.
.

Truyền thuyết Đức Phật Di Lặc


Kể từ thời điểm Phật giáo khai sinh và nở hoa khắp mọi miền thế giới, hễ mỗi khi nói đến hình ảnh một vị Phật xuất hiện trong tương lai, phần lớn người ta thường nhắc đến đầu tiên là Bồ-tát Di Lặc, hình ảnh vị Bồ-tát Đại sĩ được tôn thờ phổ biến trong truyền thống Phật giáo Bắc truyền. Danh hiệu Ngài vốn không chỉ quen thuộc đối với Phật tử Đại thừa, mà cũng xuất hiện rất nhiều trong kinh điển Pāli thuộc bộ phái Theravāda. 

dilac.jpg

Danh hiệu 

“Di Lặc 彌勒”, tiếng Sanskrit gọi là Maitreya(Pāli: Metteyya), ngài Huyền Tráng phiên âm là: Mỗi-đát-lị-da 梅呾利耶, dịch là Từ Thị 慈氏, xưa phiên là Xưng (Di?)-đế-lệ 稱帝麗 hay Di-lặc 彌勒, thảy đều nhầm với tiếng Sanskrit.

Về danh hiệu “A-dật-đa 阿逸多” cũng gọi A-di-đa, hay A-thị-đa, Sanskrit = Pāli: Ajita, Hán dịch: Vô Năng Thắng 無能勝. Danh hiệu này các thư tịch ghi nhận không đồng nhất:

– Truyền thống bộ phái: Căn cứ vào các tài liệu Hán tạng, đại biểu là Trung A-hàm 13, kinh 66. Thuyết bản1, đơn hành bản tương đương: No. 44, Cổ lai thế thời kinh, cho thấy trong Phật giáo bộ phái, A-dật-đa (Ajita) và Di Lặc (Mettaya), là hai nhân vật khác nhau, cả hai vị này đều là Tỷ-kheo trong chúng Thanh văn được Phật Thích Ca thọ ký, một vị làm vua Chuyển luân và một vị làm Phật.

– Truyền thống Đại thừa: Căn cứ Hán dịch, kinh Pháp hoa 6, phẩm Tùy hỷ công đức2, Đức Phật gọi Di Lặc là A-dật-đa (Ajita). Điểm này cũng được thấy tương đương trong thủ bản Saddharmapuṇḍarīkasūtram bằng tiếng Sanskrit3, tức đồng nhất hai nhân vật là Di Lặc và A-dật-đa thành một4.

Huyền ký thị hiện 

Về kỷ nguyên của Đức Phật Di Lặc, trong Trường A-hàm 6 – kinh Chuyển luân vương tu hành nói rõ:

“Trong lúc nhân loại sống tám vạn tuổi, con gái đến năm trăm tuổi mới gả chồng, và có chín thứ bệnh (…) Vào thời kỳ ấy thì có Đức Phật ra đời hiệu là Di Lặc Như Lai.”5

Huyền ký này cũng được tìm thấy tương đương trong kinh 26, Cakkavatti (Chuyển luân vương)6 thuộc Dīgha-nikāya:

“Khi tuổi thọ loài người lên đến tám vạn tuổi, bấy giờ có Thế Tôn hiệu là Di Lặc xuất hiện ở đời”. 

Hệ Pāli còn có một bản thi tụng nhan đề: Anāgatavaṃsa (Đương lai ký), kể riêng về chuyện Đức Phật Di Lặc đương lai, được nói là do Trưởng lão Kassapa soạn; tài liệu Journal of the Pāli Text Society, 1886.

Huyền ký tương tự cũng được nói đến trong Trung A-hàm 13, kinh 66, Thuyết bản. Ở kinh này có thêm chi tiết khác:

Tuong Phat Di Lac dung, the kỷ III.jpg

Tượng Di Lặc đứng,
nghệ thuật Gandhara, TK III

Sau khi nghe Đức Thế Tôn huyền ký về sự xuất hiện của một Chuyển luân vương tên Loa7, bấy giờ trong hội chúng có một vị Tỷ-kheo tên là A-di-đa8 đứng dậy bạch Phật, ông muốn trong tương lai sẽ là vị Chuyển luân vương đó: “Bạch Thế Tôn! Một thời gian lâu dài ở vị lai, lúc con người thọ đến tám vạn tuổi, con sẽ có thể được làm vua, hiệu là Loa, là Chuyển luân vương”9. Ước nguyện này bị Phật khiển trách: “Ngươi là kẻ ngu si, chỉ nên chết thêm một lần, sao lại mong một lần tái sanh nữa”10. Tỷ-kheo này bị quở trách, vì không mong cầu chấm dứt bóng tối của đêm dài sinh tử, chứng nghiệm vô thượng Niết-bàn; lại muốn tái sinh nhiều đời kiếp nữa để làm vua chúa. Sau đó Phật lại huyền ký về sự xuất hiện của vị Phật tương lai hiệu Di Lặc, trong triều đại Loa Chuyển luân vương. Bấy giờ Tôn giả Di Lặc cũng hiện diện trong hội chúng, đứng dậy chắp tay bạch Phật, phát nguyện sẽ là vị Phật được huyền ký đó: “Bạch Thế Tôn! Một thời gian lâu dài ở thời vị lai, lúc con người thọ mạng đến tám vạn tuổi, con sẽ thành Phật hiệu là Di Lặc Như Lai”11. Phát nguyện này được Thế Tôn tán thán: “Lành thay! Lành thay! Di Lặc, ngươi phát tâm cực diệu là lãnh đạo đại chúng”12. Ngay khi ấy, Đức Thế Tôn dạy ngài A Nan mang ra chiếc y được dệt bằng kim tuyến do bà Kiều Đàm Di hiến cúng Phật, trao cho Di Lặc: “Này A Nan, ngươi hãy lấy tấm y được dệt bằng sợi tơ vàng mang lại đây. Nay Ta muốn cho Tỷ-kheo Di Lặc”13. Tuy ước nguyện tái sinh nhiều đời nữa, nhưng Di Lặc được Phật khen ngợi, vì ước nguyện quảng đại: “Vì muốn cứu hộ thế gian và mong cầu thiện lợi và hữu ích, mong an ổn khoái lạc (cho thế gian)”14

Tuy có một vài điểm sai khác giữa các truyền thống kinh điển, nhưng điểm được thừa nhận chung và phổ biến: Tỷ-kheo Di Lặc là vị Phật tương lai, sau một thời gian dài, kế tiếp Đức Phật Thích Ca để tuyên thuyết và truyền thừa Chánh pháp. Hiện tại, Ngài đang là Bồ-tát trú tại cung trời Đâu Suất (Tuṣita)15. Sự hiện hữu này được kinh điển gọi là nhất sinh bổ xứ Bồ-tát16, hay nhất sinh sở hệ Bồ-tát17. Phật giáo Bộ phái và Đại thừa đều chấp nhận quan điểm này. Địa vị đã chứng nghiệm của Ngài hiện tại: avaivartya-bhūmi, Hán dịch là A-duy-việt-trí địa hay A-bệ-bạt-trí địa (bất thối chuyển).

Khảo sát về danh hiệu “A-dật-đa 阿逸多” 

Bài khảo luận này dành riêng một mục để khảo sát về danh hiệu A-dật-đa, vì như đã nói ở phần 1, danh hiệu này các truyền thống ghi nhận không đồng nhất.

“A-dật-đa”, tiếng Sanskrit: Ajita, Pāli: Ajita,Tây Tạng: Mi tham pa. Hán phiên âm:A-dật 阿逸, A-thị-đa 阿嗜多, A-thị-đa 阿恃多, A-chế-đa 阿制多, A-di-đà 阿夷陀, A-thì-đa 阿時多, A-di-đầu 阿夷頭, A-dật-đa阿逸多, A-thệ-đảm 阿誓擔, Kha-dật-đa 呵逸多, A-di-đa 阿夷多, Ai-di-đà 哀駘它 v.v… Dịch là: Vô thắng 無勝18Vô năng thắng 無能勝19, Vô tam độc 無三毒20, Thiên thắng天勝.

Từ Ajita trong tiếng Sanskrit và kinh tạng Pāli là danh hiệu của nhiều nhân vật khác nhau, nên khi truyền sang Trung Quốc nó không được phiên âm một cách thống nhất. Thậm chí cùng một người mang tên Ajita, nhưng văn bản Trung Quốc có đến ba bốn từ phiên âm khác nhau, tùy theo nhận thức của dịch giả. Dưới đây là sự khảo sát những nhân vật chính yếu, khác nhau, cùng mang danh hiệu Ajita xuất hiện trong văn học Phật giáo.

a) Tên một Tỷ-kheo đệ tử Phật 

Trung A-hàm 13 (kinh Thuyết bản)21, Hiền ngu kinh 1222 ghi nhận A-dật-đa là danh hiệu một vị đệ tử Phật được huyền ký sẽ trở thành vị Chuyển luân vương tên Loa23. Đồng thời kinh cũng ghi rằng có Tôn giả Di Lặc, cũng là đệ tử Phật Thích Ca, được huyền ký trở thành Phật Di Lặc.

Như thế, A-dật-đa và Di Lặc từ nguyên ủy là hai nhân vật khác nhau cùng là đệ tử Phật. Sự kiện này, được xác nhận cụ thể trong văn hệ Pāli:

– Sutta Nipāta (kinh Tập) có kinh Tissametteyya (Đế-tu Di Lặc24Tissametteyyamāṇavapucchā (câu hỏi của Đế-tu Di Lặc)25 và Ajitamāṇavapucchā (câu hỏi của A-dật-đa)26 xác định sự khác nhau như vậy giữa A-dật-đa và Di Lặc.

– Sutta Nipāta 5.1, có Vatthugāthā27còn ghi rằng họ là hai Phạm chí đệ tử của Bāvari:

Bāvarissa vaco sutvā,
Sissā soḷasa brāhmaṇā;
Ajito tissametteyyo,
Puṇṇako atha mettagū
“Nghe lời Bāvari,
mười sáu người đệ tử Bà-la-môn:
Ajita, Tissametteyya,
Punnaka, Mettagu …”

– Theragāthāpāḷi (Trưởng lão kệ) bài kệ 20. Ajitattheragāthā, do Ajita là tác giả28.

– Aṅguttaranikāya (Tăng chi bộ) có kinh Ajita29, thuật lại Tăng sĩ Ajita hỏi Đức Phật: Thế nào là lời nói đúng pháp? Thế nào là lời nói phi pháp?

– Apadāna (1. 397) kể về Thượng tọa Ajita và tiền thân của Ajita dưới thời Thế Tôn Padumuttara được huyền ký sẽ trở thành đệ tử của Thế Tôn Gotama.

Như vậy, căn cứ các thư tịch được liệt kê ở trên, cùng với nền văn học chú giải của hệ Pāli, chúng ta có thể phác họa lại hình ảnh Ajita như sau:

Ajita thuộc giai cấp Bà-la-môn, sinh ra tại Śrāvastī (Xá-vệ). Cha làm quan thời vua Kośalā, lớn lên Ajita trở thành một ẩn sĩ của Bāvari sống trong vùng Assaka và Mulaka, dọc theo bờ sông Godhāvari của Dakkhinajanapada (Cộng hòa miền Nam). Sau này, Ajita hội kiến Đức Phật, với tư cách ẩn sĩ, đã hỏi Phật về pháp và phi pháp (như được tường thuật trong kinh Ajita của Aṅguttaranikāya). Đến khi Bāvari nhờ Ajita đến thưa hỏi Đức Phật về việc bị vỡ đầu, Ajita được Phật giải đáp, rồi ông xin được xuất gia, tu tập và chứng quả A-la-hán.

Điểm cần chú ý ở đây là nhân vật Ajita này lại khác với Tissametteyya. Chính kinh Thuyết bản dẫn trên đã nói rõ Tôn giả A-di-đa (Ajita) và Di Lặc (Mettaya) là hai đệ tử của Phật Thích Ca. Đoạn kinh này cũng được Đại tỳ-bà-sa luận 17830, dẫn và giải thích, có hai nhân vật này khác nhau, một vị gọi là Bí-sô A-thị-đà 阿氏多, còn vị kia thì gọi là Bồ-tát Từ Thị 慈氏.

b) Tên tự của Đức Phật Di Lặc 

Như đã trình bày, mặc dù tên A-dật-đa và Di Lặc là để chỉ cho hai vị đệ tử khác nhau của Đức Phật. Nhưng trong Phật giáo Đại thừa, đã đồng nhất hai vị này thành một. Ngay từ thời La-thập, sự đồng nhất này đã xảy ra:

Chú Duy Ma Cật kinh 1 (Phật quốc phẩm), Tăng Triệu ghi lại quan điểm của La-thập: “Di Lặc là họ, A-dật-đa là tự, là con của một người Bà-la-môn ở Nam Thiên Trúc”31. Sự đồng nhất này sau đó đã trở thành một định lệ cho các chú sớ sau này:

– Nhất thiết kinh âm nghĩa 71, Đường, Tuệ Lâm soạn: “A-thị-đa, đây dịch là Vô thắng. Cựu dịch A-kỳ-đa, hoặc A-dật-đa đều là sai. Đó là tên đời nay của Di Lặc”32.

– A-di-đà kinh sớ của Khuy Cơ: “Bồ tát A-dật-đa, tân dịch dựa vào ‘Xưng tán Tịnh độ kinh’ dịch là Vô Năng Thắng hoặc gọi là Di Lặc, đây dịch là Từ Thị, do Ngài hay tu tập lòng từ, hay nhập định từ, nên gọi là Từ Thị, tu tập lòng từ tối thắng, nên gọi Vô Năng Thắng”33.

– Tân dịch Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh âm nghĩa 1: “A-dật-đa gọi cho đúng là A-chế-đa, đây dịch là Vô Năng Thắng”34.

Như vậy, theo truyền thống Đại thừa Phật giáo, A-dật-đa chính là tên chữ của Bồ-tát Di Lặc.

c) Tên vị A-la-hán thứ mười lăm trong mười sáu vị A-la-hán

Tuong Di Lac Ngoi, nghe thuat Gandhara, the ky 2 hoac 3 Tl.jpg

Tượng Di Lặc ngồi,
nghệ thuật Gandhara, TK II-III

Đại tạng kinh 49, số hiệu 2030, Đường, Huyền Tráng dịch, Đại A-la-hán Nan-đề-mật-đa-la sở thuyết pháp trụ ký, 1 quyển35 trang 12c7- 14c22, có kể một câu chuyện, tóm tắt như sau:

A-la-hán Nan-đề-mật-đa-la ở nước Sư tử36, khi gần viên tịch đã nói cho đệ tử mình biết rằng, từ lâu Đức Thích Ca Thế Tôn đã dặn dò và ký thác mười sáu vị A-la-hán trở lại để hộ trì Chánh pháp, mà vị thứ mười lăm danh hiệu là A-thị-đa sẽ ở tại đỉnh Linh Phong cùng với 1.500 vị A-la-hán thân thuộc để hộ trì.

Huyền thoại mà Pháp trụ ký này nói tới, cũng thấy xuất hiện trong ĐTK Tây Tạng, thông trật đệ 64Wa, No.231, trang 1b1-112b7, Ḥphags-pa dkon-mchog sprin shes-bya-ba theg-pa chen-poḥi mdo; do Rin-chen ḥtsho và Chos-ñid tshul-khrims dịch37; Hán tương đương, ĐKT 16, số hiệu 0658, Bảo vân kinh 7, Lương, Mạn-đà-la-tiên dịch38.

Kể từ khi Huyền Tráng dịch Đại A-la-hán Nan-đề-mật-đa-la sở thuyết pháp trụ ký, tín ngưỡng về mười sáu vị A-la-hán này phát triển hưng thịnh và trở thành đề tài của nhiều tác phẩm hội họa và điêu khắc, cũng như văn học, thi ca, mà hiện nay ở Trung Quốc người ta đã tập thành trong La-hán đồ tán tập39. Tại đây, hình tượng La-hán A-dật-đa được vẽ thành một hình dáng khắc khổ, diện mạo già nua, má hóp vào, hai tay ôm đầu gối, dáng nhìn cuộc đời một cách thiểu não, nên Đức Thanh đã vịnh một bài thơ như sau (Lê Mạnh Thát dịch):

Nhọc gì ôm gối,
Lồi lõm đầu non,
Miệng hàm vừa mở,
Dáng lưỡi khá giòn,
Dùng mắt thuyết pháp,
Mở nhắm không thường,
Thay nhau sáng tối,
Sáng ấy sao vương.

Ở Việt Nam, tín ngưỡng mười sáu vị A-la-hán này được phát triển không kém. Chùa Tây Phương (Hà Nội), hiện có tôn tượng mười sáu vị A-la-hán này rất nổi tiếng. Tại đây, tượng của vị A-la-hán A-dật-đa này được gọi là Di Lặc và điêu khắc đúng theo hình mẫu Đức Phật Di Lặc, tức diện mạo vui vẻ, đầy đặn, bụng phệ, ngực để trần, hình ảnh khác hoàn toàn với những hình vẽ La-hán này tại Trung Quốc40.

Bồ-tát Di Lặc dạy Thiện Tài phát Bồ-đề tâm 

Bồ-đề tâm là gì?

Bồ-đề tâm 菩提心, tiếng Sanskrit gọi là Bodhicitta, Tib.byang chub sems, nói đủ là anuttara-samyak-saṃbodhi-citta: vô thượng bồ-đề tâm 無上菩提心, hay 阿耨多羅三藐三菩提心 a-nậu-đa-la tam-miệu-tam-bồ-đề tâm, tức tâm nguyện thành tựu sự giác ngộ tối thượng:

“Bồ-đề tâm, đó là chí nguyện nóng bỏng của một chúng sinh tự thấy mình đang sống trong cảnh tối tăm, giữa đọa đày khổ nhục, mong tìm một con đường sáng không những để giải thoát bản thân khỏi những đe dọa áp bức mà còn là để giải thoát cho tất cả những người cùng cảnh ngộ. Bồ-đề tâm, đó là ý chí kiên cường bất khuất của một người bị cột trói trên ngọn lửa rực cháy, bị chà đạp dưới những sức mạnh tàn khốc của tham vọng điên cuồng của chính ta và của một tập thể ma quái chung quanh ta.”41

Do vậy, lời Phật dạy, chúng ta cần ghi nhớ:
“Vui cười gì, thích thú gì, giữa ngọn lửa không ngừng thiêu đốt?
Bị bao phủ trong bóng tối, sao không đi tìm ngọn đuốc?”42

Không có tâm nguyện Bồ-đề đó, không có ý chí giác ngộ đó, thì quả vị Phật thừa không thể kỳ vọng được, cũng không hơn một tiếng nói suông của một người mê sảng trong giấc ngủ ngày và sự an lạc và giải thoát trong hiện tại chỉ là một miền đất hứa xa xôi, không tưởng, thần thoại hoang đường, mà không bao giờ có thể tìm thấy trong thế gian này.

Nhưng tâm nguyện Bồ-đề chỉ có thể được phát khởi khi gốc rễ của tín tâm đã được gieo trồng cẩn thận. Ngài Nāgārjuna trong Đại trí độ nói: “Phật pháp như đại hải, có thể vào bằng tín, có thể vượt qua bằng trí”43, và cũng trong luận này ngài đã minh giải về ý nghĩa của Bồ-đề tâm: “Vị Bồ-tát sơ phát tâm, lấy Vô thượng Bồ-đề làm đối tượng, nói rằng: Mong tôi sẽ thành Phật. Đó gọi là Bồ-đề tâm.”44 

Khi đề cập về ý nghĩa độc đáo của Bồ-đề tâm và phát Bồ-đề tâm, có lẽ không giải thích nào lý thú về đề tài này hơn kinh Hoa nghiêm, thông qua sự thuyết giảng của Bồ tát Di Lặc cho Thiện Tài đồng tử:

“Bồ-đề tâm là hạt giống của hết thảy Phật Pháp. Bồ-đề tâm là ruộng phước vì nuôi lớn pháp bạch tịnh. Bồ-đề tâm là cõi đất lớn, vì nâng đỡ hết thảy thế gian. Bồ-đề tâm là tịnh thủy, vì rửa sạch tất cả cáu bợn phiền não, Bồ-đề tâm ví như gió lớn, vì nó thổi khắp thế gian không bị cản ngại; Bồ-đề tâm ví như lửa lớn, vì nó có khả năng thiêu rụi hết thảy rừng củi tà kiến; Bồ-đề tâm ví như mặt trời thanh tịnh, vì nó soi chiếu khắp cả thế gian; Bồ-đề tâm ví như trăng rằm, vì các pháp thanh tịnh đều viên mãn; Bồ-đề tâm ví như ngọn đèn sáng, vì có khả năng phóng ra các loại ánh sáng Chánh pháp; Bồ-đề tâm ví như mắt sáng, vì thấy hết thảy cùng khắp mọi chốn an nguy; Bồ-đề tâm ví như con đường lớn, vì khiến tất cả đều được đi vào kinh thành đại trí…”45

Thiết lập và toàn thiện Bồ-đề là cơ sở thành tựu bất khả tư nghị nguyện lực của Bồ-tát hàng Pháp thân, nghĩa là những ai đã khởi hành trên cỗ xe Bồ-tát, đã trải qua một thời gian dài tu tập, tích lũy được những kinh nghiệm và hành trang thiết yếu, sẽ thấy rõ được thể tính của thế gian, thông đạt sâu xa giáo nghĩa, thể nhiệm được Pháp tính siêu nghiệm.

Để hiểu rõ về tính đặc sắc của Bồ-đề tâm như được diễn tả trong kinh Hoa nghiêm (dẫn trên), chúng ta có thể đọc thêm một đoạn khác trong phẩm “Nhập pháp giới”, đoạn Bồ-tát Di Lặc khen ngợi Thiện Tài đồng tử:

“Với những kẻ trôi nổi trong bốn dòng thác lũ, con người chân thật này muốn làm con thuyền đại pháp đưa chúng sinh vượt qua biển cả. Với những kẻ chìm ngập trong vũng lầy của kiến chấp, người này muốn làm chiếc cầu đại pháp. Với những kẻ tối tăm ngu dốt, người là ngọn đèn đại trí. Với những người lạc lối trong sa mạc sanh tử, người muốn làm kẻ chỉ bày lối đi của bậc Thánh…”46

Tuong Phat Di Lac Nhat ban, thuoc trieu dai Asuku.jpg

Tượng Di Lặc Nhật Bản, thuộc triều đại Asuku

Sau khi Bồ-tát Văn Thù giới thiệu Bồ-đề tâm và chỉ thị Nhất thừa đạo, Thiện Tài trải qua năm mươi mốt địa tích, tham vấn đạo lý giác ngộ và yếu chỉ thực tập trên quá trình tu chứng của Đại thừa với các vị Đại sĩ. Trong hành trình đó, chàng thanh niên ấy hội kiến Bồ-tát Di Lặc, lại một lần nữa được nghe giảng luận về Bồ-đề tâm, bấy giờ bằng chí nguyện thâm thiết của mình, Thiện Tài đồng tử đã hoàn toàn thiết lập vững chắc trong chí nguyện Đại thừa, và đã thực hiện cụ thể chí nguyện ấy. Ước nguyện và hành vi của Thiện Tài, cả hai không còn cách biệt. Vì vậy, lời khen ngợi của Bồ tát Di Lặc, chính là sự tán dương tâm nguyện Bồ-đề và sự thành tựu tâm nguyện ấy của Thiện Tài đồng tử. Sau khi nghe những lời khen thưởng từ Bồ-tát Di Lặc, bản thân Thiện Tài hoan hỷ phấn chấn, cung kính chắp tay hướng về Bồ-tát Di Lặc, rồi bất giác nhìn lại hai bàn tay của mình thấy đầy những hoa thơm đang nở rộ. Đó phải chăng chính là hương hoa của sự thành tựu tâm nguyện Bồ-đề?

Kết luận 

Kinh nói: “Bấy giờ Phật nói với Bồ-tát Di Lặc:Này Di Lặc, nay ta đem Pháp giác ngộ Vô thượng Chính đẳng Chính giác đã tập thành trong vô lượng kiếp phó chúc cho ông. Vào thời mạt thế, sau khi Phật diệt độ, ông nên dùng khả năng thần thông để giảng truyền rộng rãi những kinh như vậy nơi cõi Diêm-phù-đề, chớ để bị đoạn tuyệt.”47

Vì sao Đức Phật Thích Ca đem Chánh pháp phó chúc cho Đức Di Lặc Đại sĩ? Vì Di Lặc (Maitreya) là hiện thể của phẩm tính maitrī (Pāli mettā): lòng từ, nội hàm hiểu theo ngôn ngữ ngày nay là sự tử tế, hay lòng nhân từ độ lượng. Dựa vào phẩm tính này, nên trong hết thảy sự hóa độ chúng sinh, Ngài luôn dìu dắt họ bằng lòng từ, khiến họ phát Bồ-đề tâm, hướng đến Bồ-tát đạo. Hễ khi nào còn có chúng sinh sung mãn tâm từ khởi hành trên cỗ xe Bồ-tát, thì khi ấy Chánh pháp không thể bị đoạn diệt.

Vì Di Lặc là hiện thể của phẩm tính Ajita: “Bất khả chiến bại”. Chiến đấu với cái gì mà không bị chiến bại? Chiến đấu với phiền não của tự thân, chiến đấu với rắn độc: tham-sân-si, dẹp yên được độc tố nhiễm ô (Vô tam độc), đạt đến sự thanh tịnh và lòng từ không ai hơn được (vô năng thắng) và không bao giờ bị gục ngã dưới chân ma quân. Chánh pháp là đại biểu cho chân lý, là ngọn cờ của sức mạnh đánh bại phiền não. Hễ khi nào còn hiện thân của phẩm tính Aijta, thì khi ấy Chánh pháp không bao giờ đoạn tuyệt.

Cho nên việc lễ bái, tôn kính và hành trì danh hiệu Di Lặc, chính là hành trì theo những phẩm tính siêu việt của Ngài. Truyền thuyết, có một bài chỉnh cú luôn được gán cho Đức Phật Di Lặc:
彌勒真彌勒,
分身千百億,
時時示時人,
時人自不識.48
“Di Lặc chân Di Lặc,
Biến thể trăm ngàn ức,
Luôn luôn hiện trước người,
Người thường tự chẳng biết”.

Đức Phật Di Lặc không chỉ thường trú ở Thiên cung Đâu Suất xa xôi, mà Ngài luôn hiện hữu nơi tâm thức của những hữu tình có hành vi cử chỉ của lòng từ mẫn song vận với Bồ-đề tâm. Cho nên, bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu, có người phát triển tâm từ, thực hành hạnh hỷ xả, kiên lập chí nguyện thành tựu bốn vô lượng tâm từ – bi – hỷ – xả, thì lúc đó và nơi đó, có Đức Phật Di Lặc biến thể xuất hiện, hướng dẫn chúng sinh trực diện chiến đấu với ma quân phiền não, để họ không bao giờ bị chiến bại trước một chút phù danh, một chút lợi dưỡng hay những ân huệ dư thừa của thế tục. Lòng từ và sự chiến thắng ấy, là những đóa hoa hương sắc, là những biểu hiện cụ thể của một mùa xuân Chánh pháp, một mùa xuânmà dòng suối từ vẫn âm thầm tuôn chảy, làm cho Phật chủng Di Lặc cũng từ đó mà luân lưu bất tuyệt trên thế gian này.

Phước Nguyên

________________
(1) T01n0026, tr. 510a01. Xem kinh văn dẫn ở phần b.
(2) T9n262, tr. 46b27.
(3) Buddhist Sanskrit Texts, 6 (Vaidya, tr. 205): atha khalu bhagavān Maitreyaṃ…etad avoca: yaḥ kaścid Ajita kulaputro…
(4) Thảo luận chi tiết vấn đề này, xem mục 3.
(5) T01n0001, tr. 041c29.
(6) PTS. D.iii. 76: Asītivassasahassāyukesu, bhikkhave, manussesu metteyyo nāma bhagavā loke uppajjissati.
(7) Loa 螺. Pāli: Saṅkha (vỏ sò).
(8) A-di-đa 阿夷多. Pāli: Ajita. Trong bản kinh này, A-di-đa (Ajita) và Di Lặc (Mettaya) là hai nhân vật khác nhau.
(9) Bản Việt, Trung A-hàm 1, TT. Tuệ Sỹ dịch (2013), tr. 585.
(10) ibid., tr. 585.
(11) ibid., tr. 588-589.
(12) ibid., tr. 589.
(13) ibid., tr. 591.
(14) ibid., tr. 592.
(15) Đâu suất Thiên vương 兜率天王. Htr.: Đổ-sử-đa Thiên vương 睹史多天王. VCS: “Tầng thứ tư trong sáu tầng trời Dục giới. Đây dịch là Tri túc. Nghĩa là, hưởng thụ các dục lạc nhưng biết đủ một cách sâu xa.” VKN: Saṃtuṣitadevaputra. (Dẫn bởi Duy-ma-cật sở thuyết, bản Việt, Tuệ Sỹ, Ch.4, cht. 3).
(16) skt. eka-jāti-pratibaddhā bodhisattvāḥ, xem cht. 16, dưới.
(17) Nhất sinh sở hệ 一生所繫, Skt. ekajātipratibandha, Tib. skye ba gcig gis thogs pa, chỉ còn bị ràng buộc một đời hay một lần sinh nữa. Từ này không có tương đương trong bản Pāli.
(18) La-thập dịch, Duy Ma Cật 1, T14, no. 475, p. 537b14; Tiểu phẩm Bát-nhã 8, T08, no. 227, p. 572a8.
(19)Đại Bát-nhã 576, Huyền Tráng dịch,T07n0220gp.0975b18.
(20) A Di Đà kinh nghĩa ký 1, Trí Nghĩ dịch, T37, no.1755, p.306b24.
(21) Xem Cht.1, dẫn thượng. (22) T04, no. 202, p. 429c8tt. (23) Saṅkha, Nhượng Khư, Xem Cht.6, dẫn thượng.
(24) Snp 4.7, Tissametteyya (Snp 160).
(25) Snp 5.3, Tissametteyyamāṇavapucchā (Snp 199).
(26) Snp 5.2, Ajitamāṇavapucchā (Snp 197).
(27) Snp 5.1, Vatthugāthā (Snp 190).
(28) Thag 1.20. Ajitattheragāthā, Thag 4. (29) PTS. A. 5. 229. (30) T27n1545, tr. 893c7. (31) T38, no. 1775, p. 331b8-9: 彌勒菩薩。什曰。姓也。阿逸多字也。南天竺波羅門之子.
(32) T54, no. 2128, p. 768a20: 阿氏多 (常尒反此云無勝舊言阿耆多或作阿逸多皆訛也是彌勒今生名).
(33) T37, no. 1757, p. 318b13-15: 阿逸多菩薩者,依新譯《稱讚淨土經》翻為無能勝或言彌勒,此云慈氏,由彼多修慈心多入慈定故言慈氏,修慈最勝名無能勝. (34) A091, no. 1066, p. 354a6: 阿逸多 (正云阿制多此曰无能勝也).
(35) T49, No. 2030: 大阿羅漢難提蜜多羅所說法住記.
(36) Nay là nước Tích Lan.
(37) Tạng Peking (Thánh Bảo vân Đại thừa kinh, Ārya-ratnamegha-nāma-mahāyānasūtra), Mdo-sna-tshogs (dsu)1-121a.
(38) T16n0658: 寶雲經 7, 梁曼陀羅仙譯.
(39) 羅漢圖讚集 Rakan zusanshū / [Tetsujō sanhen], [Japan: s.n.], Bunkyū 2 [1862] [Japan: s.n.], 文久2 [1862], 3 quyển.
(40) Ngoài ra còn có một số nhân vật khác có tên Ajita, nhưng không quan trọng nên không trình bày ở đây.
(41) Giải thích bởi TT.Tuệ Sỹ, Thắng Man giảng luận (2012), tr. 34.
(42) Dh. l46: Ko nu hāso kimānando, niccaṃ pajjalite sati / andhakārena onaddhā, padìpaṃ na gavesatha. Văn dịch dẫn bởi Thắng Man, ibid., tr. 34.
(43) Đại 25, tr. 63a1.
(44) Đại 25, tr. 362c28.
(45) Cf. Gaṇḍa, tr. 39617ff. Bodhicittaṃ hi kulaputra bījabhūtaṃ sarvabuddhadharmāṇām / kṣetrabhūtaṃ sarvajagacchukladharmavirohaṇatayā, dharaṇibhūtaṃ sarvalokapratiśaraṇatayā, vāribhūtaṃsarvakleśamalanirdhāvanatayā, vāyubhūtaṃ sarvalokāniketatayā, agnibhūtaṃ sarvadṛṣṭyupādānakakṣanirdahanatayā, sūryabhūtaṃ sarvasattvabhavanāvabhāsanatayā, candrabhūtaṃ śukladharmamaṇḍalaparipūraṇatayā, pradīpabhūtaṃ dharmālokakaraṇatayā, cakṣurbhūtaṃ samaviṣamasaṃdarśanatayā, mārgabhūtaṃ sarvajñatānagarapraveśanatayā. Tham chiếu, Hoa nghiêm (Phật), quyển 59, Đại 9, tr. 775.
(46) Gaṇḍa, tr. 3955: eṣa hi kulaputrāḥ satpuruṣaḥ sattvānāṃ catur oghottaraṇtāyai mahādānaṃ mahādharmanāvaṃ samudānetu-kāmo, dṛṣṭipaṅkanimagnānāṃ mahādharmasetuṃ sthāpayitu- kāmo, mohāndhakāraprāptānāṃ jñānālokaṃ kartukāmaḥ saṃsāra kāntārapranaṣṭānām āryamārgaṃ saṃdarśayitukāmaḥ. Cf. Hán dịch, Hoa nghiêm (Thật), Đại 10, tr. 429a8.
(47) Duy-ma-cật sở thuyết, bản Việt, Tuệ Sỹ dịch, phẩm Chúc lụy, tr. 293.
(48) X64, no. 1261, p. 408c10-11; X68, no. 1315, p. 273c2-3.