.
.

Những nghịch lý mùa Giáng sinh


Trong những ngày này, không khí vui mừng đón chờ lễ Giáng sinh đang tràn ngập trong các nhà thờ, nhất là những nơi có người tin theo Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên, ngày lễ tâm linh đó đang bị thế tục hóa bởi một lớp người không hiểu biết, họ đang lạm dụng yếu tố tôn giáo hơn là tôn trọng ngày lễ tâm linh của những tín hữu Công giáo.


Với người Công giáo ngày lễ Giáng sinh là ngày lễ quan trọng nhất trong năm, họ xem đây là ngày của gia đình, tạo ra những kỷ niệm chung và duy trì tình cảm giữa mọi người trong một gia đình. Ngày Noel cũng là một thông điệp hòa bình, là ngày người ta chia sẻ với những ai bị bỏ rơi, bị cô đơn, bệnh hoạn, già yếu…

Trong thời đại thông tin phát triển như hiện nay, phải chăng lễ Giáng sinh đang dần mất đi ý nghĩa của nó? Chúng ta cùng tìm hiểu những nghịch lý trong dịp Giáng sinh để thấy rõ sự lạm dụng yếu tố tôn giáo trong các hoạt động đời sống xã hội hiện nay.

Nghịch lý thứ nhất: Không phải tín đồ Công giáo nhưng vẫn đón Noel, nhiều người lầm tưởng đây là lễ hội văn hóa truyền thống

Trong những ngày này nếu đi ngoài đường, đặc biệt là ở các thành phố lớn ở Việt Nam, du khách nước ngoài sẽ ngỡ rằng đa số người dân Việt Nam theo đạo Thiên Chúa, vì cảnh sắc mừng Chúa giáng sinh còn trang hoàng lộng lẫy hơn cả những quốc gia như Philippin nơi có đến hơn 85% dân số theo đạo Thiên Chúa?

Một góc phố Hàng Mã được nhiều bạn trẻ lựa chọn vui chơi dịp lễ Noel lý tưởng. Những cửa hàng đầy màu sắc trong dịp Noel ở đây bán hầu hết các đồ trang trí như quần áo ông già Noel, cây thông, áo, mũ, quả cầu lửa…

Tại các trung tâm thương mại Royal City, Times City, Aeon Mall…được trang trí rất cầu kỳ, bắt mắt trong dịp lễ Noel.
…và tại Công viên nước Hồ Tây được trang trí khung cảnh tráng lệ, lộng lẫy trong đêm Noel

Theo số liệu của Vatican, mười quốc gia có nhiều người Công giáo nhất trên thế giới chiếm hơn một nửa số người Công giáo toàn cầu. Các quốc gia đó là: Brazil (172,2 triệu), Mexico (110,9), Philippines (83,6), Mỹ (72,3), Italy (58,0), Pháp (48,3), Colombia (45,3), Tây Ban Nha (43,3), Cộng hòa Dân chủ Congo (43,2) và Argentina (40,8).

Ở Việt Nam có gần 7 triệu tín hữu công giáo, chiếm khoảng 7,3% dân số cả nước. Thế nhưng vào dịp Noel tại các thành phố lớn như Hà Nội hay Sài Gòn lại được nhiều bạn trẻ hưởng ứng, tạo không khí nhộn nhịp như ngày lễ văn hóa dân tộc, bầu không khí đón mừng lễ Giáng sinh còn được biểu hiện nơi các công ty, nhà hàng, quán ăn, khu vui chơi, đường phố…đâu đâu cũng thấy không khí của của lễ Giáng sinh. Mặc dù trong số đó có người theo Phật giáo, Cao đài, Hồi giáo…và cả những người không tôn giáo.

Nghịch lý thứ hai: Trung Quốc chiếm tỷ lệ rất nhỏ các tín đồ theo chúa Giê-su, ước tính chỉ 2,53% dân số nhưng là quốc gia sản xuất đồ trang trí Noel lớn nhất thế giới.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hầu hết người dân Trung Quốc không có tôn giáo hoặc chủ nghĩa vô thần chiếm 73,56%; Phật giáo 15,87%; tín ngưỡng dân gian vào đạo giáo 7,6%; Kitô giáo 2,53%; Hồi giáo 0,45%.

Thế nhưng, cứ đến mùa Noel một “ngôi làng Giáng sinh” tại thành phố Nghĩa Ô, Trung Quốc, với dân số 1,2 triệu người, nơi đây có khoảng 600 công xưởng và nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm Giáng sinh, chiếm tới 2/3 tổng sản phẩm trang trí cho dịp lễ này trên toàn thế giới. Mặc dù nhiều người dân ở đây không biết rõ về nguồn gốc và ý nghĩa của dịp lễ này.

Những ngày này Nghĩa Ô trở nên nhộn nhịp với tiểu thương từ châu Phi, Trung Đông, Nga, Mỹ…đổ về nơi sản xuất 2/3 số đồ trang trí Giáng sinh của cả thế giới.

Dù Giáng sinh không phải là dịp lễ chính thức tại Trung Quốc nhưng hiện nay, càng nhiều người đặc biệt là giới trẻ quan tâm tới sự kiện này. Điều đó đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều chuyến tàu chở hàng rời bến từ thành phố Nghĩa Ô.

Theo số liệu của hải quan Hàng Châu, riêng từ tháng 9/2016 – 8/2017, tổng doanh thu xuất khẩu các mặt hàng Giáng sinh của thành phố Nghĩa Ô đã đạt 3 tỷ USD.

Nghịch lý thứ ba: Noel là ngày lễ tôn giáo thế nhưng nhiều cửa hàng, doanh nghiệp lại xem đây là dịp để tăng doanh thu hơn là tôn trọng nghi lễ tôn giáo của tín hữu Chúa Giê-su.

Nhiều ông chủ xem đây là dịp để kích thích thị hiếu của người tiêu dùng. Thị trường thời trang, các doanh nghiệp sản xuất quần áo, giày dép, túi xách, phụ kiện v.v…giới thiệu và bán sản phẩm. Rất nhiều cửa hàng, thương hiệu thời trang nổi tiếng và có uy tín như Nem, Zen, Alcado, Canifa, Made in Vietnam…đều quảng cáo giảm giá từ 25% đến 50%, thậm chí giảm đồng loạt áp dụng với mọi sản phẩm.

Nếu bạn sống ở tại các thành phố lớn, chỉ cần chịu khó quan sát bạn rất dễ dàng bắt gặp những hình ảnh Giáng sinh tràn lan khắp nơi, và trên các trang web thương mại điện tử thì họ xem đây cũng là cơ hội để làm ăn buôn bán, dịp thuận tiện để mua sắm.

Giáng sinh là dịp để các nhà kinh doanh “kích cầu” hơn là yếu tố tôn giáo

Nói chung điểm tích cực trong xã hội về việc mừng lễ Giáng sinh thì ít mà thực chất là dịp để những nhà kinh doanh dùng như là “chiêu lạ” nhằm moi tiền của những người thích ăn chơi, ham lạ. Đây là một thực trạng thật của một số người dân hiện nay khi mùa Giáng sinh về.

Giáng Sinh là dịp mừng Thiên Chúa trong không khí trang nghiêm, sùng kính, hay chỉ là dịp ăn chơi, tiêu dùng, và mua sắm?


Nghịch lý thứ tư: Trường học, bệnh viện trở thành nơi mừng Chúa Giáng Sinh

Bộ Giáo dục & Đào tạo có Quy định về việc cấm truyền đạo, rao giảng các yếu tố tôn giáo tại các trường học. Tuy nhiên, không hiểu vì sao các trường mầm non, trường tiểu học, và các cấp học của Ngành Giáo dục lại nhiệt tình tổ chức lễ Noel và treo khẩu hiệu “Merry Christmas” nghĩa là mừng Chúa Giáng sinh.

Một trường mầm non tổ chức Noel

Merry Christmas tại trường THCS Thanh Liệt

Qua tìm hiểu thông tin, được biết ở Mỹ và các nước Phương Tây, ít ai treo câu hiệu Merry Christmas như vậy tại trường học, bệnh viện, hoặc các nơi công cộng. Vì sao? Vì khi treo một câu hiệu mang tính tôn giáo như vậy sẽ rất dễ bị cộng đồng tôn giáo khác, hoặc những người vô thần khởi kiện; trừ những nơi công cộng mà ở đó có đến 100% người theo đạo Thiên Chúa thì việc treo các khẩu hiệu như vậy là “có thể”.

Cung điện thiên thần nguy nga, tráng lệ tại Vincom Mega Mall Royal City.

Ở các nước phương Tây bên cạnh cây thông và các cách trang trí phù hợp cho mùa lạnh là các câu chúc quen thuộc như “Season’s Greetings; Happy Holidays” thì ở Việt Nam ta lại chúc “Mừng Chúa Giáng Sinh” của riêng người theo đạo Thiên chúa ở mọi lúc, mọi nơi kể cả những nơi như Trường học, Bệnh viện, các điểm vui chơi công cộng, và tại các khu chung cư…mà tôi có thể đảm bảo chắc có những khu chung cư không có đến một người nào theo đạo Thiên Chúa vẫn vô tư treo “Mừng Chúa Giáng Sinh”.

Nghịch lý thứ năm: Nhiều nơi trang trí Noel, treo khẩu hiệu “Merry Christmas” trang hoàng, lộng lẫy mà không hiểu rằng đang xúc phạm niềm tin của người theo đức Chúa Giê-su.

Trong những ngày này, bạn dễ bắt gặp câu như “Merry Christmas” được các ông chủ trang trí rất lộng lẫy, tuy nhiên họ không hiểu rằng họ đang xúc phạm niềm tin của người theo đạo Thiên Chúa giáo.

Merry Christmas – được trang trí trong một quán cafe ở Hà Nội

Cho dễ hình dung, chúng ta tưởng tượng, ví như khi chúng ta thờ tổ tiên chúng ta ở nơi trang trọng theo truyền thống văn hóa Việt Nam là “Bàn thờ gia tiên ở gia đình”, nhưng bỗng một ngày nào đó, do các lý do về thương mại, kích cầu tiêu dùng, sự trang trọng mà ta từng thờ kính lại được treo khắp nơi thành những câu vô bổ và mất đi tính thiêng liêng, liệu chúng ta có vui mừng không?

Nói vậy để bạn hiểu tâm trạng của tín đồ theo đạo Thiên Chúa, họ không thể vui mừng khi niềm tin của họ đã bị hiểu sai lạc đến mức rất “thế tục”.

Ngay cả khu vui chơi cũng dễ bắt gặp câu “Merry Christmas”

Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam trong bài viết “Lễ hội thánh nhân và lễ hội ma quỷ”, Gm.Phêrô Nguyễn Văn Khảm viết: “Nhắc lại nguồn gốc ngày lễ như thế để thấy rõ hơn xu hướng tục hóa trong thời hiện đại, tước đoạt nội dung tôn giáo và thay vào đó bằng nội dung phản tôn giáo.”

Nghịch lý thứ sáu: Giáng sinh là ngày lễ của tôn giáo không phải dịp để vui chơi, hưởng thụ, khoe khoang sự giàu có

Cây thông thật được nhập trực tiếp từ Đan Mạch, có chiều cao từ 1,2m đến 4,5m, giá dao động từ 1,6 triệu đến hơn 22 triệu đồng/cây.

Những món đồ trang trí nhỏ xinh với mức giá từ vài trăm cho tới cả triệu đồng vẫn được nhiều khách hàng “lùng mua”.Ảnh: K.O

Hồng Y Rodríguez kêu gọi “Tránh lãng phí và sống với những nhu cầu cơ bản nhất là vào dịp Đại lễ Giáng sinh, khi rất nhiều người phung phí tiền ngay cả với những thứ không cần thiết.”

Một người dân sống ở Sài Gòn cho hay “Ở Sài Gòn người ta tổ chức rất tưng bừng, nhưng cái đó chỉ dành cho một số người nào thôi, người ta chưa quen với sự chia sẻ cho người khác. Tôi thấy Noel là dịp cho người ta ăn chơi, khoe khoang sự giàu có của mình. Người ta tổ chức khung cảnh quá lớn, đồ sộ còn hơn là ở Hongkong, cái đó thì chỉ dành cho một số nào thôi, còn người nghèo chỉ đi coi và coi về thì cái bụng vẫn đói meo.”

Trong bản tin của Tổng Giáo phận Thiên Chúa giáo Colombo cho biết, lễ Giáng sinh đã trở thành “thương mại hóa” và bị “bóp méo bởi ông già Noel”.

Lê Tâm (Tổng hợp)