.
.

Ni sư Hằng Liên nặng lòng với khóa tu mùa hè của giới trẻ


Sau 5 năm giãn cách kể từ khóa tu mùa hè năm 2013 với chủ đề “Tìm về chân nguyên” dành cho các em thanh thiếu niên tại Niệm Phật đường (Chùa) Hồng Trung Sơn thuộc xã Nam Cát Tiên thì năm nay, tôi mới có dịp trở lại nơi này để mục sở thị khóa tu mùa hè với chủ đề  mới “Tìm dấu chân hạnh phúc” do Ni sư Tiến sĩ Thích nữ Hằng Liên chủ trì và là trưởng ban tổ chức khóa tu.

Được biết, do công tác phật sự bận rộn nên Ni sư Hằng Liên đã tiến hành ngay sau khi các em kết thúc năm học và bắt đầu kỳ nghỉ hè. Thời gian của khóa tu vẫn diễn ra trong 4 ngày, bắt đầu từ ngày 7/6/2018 và kết thúc vào ngày 10/6/2018 với sự tham gia của gần 400 em có độ tuổi từ 10 đến 15, là con em gia đình phật tử. thiền sinh tại xã Nam Cát Tiên, ở các huyện, thành phố thuộc tỉnh Đồng Nai và một số ở các tỉnh thành lân cận khác.

Trở lại Nam Cát Tiên mùa này thì những trận mưa rừng vẫn là nét đặc trưng đón khách. Song, có vẻ như năm nay thiên nhiên ưu đãi giới trẻ bởi khi ánh sáng lặn vào bóng tối cũng là lúc cơn mưa cuối ngày ngớt tạnh, và ánh lửa bừng sáng, bập bùng cháy, lách tách tiếng củi khô, hòa cùng tiếng nhạc cụ phát ra từ bộ dàn âm ly cực đại, xen lẫn tiếng reo hò của giới trẻ, tay trong tay nối vòng tay lớn. Không khí thật nhộn nhịp, vui tươi rạng ngời trên những gương mặt hồn nhiên, trong sáng cùng hòa quyện và gắn kết với nhau thành một thực thể thống nhất, đậm đà, thắm thiết tình người giữa giới trẻ bản địa với giới trẻ nơi đất khách.

Đêm lửa trại là khởi điểm cho 4 ngày sinh hoạt tập thể của các em, không phân biệt thành thị hay nông thôn, các em đã cùng tề tịu về đây tham gia tu học, cùng quây quần bên lửa trại, thăm hỏi nhau sau một năm học tập, và cũng là dịp ôn lại cho nhau nghe những chiến tích của mình ở khóa tu năm trước cùng lời hứa hẹn, sự quyết tâm vào khóa tu này. Ấy là sự kiên trì tu tập giáo lý Phật pháp và hành thiền, là học Anh văn Phật pháp, học Ngữ văn, là sinh hoạt nhóm, sinh hoạt tập thể với các trò chơi trí tuệ, và còn là sự  rèn luyện kỹ năng sống với những kiến thức cơ bản để ứng phó trước những tình huống xấu bất ngờ xảy ra đối với cuộc sống quanh ta.

Hồng Trung Sơn vẫn luôn giữ nếp sinh hoạt giản dị của ngôi chùa nơi thôn dã, không ồn ào, náo nhiệt đua theo phong trào hiện nay khi người người, nhà nhà nô nức đưa con em mình đến chùa tham dự khóa tu mùa hè với quan điểm phó mặc cho nhà chùa quản lý, hoặc là muốn cho con em mình thấy được cuộc sống kỷ luật nơi cửa thiền để đôi khi hù dọa những đứa con cứng đầu, cũng không phô trương hình thức, mà tất cả là vì mục tiêu chăm lo, đào tạo, giáo dục thế hệ trẻ theo khuynh hướng khích lệ để các em tự nguyện và hứng khởi về chùa tham gia khóa tu, chứ không phải là sự ép buộc của gia đình.

Vậy nên, hàng năm giới trẻ xin đăng ký về tu tập tại Hồng Trung Sơn ngày một tăng. Song, do cơ sở vật chất chưa đáp ứng đủ nên nhà chùa buộc lòng phải từ chối những em ở một số tỉnh thành phía Bắc, đây là điều khiến Ni sư Hằng Liên luôn luôn trăn trở, làm sao tạo dựng được cho các em một sân chơi rộng rãi, một nơi ăn chốn ở ổn định để hàng năm bổn tự không phải từ chối những em đăng ký muộn không được tham gia khóa tu mùa hè chỉ vì lý do không có chỗ ở.

Ni sư trụ trì ân cần dẫn tôi dạo quanh một vòng Hồng Trung Sơn, thật đã đôi bàn chân bởi cảnh quan, đường nội bộ, khu nhà bếp và Chính điện đã được tôn tạo, mở rộng và bài trí thật bắt mắt. Bầu không khí trong lành của núi rừng khiến cho tâm hồn thư thái lạ thường. Tôi ngắm nhìn thời khóa tu tập dày đặc của các em mà thầm cảm phục Ni sư, với gần 400 em không cùng độ tuổi và môi trường sống khác nhau nhưng đã hòa nhập và rất đoàn kết; sống có kỷ luật, tuân thủ nội quy khóa tu một cách nghiêm túc.

Vẫn là sáng dậy từ 4 giờ sáng tập thể dục Yoga, buông bỏ mọi thứ điện tử, điện thoại,… và đi ngủ vào lúc 21 giờ. Sinh hoạt đều đặn theo thời khóa vốn dĩ là cứng nhắc và cố định nhưng các em luôn tỏ ra hào hứng tham gia vào các chương trình, không còn trường hợp nào đòi về vì nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ những trò tiêu khiển giải chí hay nhớ bạn chơi…

Tôi được biết rằng, để đạt được điều này, trước hết là ở tấm lòng nhân từ rộng mở của Ni sư và các sư cô trong chùa lan tỏa, đồng thời do nội dung tu học phong phú, sinh động được những người thầy khéo léo vận dụng và kết hợp các thiết bị điện tử, công nghệ cao vào công tác giảng dạy, như môn kỹ năng sống nên đã cuốn hút và thúc đẩy lòng đam mê học hỏi của các em, hay giờ học Anh văn phật pháp hoặc môn Ngữ văn (tiếng Việt) đã được những người thầy chuyên ngành ngôn ngữ học truyền cảm hứng và bổ trợ kiến thức cho các em kỹ năng đọc, viết, nói và nghe để hoàn thiện ngôn ngữ của mình, không bị lệch chuẩn khi sử dụng từ ngữ và viết sai chính tả nhằm định hướng cho các em có ý thức giữ gìn nguồn cội và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời nâng cao hiểu biết, nhận thức rõ về giá trị tốt đẹp và sự trong sáng vốn có của tiếng Việt.

Chương trình thú vị hơn bởi những giờ pháp thoại của Ni sư Hằng Liên trước thời khóa thiền. Thông qua đó, các em được trang bị thêm kiến thức và nghe những câu chuyện về lòng hiếu kính đối với ông bà, cha mẹ và thầy cô, những tấm gương vượt khó trong học tập và cả những tấm lòng quả cảm giúp đỡ bạn bè… đã phần nào khai sáng tâm hồn trẻ thơ. Thiền là môn học cơ bản và đặc trưng nhất của giới trẻ khi về tu học tại Hồng Trung Sơn, dưới sự hướng dẫn, dìu dắt của Ni sư, các em được tiếp cận với phương pháp hành thiền Vipassana để tự rèn luyện nội lực mạnh mẽ, có khả năng đề kháng với bệnh tật, khi thân thể được khỏe mạnh thì đạt sự tập trung cao, hữu ích trong học tập.

Với chất giọng truyền cảm, Ni sư đã giúp các em hiểu rõ, thấu đáo hơn về bản thân theo cách đơn giản nhất: Ngồi im lặng, nhắm mắt, học cách thở và chú ý vào hơi thở của mình – ấy là thiền.

Thông điệp này đã kéo thế giới trẻ thơ vốn dĩ hiếu động hoặc trầm lặng hòa nhập được vào môi trường thiền, cho nên trong mỗi em ít nhiều đều có sự lắng đọng, thẩm thấu dần phương pháp hành với lời giáo huấn của Ni sư qua từng trang kinh, bài kệ và bắt đầu cho sự khai mở cuộc hành trình mới đi “tìm dấu chân hạnh phúc” với niềm háo hức, tràn đầy thú vị và cuốn hút, phần nào đã lay động tâm hồn và trái tim thuần khiết trẻ thơ.

Sau mỗi giờ học chính khóa là các hoạt động vui chơi giải trí mang tính trí tuệ, có ý nghĩa thiết thực và bổ ích, kích thích sự hăng hái nhiệt tình của các em. Hoạt động tập thể, tinh thần đoàn kết, đề cao tính đồng đội, lấy kỷ luật thiền môn làm nền tảng rèn luyện trong suốt thời gian khóa tu. Đó là những gì các em đã đạt được, chia sẻ sau đêm hoa đăng dưới mái hiên chùa; và thật, không thể quên lời tri ân người thầy khả kính – Ni sư Thích nữ Hằng Liên.

Bốn ngày tu học khép lại, các thiền sinh nhí hứng khởi quẩy gánh xuống núi, đây cũng mới là lúc các em được gặp người thân. Hành trang các em mang theo và thành quả các em tiếp thu được từ những khóa tu này là gì thì lời giải đáp sẽ bởi chính các em. Với tôi, các em luôn trở về Hồng Trung Sơn tham dự khóa tu sau một năm học và có thêm những “chiến binh” mới xung trận trường thiền để khám phá chính mình, đó là câu trả lời hữu ích, thiết thực và xác đáng nhất cho việc trẻ em học gì và được gì ở mỗi khóa tu mùa hè.

Bởi vậy, Hồng Trung Sơn là nơi tu học lý thú, có giá trị dành cho giới trẻ được Ni sư hết lòng tận tình chỉ dẫn. Ngoài ra, điều chính yếu nhất, nơi đây còn là địa chỉ đỏ tin cậy lâu nay của sự trở về cho những ai hữu duyên muốn tu học, thanh lọc thân tâm trên con đường Giới Định Tuệ, bằng pháp thực hành thiền Vipassana mà Đức Phật Gotama đã chứng ngộ, lưu truyền.

Thời đại ngày nay, trong xu thế hội nhập có sự giao lưu văn hoá nước ngoài, cùng với việc một số gia đình thiếu trách nhiệm, quan tâm giáo dục các em, thường phó thác cho nhà trường nên không ít em vướng vào các tệ nạn học đường, bị bạo lực gia đình hay bị lạm dụng tham gia các hoạt động phạm pháp…

Thiết nghĩ, các cơ sở, tự viện nên tự tổ chức khóa tu mùa hè cho các em tại trú sứ của mình để đưa chương trình này trở thành một trong những hoạt động sinh hoạt tôn giáo định kỳ hàng năm, có như vậy mới thu hút được giới trẻ đến chùa, đồng thời còn định hướng và tạo điều kiện cho các em tiếp cận với văn hóa, đạo đức Phật giáo nhằm lan tỏa tinh thần từ bi và giữ gìn giá trị nhân văn tốt đẹp vốn có của con người Việt Nam./.

Bài, ảnh: Phong Bình