.
.

Những vị Ni chống lại nạn buôn bán phụ nữ


Ni giới Phật giáo Tây Tạng, Nepal, Bhutan và Ấn Độ đã thực hiện một cuộc hành trình dài 4.000 km vào ngày 17-9, từ Kathmandu đến Leh ở Ấn Độ, băng qua dãy Himalaya, nhằm nâng cao nhận thức về nạn buôn bán phụ nữ ở Nepal và Ấn Độ (ảnh).

vch 1.JPG

“Khi chúng tôi làm công tác cứu trợ tại Nepal sau trận động đất năm ngoái, chúng tôi được biết các cô gái từ các gia đình nghèo đã bị cha mẹ bán đi bởi vì gia đình không đủ khả năng để nuôi họ”, vị Ni 22 tuổi Jigme Konchok Lhamo nói.

“Chúng tôi muốn làm một cái gì đó để thay đổi thái độ xem nữ không quan trọng hơn nam và rằng việc bán phụ nữ là chuyện bình thường”, cô nói, và thêm rằng chuyến đi bằng xe đạp của họ sẽ cho thấy “người phụ nữ có sức mạnh không thua kém những người đàn ông”.

Đây là hành trình thứ tư mà các nữ tu sĩ Phật giáo đã thực hiện, qua đó, nói chuyện với các quan chức chính phủ mà họ gặp trên đường để truyền đạt thông điệp về hòa bình, các vấn đề môi trường và bình đẳng giới.

Carrie Lee, chủ tịch của Live to Love International, một tổ chức từ thiện làm việc với các nữ tu sĩ này nói các hoạt động này rất được khuyến khích.

Thay đổi thái độ là trọng tâm của phong trào của các nữ tu này. “Hầu hết mọi người, khi họ thấy chúng tôi trên xe đạp, nghĩ rằng chúng tôi là con trai”, cô Jigme Wangchuk Lhamo (18 tuổi) nói.

“Sau đó, họ hơi sốc khi chúng tôi dừng lại và nói với họ rằng chúng tôi không chỉ là phụ nữ mà còn là tu sĩ Phật giáo. Tôi nghĩ rằng điều này sẽ giúp thay đổi thái độ của họ về phụ nữ” – cô bày tỏ.

Nam Á là một trong những khu vực lớn nhất của nạn buôn người trên thế giới. Kể từ khi hai trận động đất xảy ra ở Nepal vào tháng 4 và tháng 5-2015, hơn 40.000 trẻ đã bị mất cha mẹ, theo các quan chức Nepal. Trong các tình huống sau thiên tai như thế này, việc buôn bán đã tăng lên với các băng nhóm cưỡng chế dân làng vô gia cư thành lao động được bảo lãnh, với những cô gái trẻ và phụ nữ được bán vào các nhà thổ.

Văn Công Hưng
(theo International Business Times)