Trẻ em ở Afghanistan sử dụng những cây nến đã qua sử dụng để thắp sáng. (Nguồn: Asahi)
Chỉ tính riêng trong tháng sáu năm nay, 7.800 cây nến đã sử dụng một phần nhưng vẫn còn có thể sử dụng thêm vài giờ đồng hồ đã được đóng gói vào các thùng cac-tông, chuyển lên một chiếc tàu tại cảng Yokohama (Nhật Bản) để bắt đầu hành trình vượt biển dài ba tháng đến với trẻ em nghèo ở Afghanistan.
Sáng kiến thu gom và gửi tặng những cây nến chưa dùng hết đến từ Kobori Inc, một nhà sản xuất, cung cấp các vật dụng thờ tự và nến dùng trong nghi lễ có trụ sở ở Kyoto.
Nến dùng trong nghi lễ, hay wa-rousoku trong tiếng Nhật, được sử dụng ở Xứ sở Mặt trời mọc trong các buổi lễ Phật giáo như tang lễ hay các dịch vụ tưởng niệm người quá cố. Loại nến này có độ dài từ 14-26 cm, lớn hơn và có bấc dày hơn loại nến dùng trong các bữa tối ở Châu Âu, có nghĩa là nến Nhật Bản có thể đốt nóng hơn, tạo ra ngọn lửa lớn hơn, do đó cung cấp nhiều ánh sáng hơn và khó bị thổi tắt hơn.
Khi những cây nến được sử dụng trong các nghi lễ Phật giáo chúng được đốt lên ít nhất một giờ đồng hồ trong khi thực tế chúng có thể tỏa sáng từ 5-6 tiếng, nghĩa là nó tạo ra khoảng 80-90% nến chưa sử dụng hết. Và vì những cây nến mới được dùng trong mọi buổi lễ nên các ngôi chùa bị thừa ra một số lượng lớn những cây nến chỉ mới đốt một phần.
Lễ hội thắp nến Manto Kuyo Hoyo tại Chùa Shitennoji, Osaka.
Trước đây, những cây nến chưa dùng hết này sẽ bị vứt đi, nhưng kể từ năm 2004, khi một ngôi chùa ở Kyoto liên hệ với Kobori Inc để xin tư vấn về việc liệu những cây nến này có thể được tái chế hoặc tái sử dụng hay không thì họ đã tạo ra một sinh mệnh mới cho những cây nến này. Trong một cuộc phỏng vấn với Thời báo Nhật Bản năm 2008, Susumu Kobori, sau này trở thành giám đốc điều hành của công ty nói trên, cho biết rằng, dù có thể làm tan và tái sử dụng sáp nến nhưng như vậy rất tốn kém, do đó công ty này đã nảy ra ý tưởng thu gom nến đã qua sử dụng và gửi tặng cho những nơi gặp khó khăn về điện chiếu sáng.
Để vận chuyển và gửi tặng những cây nến này, Kobori Inc đã kết hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế trong Kế hoạch hóa Gia đình (JOICFP) của Nhật Bản – một tổ chức phi chính phủ đặt trụ sở ở Tokyo và trong vòng 15 năm qua, Kobori cùng với JOICFP đã vận chuyển hơn 100.000 cây nến đã qua sử dụng cho trẻ em ở các nước Afghanistan, Cambodia, Myanmar, Nepal và nhiều quốc gia khác.
Trẻ em Afghanistan học bài bằng ánh sáng từ những ngọn nến được gửi tặng từ các ngôi chùa Nhật Bản.
Những đứa trẻ nhận được món quà này xem chúng như bảo vật thắp sáng khi màn đêm buông xuống ở một số khu vực nhất định. Ví dụ ở các nước như Afghanistan, nguồn điện hằng ngày bị hạn chế và thường chỉ được cung cấp vài giờ đồng hồ mỗi ngày. Người dân nước này phải dùng đèn dầu để thắp sáng nhưng giá dầu biến động trong khu vực và giá dầu cao đã khiến nhiều gia đình nghèo phải sống trong bóng tối.
Người dân có thể tìm thấy nến trong nhiều khu chợ địa phương nhưng giá cả thường không rẻ và thời gian thắp sáng không bằng được những cây nến đến từ Nhật Bản, do đó, những cây nến được quyên tặng rất được mọi người yêu thích vì chúng cung cấp ánh sáng lâu hơn, cho phép cha mẹ nấu ăn và trẻ em học hành khi trời tối.
Nhiều ngôi chùa Nhật Bản đã tham gia sáng kiến này và rất biết ơn khi những cây nến có thể được tái sử dụng. Không những vậy, bây giờ thì ngay cả các cá nhân cũng có thể tham gia vào chương trình này bằng cách gửi tặng những phần nến chưa sử dụng trong nhà cho các đền chùa. Tadashi Kobori, 67 tuổi, giám đốc đời thứ 11 của Kobori Inc, đã chia sẻ: “Đây là một cơ hội để chúng ta thực hành lý tưởng bác ái của Phật giáo”.
Dân Nguyễn (Dịch từ Buddhistdoor)