Ngày 06/08/2018 (nhằm ngày 25/06/ Mậu Tuất), trước thềm lễ ra mắt Ban hoằng pháp Trung ương TƯ. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022), đông đảo nhân dân tín đồ Phật tử đã vân tập về chùa Bằng (Linh Tiên Tự), phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội để đón mừng sự kiện trọng đại và đầy ý nghĩa này.
Buổi sáng, các Phật tử đã trang nghiêm đối trước Phật đài, chắp tay búp sen cung đón Thượng tọa Thích Bửu Chánh – Ủy viên thường trực HĐTS, Phó Ban hoằng pháp TƯ.GHPGVN, Phó ban kiêm Chánh Thư ký BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai, trụ trì thiền viện Phước Sơn quang lâm Pháp tòa có thời pháp thoại với chủ đề “Vui thay Pháp được giảng”.
Trước thời pháp thoại, toàn thể đại chúng được Thượng tọa Giảng sư hướng dẫn hành thiền nhằm thanh lọc thân tâm, rải tâm từ bi đến chúng sinh muôn loài với lòng mong muốn cho tất cả chúng sinh an lành hạnh phúc. Đồng thời suy ngẫm về mọi khổ đau trong cuộc đời, từ đó nhận thức được sự vô thường, nguyện quán chiếu nội tâm để sống đời tỉnh thức.
Sau hơn 5 phút quán niệm theo dõi hơi thở, đại chúng xả thiền. Thượng tọa tuyên kệ và gửi 5 điều chúc tốt đẹp đến toàn Phật tử. Tiếp theo, Thượng tọa đã giới thiệu tới đại chúng 8 điều, đó là “bốn điều vui và bốn điều khó”.
Bốn điều khó là: Được làm người là khó, được nghe pháp là khó, được gặp Phật ra đời là khó, được sống lâu là khó.
Bốn điều vui là: Vui thay Đức Phật ra đời, vui thay Pháp được thuyết giảng, vui thay Tăng già hòa hợp, vui thay Tứ chúng đồng tu.
Qua đó, Thượng tọa nhấn mạnh tới vai trò của người tu sĩ hoằng truyền chính Pháp, đem chính pháp phổ độ quần sinh là nhiệm vụ cao cả trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Bởi khi mọi công nghệ phát triển, con người mãi cuốn theo những đam mê thú vui ở đời, mãi bị “cơm áo gạo tiền” làm mất đi bản tâm thanh tịnh, thì chính những vị tu sĩ sẽ là người làm cầu nối, mang Pháp của Phật truyền bá tới nhân gian, giúp con người trở về với “Phật tính” sẵn có, biết chuyển hóa nỗi khổ niềm đau, đem tới an lành hạnh phúc. Vì thế có thể nói, giáo Pháp của Đức Phật chính là thuyền từ đưa người rời khỏi biển khổ sông mê, là ngọn hải đăng trong đêm tối.
Cuối cùng, Thượng tọa mong rằng khi đại chúng hiểu được rõ chân lý của 4 điều khó và 4 điều vui, đại chúng sẽ biết tinh tiến tu tập hơn nữa, áp dụng những giáo lý của Đức Phật vào cuộc sống, nương tựa Tam Bảo sống đời thiện lành.
Buổi chiều cùng ngày, đại chúng tiếp tục lắng nghe thời pháp thoại đầy ý nghĩa của Hòa thượng Thích Thanh Giác – Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó trưởng Ban thường trực Ban hoằng pháp TƯ. với chủ đề “Ý nghĩa hồng danh 6 chữ – Nam Mô A Di Đà Phật”.
Các Đức Phật đều có hoài bão là giúp chúng sinh thoát khỏi nỗi thống khổ. Tình thương của Đức Phật đối với tất cả chúng sinh như biển không bờ, vô cùng sâu nặng. Không phải một đời mà Đức Phật tu thành Phật được ngay, mà Ngài đã trải qua vô lượng, vô biên a tăng tỳ kiếp tu tập mới thành Phật. Ngài biết tất cả, biết hết thảy. Tất cả các bậc Đại giác ngộ đều có tên gọi là Phật với 10 bảo hiệu như Phật, Bụt, v.v..
Đức Phật có thể biết được hết mọi điều về chúng sinh, biết được tính thanh tịnh, chân thật, không chân thật của mọi người. Khi chúng sinh sống không chân thật sẽ tạo nghiệp không tốt. Đức Phật biết rõ nhân quả của các pháp, chúng sinh có mặt trên cuộc đời là do nhân quả. Con người sống trong vô vàn khổ đau, muốn hết khổ, Phật dạy là phải tu. Tu tức là chuyển hóa, chuyển nghiệp, chuyển tất cả việc làm xấu ác của 3 nghiệp trở thành tốt. Tu là để trả nợ, vì không có nợ chúng ta đã không có mặt trên cuộc đời này, vì vậy ta hiện diện trên đời là để trả những món nợ từ nhiều kiếp trước.
Qua đó, Hòa thượng đã khuyến tấn đại chúng tinh tiến tu học bởi “Đức Phật dạy có 8 vạn 4 nghìn pháp môn tu tập để trị từng căn bệnh của chúng sinh. Tu là để sửa trị tâm mình. Tất cả các Pháp môn đều tốt, đều đưa chúng sinh thoát khỏi bể khổ. Đức Phật dạy pháp môn niệm Phật A Di Đà là pháp môn trì danh niệm Phật vì khi chúng sinh tiếp xúc với ngoại cảnh, ví dụ nhìn thấy bông hoa đẹp thì sẽ sinh ra sự ái là yêu thích bông hoa đó, từ ái đó sẽ tạo nghiệp. Đức Phật đã chỉ về thế giới cực lạc của Đức Phật A Di Đà với y báo trang nghiêm, Phật A Di Đà là Giáo chủ, chúng sinh thế giới đó toàn là những bậc thiện nhân. Đức Phật A Di Đà phát 48 lời thề nguyện khi Ngài còn là Bồ Tát. Chúng sinh muốn sinh sang thế giới cực lạc A Di Đà Phật thì chúng sinh phải tu, phải trì niệm 6 chữ hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật. Bất kỳ lúc nào chúng ta cũng nên niệm Phật. Ý nghĩa hồng danh lục tự A Di Đà Phật là gì? Hồng ở đây là có nghĩa là mênh mông, bất cứ ai niệm hồng danh Phật A Di Đà thì có cảm ứng rất lớn. Chúng ta niệm hồng danh Phật để làm gì? Để chúng ta có thể đi từ bể khổ nơi trần gian sang thế giới cực lạc A Di Đà Phật. Chúng ta sinh ra ban đầu tính rất thiện, nhưng học cái xấu rất nhanh, cho nên trở thành người xấu. Khi quy y Tam Bảo, thực hành ngũ giới, chúng ta sẽ có một đời sống an lạc, nhiều người quý mến, không chỉ người xung quanh giúp đỡ mà ngay cả quỷ thần cũng trợ giúp. Khi 6 căn thanh tịnh chúng ta sẽ có nhân tốt để sinh sang cõi đức Phật A Di Đà“.
Bài giảng của Hòa thượng đã khép lại một ngày đầy ý nghĩa “Pháp vũ bàng đà” (mưa pháp thấm nhuần) đối với đại chúng, và khẳng định phần nào rằng “Hoằng pháp chính là một trong những viên ngọc sáng trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam” bởi lẽ, sự nghiệp hoằng pháp cũng chính là sự nghiệp cao cả của người tu sĩ. Người tu sĩ có trọng trách vô cùng lớn lao đó là chuyển tải những lời Phật dạy tới mọi người, giúp mọi người hiểu được đâu là chân lý đúng đắn, đâu là đường đi đúng trong muôn vạn ngã rẽ của cuộc đời.
Phân ban Truyền thông BHP