.
.

Tu trên xa lộ thông tin…


Nhiều bạn đọc đã đặt vấn đề trên với tòa soạn sau những thông tin liên quan tới Phật giáo có sự phản ứng “mạnh” từ nhiều người như việc thu hồi quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Từ Quang (H.Bình Chánh) hay TƯGH yêu cầu thu hồi kỷ yếu của Đại hội PG tỉnh BR-VT…
1459751324_chot8c-d622a (1)

Theo đó, bạn đọc Le Tran bày tỏ: “Cảm thấy hơi buồn vì có nhiều Phật tử đã phản ứng… quá mãnh liệt, với những lời lẽ thiếu từ bi, nặng nề với người tu”. Một bạn đọc khác bình luận trả lời: “Có thể đó không phải là Phật tử”.

Không phải là Phật tử vì cách ăn nói không mang “dáng dấp” người học Phật, bạn đọc ấy nói tiếp. Như Giác Ngộ số 903 có chia sẻ, nhóm thực hiện Fanpage Báo Giác Ngộ đã nhiều lần nhắc nhở về bình luận của bạn đọc và cứ mỗi lần đăng tin tiêu cực hoặc tin trái chiều… thì lại xuất hiện những người nhân danh Phật tử, bảo vệ Phật giáo với những từ ngữ khiếm nhã.

Bạn đọc Hoa Đức phân tích: “Phật tử chân chính khi tiếp xúc với nguồn tin lẫn những bình luận không hay ho cũng đều không phản ứng, không phán xét”. Rồi bạn đọc này chia sẻ: “Tôi thực tập lời nguyện ‘Lạy Đức Bồ-tát Quán Thế Âm, chúng con xin học theo hạnh Ngài, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ. Ngài là trái tim biết nghe và biết hiểu. Chúng con xin tập ngồi nghe với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chúng con xin tập ngồi nghe với tâm không thành kiến. Chúng con xin tập ngồi nghe mà không phán xét, không phản ứng. Chúng con nguyện tập ngồi nghe để hiểu. Chúng con xin nguyện ngồi nghe chăm chú để có thể hiểu được những điều đang nghe và cả những điều không nói. Chúng con biết chỉ cần lắng nghe thôi, chúng con cũng đã làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của kẻ khác rồi…’ – nên đã bình yên rất nhiều khi tham dự đời sống xã hội”.

Trên tinh thần đó, Phật tử Nguyễn Thanh Kiên (Đà Nẵng) cho rằng, những người có phản ứng tiêu cực như sân si, dùng từ ngữ có nội dung kích động, khiêu khích… cho thấy họ đang khổ. Vì vậy, những người đó mới thường bị tác động trước những điều chưa tốt, chưa đẹp của cuộc sống, hay của những người tu, Phật tử khác. Anh Kiên nhắc: “Hiểu như vậy, người học Phật sẽ quan sát cuộc sống, biết và hiểu hết nhưng hành xử đầy tình thương”. Anh bảo, tu trên xa lộ thông tin đầy nhiễu nhương này là con đường mà mỗi hành giả học Phật phải ý thức cao, để tránh rơi vào cái bẫy của sự thực tập.

Giác Ngộ mong nhận được thêm chia sẻ của bạn đọc về đề tài này, như một diễn đàn nhỏ trên Giác Ngộ online. Bài vở gửi về: [email protected]. Chúng tôi sẽ chọn đăng những bài viết hay, những ý kiến thú vị.

Tổ CTBĐ