame, 21 tuổi đến từ Osaka cùng Minako Yamamoto, nữ phóng viên của một cơ quan truyền thông Nhật Bản và cho biết họ tiếp cận được chương trình thông qua mạng internet.

Trước khi tham gia chương trình, các bạn trẻ này đã phải thực hành nghi thức thay pháp phục và tái hiện lại vài động tác xem như là chính thức cạo tóc thế phát với tên gọi okamisori – một nghi lễ mà theo đó sẽ cạo bỏ đi tóc thật của các vị tu sĩ Phật giáo.

Khi kết thúc nghi lễ trên, đại diện nhà chùa đã trao cho các bạn trẻ bộ pháp phục phù hợp cùng với khăn trùm để bắt đầu cuộc sống của một nữ tu Phật giáo thực thụ.

Trong một ngày tu học, các thực tập sinh phải trải qua 5 lần tham gia các khóa lễ và nghi thức Phật giáo với nhiều cách thức khác nhau: thiền tập, tụng kinh, sơn vẽ tượng Phật… Thông thường, khi bắt đầu ngày mới, các thực tập sinh phải học cách xâu hoàn thành một chuỗi hạt cầu nguyện Juzu, đó là công việc đầu tiên của họ.

Để kết 180 hạt Juzu thành tràng chuỗi, họ mất khoảng một giờ. Ngay sau đó, các thực tập sinh cùng ngồi tĩnh lặng nơi điện Phật để thực tập thiền với tràng hạt Juzu vừa kết được.

“Tập trung, quán chiếu hơi thở của chính bạn một cách sâu sắc nếu bạn muốn loại bỏ đi hết những suy nghĩ phiền muộn và tiêu cực đang có mặt”, Ni sư Ryuyu nói.

“Tôi thường phải đối mặt với những câu chuyện về tội phạm khắp nơi, các vụ tai nạn và cả những tin tức không tốt lành từ trong nước, vì thế nên hiếm khi tôi trải qua những giây phút yên bình như lúc này”, Minako chia sẻ.

Giờ thọ thực buổi trưa dành cho các thực tập sinh diễn ra trong không gian tĩnh lặng với các món chay dựa trên căn nguyên lời dạy của Đức Phật. Thực phẩm chủ yếu dựa vào rau củ quả.

Chương trình tu học buổi chiều là các bài giảng về giáo lý căn bản đạo Phật, các khóa lễ cầu nguyện tại chánh điện trong tâm niệm kết nối với nguyện lực của 88 ngôi chùa vùng Shikoku; thực hành nghi thức thí thực cho chúng hữu tình.

Sau khi kết thúc chương trình tu học một ngày, các thực tập sinh thường được đặt cho một pháp danh riêng.

“Tôi đến đây để thay đổi vài thứ trong chính con người mình. Nhưng giờ đây, tôi nhận ra rằng không cần thiết để nghĩ quá nhiều về điều đó”, Osame tâm sự sau khóa thực tập.

“Hoàn tất một ngày trên cả tuyệt vời trong chùa, tôi bắt đầu cảm thấy không gì là không thể khi đơn giản hóa cuộc sống chính mình. Những gì tiếp nhận được mang đến cho tôi những suy nghĩ tích cực và đó cũng lý giải cho tôi tại sao ngày càng có nhiều người nữ tìm đến ngôi chùa này”.

Bảo Thiên
(theo The Japan News)