.
.

Ấn Độ: “Vì Sao Tôi Vẫn Là Một Người Hindu Cơ Chứ? Có Lẽ Tôi Sẽ Cải Đạo Sang Phật Giáo Vào Năm Tới”


Để đánh dấu năm 2017, The Sunday Express đã gặp những người 17 tuổi đã làm xúc động cả nước trong những sự kiện nổi bật năm 2016 để lắng nghe những tâm sự của họ khi họ bắt đầu năm đầu tiên của tuổi trưởng thành.

jan-17-b02-h01

Một cuộc biểu tình của người Dalit ở Ahmedabad vào ngày 27/7/2016.

Trong số những người The Sunday Express phỏng vấn có Divyesh Solanki, một chàng trai Dalit chỉ học hết lớp 9 đến từ Una – nơi mà 7 người Dalit đã bị hành hạ vì lột da một con bò chết. Divyesh Solanki muốn trở thành một cảnh sát.

“Ngày hôm nay cũng không có tiền”, Divyesh Solanki nói khi anh trở về nhà cùng với mẹ và em gái của mình sau một ngày thu hoạch, phân loại và đóng gói hành tươi. Họ được thuê 160 rupi một ngày (khoảng 53.000 VNĐ), và trong ba ngày vừa qua, họ chưa được trả tiền công. “Chủ trang trại đã yêu cầu tôi quay lại vào ngày mai”, Divyesh cho biết. Tôi không biết phải làm gì khác để kiếm sống, Divyesh tâm sự. Tuy nhiên, anh lại biết thứ mà mình “sẽ không làm”. “Cho đến vài tháng trước đây, hầu như mọi thành viên nam trong gia đình và trong cộng đồng của chúng tôi đều lột da bò để kiếm sống. Tôi chưa bao giờ học để lột da bò cả và thậm chí nếu có lột da bò thì sau những gì đã xảy ra đối với các thành viên trong cộng đồng của chúng tôi, tôi không thể tưởng tượng được tôi sẽ làm công việc này”.

Làng Mota Samadhiyala của Divyesh là tâm điểm của tình trạng bất ổn của người Dalit ở Gujarat sau khi 7 người đàn ông từ ngôi làng đã bị hành hạ hôm 11/7/2016 bởi một nhóm “gau rakshaks” (nhóm dân phòng bảo vệ bò – ND) vì họ đã lột da một con bò chết. Divyesh nói rằng, anh là “họ hàng xa” với Vashram và Ramesh Sarvaiya, hai người anh nằm trong số 7 người làng Mota Samadhiyala đã bị tấn công bởi những thành viên “gau rakshaks” hôm 11/7/2016. Là người con thứ ba trong số năm anh chị em, sau khi học hết lớp 9, Divyesh đã phải bỏ học để đỡ đần cha mẹ. Ngoài làm việc ở các trang trại, Divyesh còn làm người canh gác tại một nông trại của một người trong làng có đẳng cấp cao hơn với thù lao 300 rupi một đêm (khoảng 100.000 VNĐ).

Cha của Divyesh, Govind Sarvaiya, là một người trồng cỏ trên một thửa đất của chính phủ. Gia đình 6 thành viên của họ sống trong một căn nhà một phòng trong làng. Divyesh, người sẽ tròn 18 tuổi vào tháng ba tới nói sự kiện ngày 11/7/2016 đã khiến anh cay đắng. “Chúng tôi kính trọng bò cũng như những người khác kính trọng chúng. Chúng tôi không bao giờ giết một con bò. Chúng tôi chỉ lấy da của những con bò đã chết. Nhưng chúng tôi lại trở thành nạn nhân. Tôi tự hỏi điều này liệu có bao giờ thay đổi không?”, anh nói.

Nói về sự phân biệt đối xử mà họ phải sống chung, Divyesh cho biết thêm: “Thậm chí khi chúng tôi làm việc trên những cánh đồng của người khác, chúng tôi phải mang đồ dùng riêng của mình từ nhà đến để ăn và uống. Chúng tôi buộc phải ngồi có khoảng cách trong khi ăn. Tại sao tôi vẫn là một người Hindu cơ chứ? Có lẽ tôi sẽ cải đạo sang Phật giáo và năm tới”.

Divyesh hy vọng một ngày nào đó sẽ trở thành cảnh sát. “Công việc đó sẽ giúp tôi được tôn trọng và có một khoản lương. Nhưng để đạt được điều đó, tôi cần phải học lớp 10. Tôi đã đăng kí dự thi với tư cách một thí sinh tự do và tôi sẽ thi vào tháng 3 tới”, Divyesh cho hay.

Theo Dân Nguyễn (Dịch từ The Indian Express)/ Pháp bảo