.
.

Ấn Độ: Phát Triển Du Lịch Phật Giáo Để Thu Hút Du Khách Nhật Bản


Ấn Độ hiện đang nỗ lực phát triển du lịch Phật giáo để thu hút thêm nhiều du khách các nước đông Phật tử, trong đó có Nhật Bản, trong một chiến dịch tăng lượng khách ngoại quốc đến đất nước này.


April-18-B08-H01

Các nhà sư và du khách tham quan bức tượng Đức Phật cao 24.38m ở Bodhgaya, Ấn Độ. (Nguồn: Shutterstock/file)

Ấn Độ không chỉ cách niên tổ chức hội nghị Phật giáo quốc tế mà còn hăng hái phát triển một Vành đai Phật giáo kết nối nhiều địa điểm quan trọng có quan hệ với di sản Phật giáo để thu hút thêm du khách Phật tử, chính phủ nước này cho hay.

“Chúng tôi đón một lượng rất ít du khách Phật tử… chỉ chiếm 0.005% tổng số Phật tử trên toàn thế giới bất chấp việc Ấn Độ là một điểm hành hương then chốt đối với hàng triệu Phật tử toàn cầu”, Suman Billa, một quan chức Bộ du lịch Ấn Độ, trả lời ký giả ở New Delhi mới đây.

“Ý tưởng là, dù chỉ cần loại đi một con số 0 và biến tỉ lệ thành 0.05% thì nó sẽ vẫn đem lại hàng triệu đô la cho nền công nghiệp du lịch của chúng ta”.

Theo Bộ du lịch, Ấn Độ đã phê chuẩn năm dự án trị giá 5.5 triệu USD và đã hợp tác với Tập đoàn Tài chính Quốc tế của Ngân hàng Thế giới cũng như nhiều công ty khác để nâng cấp cơ sở hạ tầng xung quanh Vành đai Phật giáo.

Vì cả Nhật Bản và Ấn Độ cũng đều đang cố gắng để thúc đẩy du lịch và lữ hành song phương nhằm mục đích tăng gấp ba số lượng du khách Ấn Độ và Nhật Bản trong vòng năm năm tới, do vậy, phát triển du lịch Phật giáo trở thành một trong những sáng kiến để thu hút nhiều hơn du khách Nhật Bản đến Ấn Độ, ông Billa phát biểu với NNA.

Nằm trong kế hoạch phát triển du lịch Phật giáo của Ấn Độ trong nhóm du khách Nhật Bản, văn phòng du lịch của quốc gia Nam Á này ở Tokyo đã tài trợ du lịch cho 10 thành viên thuộc các nhà tổ chức tour, lãnh đạo và phóng viên Nhật Bản đến tham dự Hội nghị Phật giáo Quốc tế năm 2014 và mời 6 công dân Nhật Bản tham gia hội nghị nói trên vào năm 2016.

Ủy ban Du lịch Ấn-Nhật và Cuộc gặp thượng đỉnh Du lịch Ấn-Nhật lần đầu tiên cũng đã được tổ chức ở New Delhi vào năm 2016 để tìm kiếm cơ hội mở rộng du lịch, lữ hành giữa hai quốc gia.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ du lịch Ấn Độ, số lượng du khách Nhật Bản đến Ấn Độ năm 2017 đạt con số 208.847, so với chỉ 29.032 khách hồi năm 1981, cho thấy sự phát triển văn hóa và thương mại giữa hai nước.

Phần lớn du các du khách Nhật Bản này đến Ấn Độ theo diện du lịch thương mại, chiếm hơn 60%, trong khi số còn lại là du lịch thông thường như hành hương đến các địa điểm Phật giáo ở Ấn Độ, một quan chức ngành du lịch nước này cho biết.

Theo chính phủ Ấn Độ, các địa danh Phật giáo nổi tiếng đối với người Nhật và du khách các nước bao gồm Bodhgaya, Nalanda, Rajgir, Kushinagar, Sarnath, Sanchi, hang Ajanta, Dhauli và Dharamshala.

Dân Nguyễn (Dịch từ The Jakarta Post)