.
.

Phát Hiện Bản Chép Kinh Phật Từ Thế Kỉ 14 Trong Tượng Phật


Một bản chép kinh Phật thuộc triều Goryeo đã được tìm thấy hôm thứ tư, ngày 24/4/2017 vừa qua, bên trong một bức tượng Phật tại Chùa Silsangsa ở Namwon, tỉnh Bắc Jeolla.

May-17-B39-H01

Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Phật giáo Hàn Quốc cho biết họ đã phát hiện “Daebanyabaramildagyeong” một bản kinh có thể xếp lại được, được viết bằng các chữ màu bạc, nằm bên trong đầu của một bức tượng Phật ngồi tại Chùa Silsangsa. Chỉ có bốn bản chép kinh như vậy được tìm thấy ở Hàn Quốc. Trong số này, một bản được tìm thấy bên trong bức tượng Phật Vairocana của Chùa Girim ở Gyeongju, được công nhận là báu vật quốc gia, mã số 959.

Viện nghiên cứu nói trên cho biết họ đã tìm thấy bản kinh khi đặt bức tượng Phật vào máy quét CT ba chiều. Bản kinh được viết bằng thứ mực màu bạc trên loại giấy được làm từ cây dâu tằm.

Bản kinh là một phần sao chép cuốn số 396 trong tổng số 600 cuốn Kinh Mahaprajnaparamita. Theo các ghi chép thì bản kinh này được công đức bởi một người tên là Yi Jang-gye và vợ của ông. Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Phật giáo đã nghiên cứu nhiều thư tịch cổ để tìm kiếm thông tin về Yi Jang-gye nhưng không có kết quả. “Bản chép kinh được cúng dường cho tổ tiên của họ và trừ tà ma”, Lim Seok-kyu, một nhà nghiên cứu của học viên kể trên, cho biết.

Bức tượng Phật nói trên được chế tác vào đầu thời Joseon hoặc vào thế kỉ 14. Hiện còn khoảng 20 bức tượng Phật có cùng kỹ thuật chế tác thuộc triều đại Goryeo và Joseon. Hình dạng bên ngoài của bức tượng đã bị biến đổi qua nhiều lần tu sửa khác nhau. Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Phật giáo đã tìm thấy hình dạng nguyên gốc sau khi chụp CT bề mặt mạ vàng của bức tượng.

Theo Dân Nguyễn (Dịch từ Donga)