.
.

Trong cuộc mưu sinh giữa đất Sài Gòn…


Cơn mưa tầm tã chiều tối 26-8 qua đã khiến Sài Gòn ngập và tắc đường kinh khủng (có thể nói là nhất từ trước tới nay). Điều “ám ảnh” tôi trong những ngày qua là bức hình người phụ nữ kéo xe chở chuối trong nước ngập – đêm tối, lần mò đi về nhà trong cảnh chen chúc người, xe và nước.

anh An Lac 2.jpg
Một phụ nữ kéo xe chở chuối dưới cơn mưa
trong cảnh đường tắc vì nước ngập – Ảnh: Duyên Phan chụp ngày 26-8-2016

Mưu sinh giữa Sài Gòn với muôn mặt người quen-lạ, ở khắp đó đây, có thể chính tôi đã gặp nhiều những hình ảnh tương tự đến quen thuộc, nhưng có lẽ không lần nào không có xúc cảm chân thành về những con người chọn đất này để bươn chải.

Họ có thể là một phụ nữ từ miền Bắc xa xôi, miền Trung nắng gió hay thậm chí, sinh ra ngay tại Sài thành, lớn lên ở nơi này nhưng cả đời vẫn không có nhà để ở, phải mướn nhà sống tạm bợ, hay tệ hơn là lang thang đâu đó dưới mái hiên, dưới gầm cầu, trạm xe buýt…

Cuộc sống là như thế: Luôn có những mặt này, mặt kia. Có kẻ giàu ăn không hết nhưng lắm người phải tìm từng đồng, kiếm sống từng bữa giữa dòng xoay của phố, của người. Có những người khoe mẽ sự giàu có bằng xe siêu sang, bằng những cú vung tiền ra như nước nhưng lắm người không tiền chữa bệnh, sống nương nhờ vào lòng hảo tâm của cô bác xa gần. Có những cô chiêu cậu ấm con đại gia và quan tham sẵn sàng chi bạc triệu để ăn chơi trác táng nhưng cũng có không ít học trò nghèo đỗ đại học đành nuốt nước mắt chịu cảnh dở dang, gác lại ước mơ giảng đường chỉ vì không có tiền đóng học phí…

Nhìn để thấy và yêu hơn cuộc sống này, để có thể sống chan hòa hơn với đời, với người, không nghĩ cạn cợt về việc “tiền tôi tôi có quyền xài sao cũng được”, và biết nghĩ nhiều hơn tới sự sẻ chia với nhau, cùng kiến tạo cuộc đời đẹp hơn, trong cái nghĩa “từ nay người biết thương người”. Có tiền bao nhiêu rồi xài nhiều cũng hết; tuổi trẻ có khỏe, đẹp bao nhiêu rồi tới lúc cũng vĩnh hằng ra đi, điều chúng ta làm cho người bằng sự thiết thực sẻ chia sẽ còn lại, chắc chắn là vậy, bởi “Chỉ có tình thương để lại đời”!

Quan sát cuộc sống và suy nghiệm về quy luật sinh-diệt tất yếu diễn ra trong mình và xung quanh mình để không vô cảm và kịp nói lời xin lỗi, kịp động viên an ủi, hay chỉ đơn giản là mong cho những người đang khổ bớt khổ, những người đang ác bớt ác, xã hội có thêm những người hiền, đất nước có thêm những người biết thương dân, vì dân, nói được làm được… cũng là cách chúng ta quan tâm tới thời cuộc, tới chính mình giữa cuộc mưu sinh!
An Lạc (GNO)