.
.

Làm gì để giảm nguy cơ mất trí nhớ?


Các yếu tố nguy cơ lớn nhất của chứng mất trí nhớ là tuổi tác và bệnh sử gia đình – vốn không thể thay đổi được. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã xác định các yếu tố khác có thể thay đổi được, giúp giảm nguy cơ mất trí nhớ hay suy giảm khả năng tư duy.

mattrinho.jpeg
Lối sống ít vận động, thể dục là nguyên nhân của hơn một triệu ca Alzheimer ở Hoa Kỳ

Dưới đây là những thói quen trong ăn uống, sinh hoạt có thể giúp giảm nguy cơ suy giảm các chức năng não bộ nói trên:

1 – Đưa dầu ô liu vào chế độ ăn

Dầu ô liu ngoài mang lại sự ngon miệng còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe như: giảm viêm nhiễm, giảm nguy cơ bệnh tim mạch và suy nhược tinh thần cũng như suy giảm trí nhớ.

Dầu ô liu cũng chính là một trong những thực phẩm tốt nhất giúp thúc đẩy sức khỏe của bộ não, cải thiện trí nhớ và sự tập trung.

Một nghiên cứu gần đây của Đại học Temple cho thấy hấp thu thêm dầu ô liu nguyên chất giúp bảo vệ vùng trí nhớ, đặc biệt là khả năng học tập.

2 – Tránh hấp thu các chất béo bão hòa

Một chế độ ăn dinh dưỡng và cân bằng là cần thiết cho tim và thể trọng. Thực phẩm cũng có tác dụng hỗ trợ cho não bộ. Não bộ cần các loại chất béo khỏe mạnh, protein, vitamin và khoáng chất để hoạt động một cách khỏe mạnh.

Các chuyên gia cho rằng chế độ ăn có hàm lượng chất béo bão hòa cao sẽ dễ làm phát triển chứng mất trí nhớ.

Dinh dưỡng tốt nhất cho não bộ đến từ rau củ quả, các loại đậu hạt và ngũ cốc. Nên thay thế bơ bằng các chất béo khỏe mạnh như dầu ô liu, hạn chế thịt đỏ.

3 – Không ăn quá nhiều đường

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Bath và Đại học King (Luân Đôn) cho thấy bệnh nhân Alzheimer thường có mức hấp thu đường cao, thông qua một enzyme có tên là MIF (kết quả của quá trình khử đường) có mặt trong tế bào của người bị bệnh này.

4 – Không nên bỏ qua các bệnh mãn tính

Cao huyết áp và tiểu đường không được điều trị chính là hai yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với các bệnh mất trí nhớ, trong đó có Alzheimer. Người bị tiểu đường có nguy cơ phát triển chứng mất trí nhớ hay sa sút trí tuệ não mạch cao hơn người không bị tiểu đường đến 73%, theo nghiên cứu. Huyết áp cao ở tuổi trung niên cũng làm tăng nguy cơ bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ não mạch.

Cả hai bất ổn này đều cần được kiểm soát bằng thuốc, chế độ ăn và vận động, thể dục.

5 – Không hấp thu nhiều cồn

Hấp thu nhiều cồn gây ra các tác hại cho cơ thể như huyết áp cao, đột quỵ, bệnh gan và suy giảm trí nhớ.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự liên hệ giữa hấp thu nhiều cồn từ bia rượu và tình trạng mất trí nhớ, cụ thể là hội chứng Wenicke-Korsakoff.

6 – Bỏ thuốc lá

Thuốc lá và khói thuốc lá chứa hơn 4.700 hợp chất hóa học, trong đó có cả những chất kịch độc. Các nghiên cứu khẳng định mối liên hệ giữa hút thuốc lá và nguy cơ cao với tất cả các bệnh về suy giảm trí nhớ, đặc biệt là người nghiện thuốc lá có hơn 79% nguy cơ mắc Alzheimer.

Và người bỏ thuốc lá thì có nguy cơ phát triển bệnh thấp hơn so với người đang hút thuốc lá. Vì thế, bạn nên nhanh chóng bỏ thuốc lá vì sự khỏe mạnh của trí não.

7 – Tích cực vận động thể chất

Lối sống ít vận động, thể dục là nguyên nhân của hơn một triệu ca Alzheimer ở Hoa Kỳ.

Các nghiên cứu lớn đều cho thấy vận động và thể dục mang lại nhiều lợi ích cho não bộ, giúp giảm nguy cơ té ngã, các bệnh liên quan đến tuổi già và thậm chí là giúp giảm nguy cơ tử vong sớm.

Khi thể dục, máu được lưu thông khắp các cơ quan và tuần hoàn tốt đến não. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị mỗi người nên có 150 phút vận động với cường độ vừa phải mỗi tuần hoặc 75 phút với cường độ mạnh hơn.

Trần Trọng Hiếu
(theo Reader’s Digest)