Chị kể, đó là hành trình gian nan và đầy kiên trì của không chỉ chị mà còn của gia đình. “Khi phát hiện thằng bé nghiện game, kết quả học hành sa sút, cả nhà đều “choáng” bởi vì ai cũng tin con. Vì quá tin nên đến khi phát hiện thì mới ngã ngửa và để có thể không đẩy con đi xa hơn đòi hỏi sự tỉnh táo rất nhiều”, chị bộc bạch.
Rồi chị nói như trải lòng mình với kinh nghiệm của một người mẹ đã cùng con chiến đấu với cơn nghiện game rằng: “Lúc đầu, tôi định la mắng, đánh cho nó một trận, nhưng nhờ đọc sách kỹ năng dạy con, rồi cũng nhờ thực tập Phật pháp (hành thiền) nên tôi bình tĩnh quán chiếu nhân duyên đưa đến đến việc con bị nghiện”.
Làm sao không nghiện được khi trên game có quá nhiều trò chơi hấp dẫn, đưa người chơi vào vị trí trung tâm, những chiến thắng, những thành tựu trên đó khiến nuôi lớn cái tôi, khiến con người được thỏa mãn những ước vọng bản thân, chị nói.
“Ngay cả bản thân mình chơi Facebook còn bị… nghiện, bị dẫn dắt bởi những cái like (quan tâm) cùng các comment (bình luận) của những người “bạn” trên đó thì trẻ con chơi game với sự thắng thua đầy kích thích sao không nghiện cho được”, chị mổ xẻ vấn đề.
Kéo con bằng cách nào? Chị bảo, xét thấy trước giờ mình và gia đình thiếu quan tâm tới con thì giờ quan tâm nhiều hơn. Ngày nay, nhiều phụ huynh bận bịu với công việc, rảnh thì cũng tìm tới “thế giới riêng” (mạng xã hội) nên ít nhiều thiếu kết nối với con mình.
“Thường, chúng ta cứ nghĩ đáp ứng nhu cầu cùng những yêu cầu của con là đã thương đã lo, nhưng quên mất rằng, con người cần nhiều hơn tình thương và sự kết nối bằng lời nói, cử chỉ, sự quan tâm để tâm hồn được nuôi dưỡng”. Chính vì nhận ra điều đó nên chị và chồng nói chuyện với con nhiều hơn, hè đưa con đi chơi vài nơi, nhất là về thăm quê ngoại, quê nội, nói cho con biết nguồn cội, mạch sống của quê hương, của ba mẹ và tuổi thơ.
Khi đó, thằng bé dần nhận thức, à, ba mẹ mình đã lớn lên ở quê thiếu thốn vậy đó, mình sinh ra thời đại này sướng hơn nhiều, ba mẹ chêm vô: “Nên con ráng học hành chứ đừng sa đà vào trò chơi trên mạng. Ba mẹ không cấm con chơi và kết bạn nhưng tất cả đều có chừng mực”.
Theo chị, trẻ con rất dễ thay đổi nếu mình ân cần, kiên trì uốn nắn vì chúng giống như mầm non. Sự thất bại trong cách dạy con đã đưa đến thất bại của một đứa trẻ. Thêm nữa, vì có đi chùa, tập thiền nên chị “mời” con cùng đi với quý thầy, các cô Phật tử bạn trong các chương trình từ thiện để cháu thấy rằng, trên cuộc đời còn nhiều người khổ hơn để trân quý, khơi lên tình thương trong con.
“Và đặc biệt, năm ngoái, khi đăng ký cho cháu tham gia một khóa tu mùa hè, lên chùa ở cả tuần về, thằng bé như một người mới được sinh ra, nó bảo thương ba mẹ nhiều, con không chơi game nữa, con sẽ lo học hành… Nghe con nói tới đó tôi đã vỡ òa, ôm con khóc vì quá hạnh phúc”. Tất nhiên, như chị nói, không phải ai cũng “may mắn” như chị, nhưng nếu ai cũng nỗ lực thì chắc chắn sẽ giúp được con mình rất nhiều.
“Đừng vội đánh mắng, hãy tìm lỗi từ phía người lớn (là mình) để thay đổi tích cực từ cách sống và sự chăm sóc, lắng nghe để thấu hiểu và sẻ chia ân cần…”, chị nói như đó là bí quyết của mình.
An Lạc