.
.

Cách thu hút và giữ nhân tài theo quan điểm Phật giáo


Làm thế nào để tìm được người tài phù hợp cho công việc của mình là một nghệ thuật đòi hỏi cao về trí tuệ và kinh nghiệm.

Khi mới bắt tay vào công việc không ai có thể đoán biết người tài đang ở đâu, lúc đó chúng ta cần dựa vào tính chất và nội dung công việc để đưa ra những yêu cầu, điều kiện phù hợp cho việc “cầu hiền” của mình, sau đó mới đăng thông tin tuyển dụng trên các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc nhờ bạn bè, người thân giới thiệu. Làm thế nào để tìm được nhân tài đích thực trong các đợt tuyển dụng là việc rất khó đối với nhà tuyển dụng, nhất là người trực tiếp đứng ra phỏng vấn.

Tiếp theo, người phỏng vấn phải xem xét khả năng đáp ứng yêu cầu của người ứng tuyển. Thứ ba là phải quan sát kĩ các phản ứng của ứng viên. Thứ tư phải xem ứng viên có hài lòng không, họ có mong muốn gì không, đồng thời không quên quan sát mức độ thành thật của ứng viên. Trong bốn bước tuyển nhân viên vừa nêu trên, điều cuối cùng quan trọng hàng đầu, khả năng lành nghề và kinh nghiệm chỉ là thứ yếu. Vì nếu ứng viên chưa đáp ứng về mặt kĩ thuật, chúng ta có thể đào tạo; còn nếu ứng viên đáp ứng đủ các yêu cầu về kĩ năng nghề nghiệp nhưng thiếu thành thực thì khi vào công ty rất có thể người đó sẽ gây nhiều phiền phức!

Thực ra rất khó để biết được một người có thành thực hay không qua một đôi lần tiếp xúc hoặc bằng linh cảm hay bằng giác quan thứ sáu!

Trong quan hệ giữa người với người, duyên phận cũng đóng một vai trò rất quan trọng, người có phúc báo thì trong quá trình tuyển người rất dễ tìm được người tốt, có thể chỉ tiếp xúc qua một lần là có được. Ngược lại, người thiếu phúc báo thường xem nhầm người. Thực ra, việc tuyển người là việc làm rất khó vì chúng ta không có phương pháp chính xác nào để thử xem người đó có thành thật không. Người có phúc báo tự nhiên sẽ hấp dẫn, cuốn hút được những người có năng lực và trung thực.

Rất nhiều trường hợp, công ty phải dành thời gian để đào tạo thêm người mới được tuyển dụng, song không nên bận tâm, lo lắng rằng sau khi được đào tạo và làm việc một thời gian, họ sẽ rời công ty để đi làm nơi khác. Việc bồi dưỡng, đào tạo lại cho nhân viên trước và trong khi làm việc là hết sức cần thiết. Trong quá trình tái đào tạo tự nhiên sẽ có sự đào thải, những người còn lại trong quá trình đào tạo mới đích thực là người hữu dụng cho công ty. Một khi ứng viên đã trúng tuyển vào công ty, người chủ doanh nghiệp không chỉ giúp đỡ họ trong công việc mà còn cần lưu tâm đến những khía cạnh khác của đời sống và cả gia đình họ nữa. Dưới sự quan tâm tận tình chu đáo đó, thì sẽ không có một cấp dưới nào có thể nhẫn tâm rời bỏ doanh nghiệp! Nếu chúng ta chỉ trả mức lương bình thường lại không quan tâm đến đời sống của người lao động thì chúng ta sẽ thật khó biết được người đó sẽ ở lại công ty bao lâu.

Vì thế, vấn đề lương bổng chỉ đóng vai trò thứ yếu, sự quan tâm chân tình mới là sợi dây vô hình níu giữ nhân tài. Chỉ cần cấp dưới cảm nhận được sự quan tâm của bạn thì họ có thể làm việc cho bạn từ những chức vụ nhỏ nhất. Trải qua thời gian cọ xát, thử thách, chúng ta có thể đào tạo được nguồn nhân lực đáng tin cậy nhất, tốt nhất, trung thành nhất cho mình. Một đệ tử năm giới của tôi cũng là một doanh nhân thành đạt, vị đó có quan niệm rằng nhân tài nhất định phải là người đi lên từ những chức vụ cơ sở, là người được đào tạo từ những bước đi căn bản nhất, nhỏ nhất.

Đương nhiên cũng có những hạng người vô ơn, bất luận bạn quan tâm đến họ thế nào, họ cũng vẫn thờ ơ như không, nói đi khỏi công ty là đi, nói thay đổi công việc là thay đổi. Khi gặp trường hợp đó bạn nên xem như là việc nằm trong dự liệu của mình, vì lòng người sâu như biển, người ta thường nói “dò sông dò biển dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người”. Bạn nên xem đây là tình huống không thể tránh được trong công việc, trong cuộc sống.

Tuy nhiên, chúng ta tuyệt đối không được đánh mất lòng tin vào con người, nên giữ tấm lòng nguyên sơ với niềm tin vào sự tốt đẹp của con người để tiếp tục đối đãi bằng tấm lòng yêu thương, quan tâm đến cấp dưới của mình. Xét theo một khía cạnh khác ở đời, cái gì vốn không thuộc về mình thì sớm muộn cũng có ngày nó lìa xa mình, đã thế thì sao chúng ta lại không thoải mái khi có người bỏ ta ra đi? Nhân tài mà chúng ta đào tạo khi đến làm việc ở đơn vị khác, phục vụ cho người khác đâu phải là việc không tốt? Chúng ta có thể xem đó là sự cống hiến trong việc đào tạo nhân tài cho xã hội của bản thân.

HT Thánh Nghiêm