.
.

Nhà thơ Trần Lê Khánh: Với tôi, hình ảnh Đức Phật là đẹp nhất


“… Hình ảnh Đức Phật là hình ảnh đẹp nhất mà tôi đã từng đọc được, từng thấy được và từng được nghe kể. Chính từ chiêm ngưỡng đó ra sự chiêm nghiệm và từ đó tôi đi vào con đường thiền. Nó là một cái gì đó yên lặng. Cái yên lặng tận cùng giúp mình cởi bỏ lớp đạo đức giả của mình ra, cái lớp thành kiến, sở tri kiến để chiêm nghiệm cái đẹp…”.


Nhà thơ Trần Lê Khánh – người mới ra mắt tập thơ “Ngày như chiếc lá”, trước đó có “Lục bát múa” và “Dòng sông không vội” – vừa có những phút trải lòng với Giác Ngộ những suy nghĩ về chính mình, về cuộc sống, về Đức Phật và về những điều tuyệt vời của thiền thơ, về chuyện nhà thơ làm kinh tế giỏi…

Tôi không là gì cả

* Xin chào anh Khánh, dường như thông tin về anh trên mạng rất ít. Nếu có một ai đó hỏi tôi rằng Trần Lê Khánh là ai thì tôi phải trả lời ra sao?

– Tôi là tôi thôi. Tôi nghĩ rằng là ai cũng có một cái tên nhưng mà đối với mình cái tên chỉ là cái phương tiện để xưng hô. Quan trọng là trong tâm hồn của mình, trong con người mình như thế nào để cuối cùng mình cảm nhận: À! đây là mình. Trong sách thiền hay hỏi câu “Tôi là ai?”, đó là câu hỏi muôn thuở. Câu hỏi đó để bóc mình ra.

Tôi có nhớ sách triết học nói rằng con người có ba lớp. Lớp đầu tiên là lớp chào hỏi, xưng hô để mọi người vui vẻ với nhau. Tức là ra ngoài xã hội mình sống với cái lớp đó, giao diện đó. Lớp thứ hai là lớp bạn làm gì, ví dụ như là bác sĩ, kỹ sư, nội trợ, giáo viên, nhà thơ… Cái lớp đó gọi là lớp vai trò và vị trí mà xã hội định cho mình và mình đóng vai trò đó trong xã hội. Theo các triết gia thì hai cái lớp đó rất là vớ vẩn và con người đau khổ vì túm mình trong hai cái lớp đó. Lớp thứ 3 là lớp trong cùng, là cái lõi. Cái lõi đó là cái lõi không thể chia cắt hơn nữa, là cái lõi cá nhân (individual). Cái lớp thứ ba mới chính là chúng ta.

Tôi cũng không nghĩ mình là một nhà kinh tế hay một nhà thơ mà tôi không là gì cả. Tôi chỉ đang trên hành trình đi tìm cái tôi của tôi thôi.

* Đến bây giờ anh tìm được cái tôi của mình chưa? Và anh đã tìm được như thế nào rồi?

– À… Tôi dùng danh từ tôi hoặc là mình hoặc là cá thể hoặc là tâm hồn hay là tâm thức, nó là cái điều mình không thể bắt được. Giống như một bông hoa đẹp, nếu như mình ngắt từng cánh hoa ra thì nó không đẹp nữa, nó phải là tổng thể. Và cái tôi tổng thể đó ở đâu đó mà mình không nắm bắt được, mình chỉ biết nó ở đâu đó thôi. Trong hành trình mình đi thưởng thức cái đẹp đó mình cảm nhận và biết đâu bắt gặp nó.

* Ngay bây giờ anh mong muốn mọi người biết đến anh với vai trò nào?

– Thật sự tôi không nghĩ là tôi muốn mọi người biết đến tôi như là gì cả. Tôi chỉ muốn những bài thơ khi tôi viết ra có sự đồng cảm và có những tri kỷ. Qua đó mình có thể tìm thấy những mối giao cảm, tương tác.

* Nếu bây giờ nói anh là một nhà kinh tế giỏi làm thơ anh có đồng ý không?

– Mình có những danh xưng, mình có những tên gọi nhưng mà nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Cái lớn nhất là cảm xúc của mình, tâm thức của mình khi mình còn ngồi viết được, còn sáng tác được thì có bao nhiêu cái danh xưng, bao nhiêu cái tên gọi thì cũng không thể nào đánh đổi được. Nó chỉ là cái công cụ giao diện của mình để tương tác với xã hội. Còn thật sự khi mình ngồi xuống thì cái chân tình, cái tâm hồn của mình quan trọng lắm. Và người làm nghệ sĩ đích thực phải gạt qua tất cả những danh xưng đó…

Thơ là để cảm nhận

* Thông thường tôi thấy những nhà thơ thường bay bổng và lãng mạn, các nhà kinh tế lại làm việc với con số, kế hoạch và chiến lược. Làm sao anh dung hòa được hai thái cực để cho ra đời những tác phẩm hay?

– Thơ của tôi không theo trường phái bay bổng và lãng mạn. Tôi chỉ có những con chữ tải được những cái suy tư, những cái thông điệp qua đó mình mở lòng ra hòa nhập với mọi thứ, hòa nhập với thiên nhiên. Tôi cảm nhận rằng sự tồn tại của mình với mọi thứ xung quanh nó đẹp vô cùng. Còn khi làm bất cứ công việc nào như chẻ củi, đánh giày, bác sĩ, nhà kinh tế… mà đi vào cái nghề đó, yêu nó thì tất cả đều đẹp, đều lãng mạn.

* Hầu hết tôi nghe mọi người chia sẻ rằng khi đọc thơ của anh họ cảm thấy hay nhưng “không hiểu gì hết”. Anh nghĩ sao về việc này?

– Đó cũng là một cái cô đơn…(mỉm cười)… Với tôi thơ là không để hiểu, thơ là để cảm nhận. Mình làm bài thơ mà người ta cảm nhận được tuy người ta nói không hiểu thì lúc đó mình hạnh phúc; còn người ta hiểu thì lúc đó người ta hạnh phúc. Cái hiểu là do mỗi người chứ không phải do tôi. Còn khi người ta nói không cảm nhận được thì đó là bất lực của nhà thơ. Với riêng tôi khi làm được một bài thơ mà chính mình cảm nhận được thì đó là hạnh phúc không thể đánh đổi, nó là vô biên.

* Lần đầu tiên đọc thơ của anh tôi cảm nhận dường như trong đó có thiền vị. Chất thiền này anh lấy từ đâu?

– Cuộc sống. Mọi thứ từ cuộc sống. Từ cảm nhận cuộc sống. Tất cả từ tương tác của mình với môi trường, với công việc, với bạn bè và quan trọng là với tâm thức của mình. Mình để nó tự nhiên giống như là mình gieo cái hạt, mình bón phân vào đất rồi hạt nảy mầm thành cây. Mình không muốn mình là như thế nào được cả, cái đó phải tự nhiên. Cái tự nhiên nó nảy nở trong đầu mình. Tất nhiên là tôi cũng có đọc kinh Phật và sách triết học nữa.

* Lấy trường hợp “Ngày như chiếc lá”, tôi thấy đằng sau những câu chữ đó là một không gian đầy chiêm nghiệm về cuộc sống. Anh có thể mở thêm không gian đó cho mọi người cùng chiêm ngưỡng?

– Thật ra mình không dám nói mình là người mở ra đâu. Cái cánh cửa đó mình cũng là người chạy tới ngó vào và rủ người khác ngó theo thôi. Chứ tôi không dám nghĩ mình là người mở được cánh cửa. Nếu đó là một bài thơ hay, có một không gian, một cảm xúc, một điều gì đó phía sau nữa thì tôi không phải là người mở nó, tôi chỉ là người chạy tới – thấy và la lên cho mọi người tới xem. Cũng có thể trước đó có người đã la trước tôi rồi và tôi cũng chạy theo người đó. Và mỗi người nhìn vào cánh cửa đó theo cách riêng của mình. Sau cánh cửa đó là gì thì hãy để mọi người tự cảm nhận.

* Anh có nói rằng hình ảnh chiếc lá gợi cho anh rất nhiều ý thơ. Giả sử một ngày chiếc lá không còn gợi cho anh được ý thơ nữa thì sẽ thế nào? Anh đi tìm ý thơ ở đâu?

– Tôi không tin rằng có ngày chiếc lá sẽ không gợi được cho tôi. Tôi nghĩ tôi sẽ biến mất trên cõi đời này trước khi chiếc lá bất lực trong việc gợi cho tôi cảm xúc…

Càng ngày tôi càng quên thiền

* Cơ duyên nào đưa anh đến với thiền học của Đức Phật?

– Với những hiểu biết của tôi thì hình ảnh Đức Phật là hình ảnh đẹp nhất mà tôi đã từng đọc được, từng thấy được và từng được nghe kể. Chính từ chiêm ngưỡng đó ra sự chiêm nghiệm và từ đó tôi đi vào con đường thiền. Nó là một cái gì đó yên lặng. Cái yên lặng tận cùng giúp mình cởi bỏ lớp đạo đức giả của mình ra, cái lớp thành kiến, sở tri kiến để chiêm nghiệm cái đẹp… Cái thiền giúp cho tôi tìm thấy sự yên lặng, không ồn ào mà chính cái ồn ào đó làm mình không thấy cái đẹp trong cuộc sống.

* Từ lúc anh học về thiền cho đến bây giờ thì anh đã thấy điều tuyệt vời nào mà thiền mang lại cho anh?

– Càng ngày tôi càng quên thiền là gì. Tôi quên học thiền là gì thì càng ngày tôi càng thấy cái đẹp của thiền trong cuộc sống. Đó là những gì tôi học được từ thiền.

* Anh nói nhiều về cái đẹp. Theo quan điểm cá nhân anh thì như thế nào là đẹp?

– Khi nó còn là quan niệm thì nó còn thay đổi nữa. Một ngày nào đó cái gì đó vĩnh cửu mà nó mong manh thì tôi nghĩ nó là cái đẹp. Nó lớn hơn mình, mình bất lực với nó. Nó làm cho mình hướng lên sự thanh thoát, cho mình cảm nhận nhẹ nhõm. Nó không mang mục đích chiếm đoạt, sở hữu, nó cũng không chối bỏ. Trong cái “không” đó, nó mang cái gì đó phơn phớt, man mác làm cho mình bỏ đi được cái sở hữu, bỏ đi tất cả những tri kiến trong lòng thì đó là cái đẹp. Như cánh hoa rung rinh trước gió đâu nghĩ rằng nó sinh ra đời để làm đẹp cho khu vườn. Nó chỉ đơn giản là ra hoa thôi. Nhưng mà nó mong manh lắm vì nó sớm nở tối tàn. Cái mong manh đó là vĩnh cửu. Cái đẹp đó để mà mô tả thì không bao giờ nói hết được, không có gì kết luận được, không có gì mô tả được cả.

* Cảm ơn anh. Chúc anh có hạnh phúc, bình an trong cuộc sống và tâm hồn.

Nguồn: Giacngo.vn