Đó là lời khuyên của thầy Matthieu Ricard, người được các nhà khoa học tại Đại học Wisconsin (Mỹ) trao danh xưng: Người hạnh phúc nhất thế giới, trong một cuộc trò chuyện của mình trên trang TED.com.
Thầy Matthieu Ricard
Theo thầy, con người luôn mong muốn tìm kiếm hạnh phúc, dù theo một cách có ý thức hay vô thức, trực tiếp hay gián tiếp, trong ngắn hạn hay dài hạn, như Pascal đã nói; thậm chí một người treo cổ tự vẫn, đó cũng là anh ta đang tìm cách chấm dứt đau khổ, và vì anh ta không tìm ra cách nào khác mà thôi. Và để có được hạnh phúc, thay đổi thói quen trong suy nghĩ và hành động là cách duy nhất. Cũng như việc con người muốn cải thiện sức khỏe, bên cạnh ăn uống lành mạnh, còn cần phải chăm chỉ tập thể dục; khi muốn thay đổi thói quen, chúng ta cần phải luyện tập mỗi ngày, những bài tập về tư tưởng và suy nghĩ, một sự rèn luyện tâm thức. Sự rèn luyện ấy dựa trên ý tưởng hai nhân tố tinh thần đối nghịch, không thể cùng xảy ra một lúc. Bạn có thể đi từ yêu sang ghét, nhưng không thể cùng một lúc vừa muốn làm hại, vừa muốn đối xử tốt với cùng một đối tượng, với cùng một người được. Vậy để đối trị những cảm xúc phá hoại sự an lạc nội tâm, theo thầy, cách duy nhất là để nó trôi đi, bằng cách nhìn vào chính bản chất của chúng ta.
Thầy lý giải, khi chúng ta cảm thấy khó chịu, bực giận ai đó, ta sẽ tạo ra một sự ám ảnh dành cho đối tượng ấy. Bây giờ những gì chúng ta cần nhìn, không phải là hướng ra bên ngoài, tức đối tượng, mà là nhìn vào nội tâm bên trong của mình, sự giận dữ. Nó trông có vẻ như một đám mây đen đang vần vũ chuẩn bị cho trận mưa bão sấm chớp. Nhưng chẳng có trận mưa nào kéo dài mãi, và mây cũng chỉ là sự tích tụ của sương mờ, rồi nó sẽ biến mất như giọt sương tan biến trong ánh bình minh. Tập nghĩ như vậy nhiều lần, xu hướng giận dữ dù có tiếp tục khởi lên, cũng sẽ ít dần đi sau mỗi lần ta làm nó tan biến. Cuối cùng thì nó cũng chỉ có thể lướt qua trong tâm trí ta như con chim bay lượn trong trời xanh mà không để lại dấu vết.
Sự rèn luyện này đòi hỏi rất nhiều thời gian, bởi chúng ta đã mất nhiều thời gian để tích tập những điều sai trái trong tâm thức quá lâu. Thầy Matthieu Ricard khẳng định, sự chuyển hóa tâm thức chính là ý nghĩa của thiền, có nghĩa là làm quen với một cách sống mới, một cách nhận thức mới về sự vật.
Thầy Matthieu cùng với Đức Dalai Lama
Trong một nghiên cứu dựa trên hành giả đang thực hành thiền tập về lòng từ bi, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, sau ba tiếng rưỡi trong máy cộng hưởng từ, người thực hành thiền có khả năng kiểm soát các phản ứng của cảm xúc rất tốt. Chẳng hạn đối với thí nghiệm giật mình, cho một người ngồi vào ghế và dội xuống âm thanh như bom nổ gần đó, ắt hẳn anh ta sẽ giật mình. Tuy nhiên, vị hành giả đã không như vậy. Trái với người bình thường với tâm lo sợ và cố gắng tìm cách phản ứng lại những gì sắp diễn ra, người này đón nhận trong trạng thái cởi mở, nghĩ rằng tiếng nổ như một ngôi sao chổi, xuất hiện và lướt ngang qua bầu trời, vì vậy, họ không giật mình với nó. Qua đó ta thấy rằng sự rèn luyện tâm thức là điều thực tế và bất cứ ai cũng hoàn toàn có thể thực hành được.
22 câu nói về hạnh phúc đáng suy ngẫm của thầy Matthieu Ricard 1. Hạnh phúc là kết quả của sự trưởng thành từ bên trong. Nó phụ thuộc vào chính chúng ta chứ không phải ai khác, mà ở đó ta cần rèn luyện sự kiên nhẫn, rèn luyện hàng ngày. Hạnh phúc là thứ được xây dựng đòi hỏi thời gian và công sức. 2. Hạnh phúc là một trạng thái mà ở đó ta tự hoàn thiện bên trong, không phải là sự thỏa mãn của ham muốn vô tận đối với những thứ bên ngoài. Đó là khi ta biết đủ. 3. Hạnh phúc là một kỹ năng, cân bằng cảm xúc là một kỹ năng, từ bi và vị tha là những kỹ năng và bất cứ kỹ năng nào cũng đều cần được phát triển. Đó là những gì được gọi là giáo dục. 4. Không có điều gì tốt và xấu theo nghĩa tuyệt đối. Tốt hay xấu, xuất phát từ suy nghĩ và hành động của chúng ta, có gây tổn hại đến hạnh phúc và khổ đau cho bản thân mình và người hay không. 5. Luôn chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để không phải hối hận. Hãy thử nghĩ xem, những việc bạn làm, như: cố gắng loại bỏ đối thủ cạnh tranh của mình, kiếm thêm một triệu đô-la… liệu có mang lại cho bạn một cái chết thanh thản? Bạn có thực sự hạnh phúc sau khi chết đi? 6. Trẻ em, người già và những kẻ lang thang là những đối tượng dễ mỉm cười và cười rất chân thành, bởi họ không có gì để mất và ít khi hy vọng. Trong một sự khước từ luôn chứa đựng hương vị giản đơn và yên bình sâu sắc. 7. Không có trở ngại nào tồn tại bên ngoài, nếu trong tâm ta không có trở ngại. 8. Chấp nhận tha thứ cho một người, không phải là bỏ qua hoặc quên đi những việc làm sai trái trong quá khứ của họ, mà là thừa nhận con người biết sửa đổi của họ. 9. Mặc dù khó thay đổi thế giới, nhưng chúng ta luôn có thể thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về nó. 10. Chúng tôi cố gắng làm mọi cách để thay đổi và khắc phục những thứ bên ngoài, nhưng sự kiểm soát của chúng ta đối với thế giới bên ngoài là có hạn, mang tính tạm thời và ảo tưởng. 11. Những người nghĩ mình đang bị tra tấn trong sự nóng bức của mùa hè, luôn khao khát đến ngày trăng tròn đầy của mùa thu, mà không hề biết rằng một trăm ngày của cuộc đời họ sắp qua đi mãi mãi. 12. Việc tiếp nhận một tôn giáo nào đó là tùy chọn, nhưng trở thành một người tốt là điều nhất định phải làm. 13. Chúng ta làm đủ mọi thứ để duy trì nhan sắc, sức khỏe, hoàn thành các bậc phổ cập giáo dục, làm những điều ta mơ ước… nhưng thật đáng ngạc nhiên là chúng ta lại dành ra quá ít thời gian để chăm lo cho điều quan trọng nhất của mình: Cách mà tâm trí chúng ta vận động. 14. Không giống như niềm vui tạm thời, hạnh phúc chân thật không phụ thuộc vào hoàn cảnh. Nó cho chúng ta nguồn năng lượng từ bên trong, để hóa giải được bất cứ hoàn cảnh nào. 15. Phải thật sự trí tuệ mới biết chuyển hóa hoàn cảnh tốt và xấu thành hạnh phúc hay khổ đau. Vì vậy, muốn hạnh phúc, trước hết cần tẩy đi những độc tố đầu độc tinh thần, như: hận thù, ham muốn, cưỡng ép, kiêu ngạo và ghen tuông. Để làm được điều đó, chúng ta cần thành thật và không ngừng tu tập trí tuệ. 16. Lo lắng là sự vô nghĩa. Nếu có một giải pháp, ta không cần phải lo lắng. Nếu không có giải pháp tồn tại, ta lại chẳng có gì để lo lắng. 17. Hãy nhớ rằng có hai loại điên rồ: một là, những người không biết rằng họ phải chết; hai là những người đã quên rằng họ đang sống. 18. Chấp nhận cái chết như một phần của cuộc sống, là động lực thúc đẩy cho sự siêng năng và tiết kiệm, để chúng ta tránh lãng phí thời gian của mình đối với sự phân tâm vô ích. 19. Ngưng suy nghĩ đề cao tầm quan trọng của bản thân, những gì chúng ta mất đi sẽ là một ký sinh trùng bám lâu trong tâm trí của chúng ta; và những gì chúng ta đạt được là sự tự do, cởi mở của tâm trí, sự đơn giản, vị tha: tất cả những phẩm chất vốn có trong hạnh phúc. 20. Việc theo đuổi hạnh phúc một cách ích kỷ chắc chắn sẽ thất bại. Trong đó chúng ta không những làm cho mình đau khổ, mà còn khiến xung quanh cùng chịu khổ đau. 21. Trong sự tươi mới của khoảnh khắc hiện tại, quá khứ đã biến mất, tương lai chưa được sinh ra, và nếu chúng ta luôn giữ mình trong chánh niệm thanh tịnh và tự do, những tư tưởng phiền não dù nảy sinh, hãy cứ để nó xuất hiện và nó sẽ đi qua mà không để lại một dấu vết. Đó là điều cơ bản của Thiền. 22. Khi để mình bị chi phối bởi sự tức giận, chúng ta sẽ không thể tách rời khỏi nó. Chúng ta tự nhiên sẽ duy trì một vòng luẩn quẩn tai hại, đó là nảy sinh sự tức giận mỗi khi chúng ta nhìn thấy, hoặc nhớ nghĩ đến người làm cho chúng ta tức giận. Và vì vậy, chúng ta tự biến mình thành con rối của khổ đau. |