.
.

Khai mạc hội thảo về cụ Nguyễn Sinh Sắc và Phật giáo


bduong01.jpg
Toàn cảnh khai mạc hội thảo “Tiểu sử, thân thế và 
sự nghiệp cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc” – Ảnh: Bảo Thiên

HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS; HT.Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS kiêm Trưởng ban Tăng sự T.Ư cùng chư tôn giáo phẩm HĐTS quang lâm chứng minh và chủ tọa hội thảo.

Ông Trần Tấn Hùng, Phó ban Tôn giáo Chính phủ; ông Phạm Văn Cành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương, đại diện các cơ quan trung ương cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban ngành tỉnh Bình Dương, chư tôn đức Tăng Ni toàn tỉnh, các nhà nghiên cứu thuộc GHPGVN tỉnh Bình Dương, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam,  Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Nghệ An, tỉnh Đồng Tháp, Ban Quản lý Khu lưu niệm Nguyễn Sinh Sắc – Đồng Tháp, Trường Đại học KHXN&NV TP.HCM, Viện KHXH vùng Nam bộ, Trường Đại học Thủ Dầu Một, Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh TP.HCM đã tham sự Hội thảo.

bduong06.jpg
TT.Thích Huệ Thông phát biểu khai mạc và đề dẫn – Ảnh: Bảo Thiên

Sau phần nghi thức, phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, TT.Thích Huệ Thông, UV  HĐTS, Phó Văn phòng 2 T.Ư, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương, trụ trì chùa Hội Khánh (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương), nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc đã từng có thời gian dài sống và làm việc lúc sinh thời cho biết bối cảnh xã hội đất nước ta từ thế kỷ 19 trở đi, trước sự xâm lược của thực dân Pháp, toàn dân tộc đã nhất tề đứng lên, chung sức đồng lòng tham gia kháng chiến.

Hòa vào không khí sôi sục đấu tranh của các phong trào chung thời bấy giờ, tại Thủ Dầu Một, Hội Lục Hòa Liên Xã do Hòa thượng Từ Văn thành lập vào thập niên 20. Và, Hội Danh Dự Yêu Nước do Hòa thượng Từ Văn cùng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, cụ Tú Cúc Phan Đình Viện lập vào năm 1923 đã thổi một luồng sinh khí mới trong việc định hướng cho các phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân Thủ Dầu Một thời bấy giờ.

“Việc cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tham gia sáng lập Hội Danh Dự Yêu Nước và trực tiếp dấn thân vào các hoạt động cứu quốc tại địa phương trong suốt thời gian dài, từ năm 1923 đến năm 1926, đã để lại biết bao tình cảm cho người dân đất Thủ và nó trở thành niềm vinh dự, tự hào của người dân đất Thủ cũng như Phật giáo Bình Dương qua nhiều thế hệ”, TT.Thích Huệ Thông nhấn mạnh.

Phát biểu đề dẫn cũng khẳng định, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc còn rất uyên thâm Phật học, tinh thông thiền lý, từng trao đổi hàn huyên Phật học với các bậc cao tăng nổi tiếng, giúp các nhà sư dịch và chú giải kinh Phật.

Với tình cảm đặc biệt dành cho Phật giáo, cụ Sắc đã từng gợi ý với Hòa thượng Khánh Hòa về việc thành lập tổ chức Phật giáo. Từ đó, Hội Lục Hòa Liên Hiệp đã ra đời vào năm Canh Thân (1920) nhằm tạo sự đoàn kết trong hàng ngũ Tăng sĩ và làm nền móng cho công cuộc chấn hưng Phật giáo sau này.

Theo Thượng tọa, hội thảo khoa học chuyên đề về thân thế và sự nghiệp của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nhân kỷ niệm 86 năm ngày giỗ của cụ tại tổ đình Hội Khánh lần này là một hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc cho thế hệ mai sau; thể hiện tấm lòng tôn kính, biết ơn của nhân dân Thủ Dầu Một và Phật giáo tỉnh Bình Dương đối với công lao to lớn, đạo đức và nhân cách cao đẹp của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và trong công cuộc chấn hưng Phật giáo.

Dịp này, vị đứng đầu Phật giáo tỉnh Bình Dương đã thể hiện sự tri ân sâu sắc đến khách quý và đại biểu dành thời gian tham gia hội thảo nhằm củng cố, khẳng định vai trò cũng như vị trí quan trọng của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đối với lịch sử dân tộc nói chung và lịch sử Phật giáo nói riêng.  

bduong03.jpg
Đoàn chủ tọa hội thảo – Ảnh: Bảo Thiên

bduong04.jpg

bduong05.jpg
Các nhà khoa học, các nhà quản lý và lão thành cách mạng dự hội thảo – Ảnh: Bảo Thiên

Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Phạm Văn Cành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương đánh giá cao Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Dương và BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương đã có sáng kiến tổ chức hội thảo. Ông tin tưởng các nhà nghiên cứu và học giả sẽ có dịp tiếp cận sâu hơn các khía cạnh lịch sử, Phật giáo liên quan đến cuộc đời của cụ Nguyễn Sinh Sắc thông qua hội thảo.

Nhiều lẵng hoa của các cấp Giáo hội, các cơ quan ban ngành đã được gởi đến chúc mừng hội thảo. Ngay sau đó, hội thảo đi vào phần nội dung.

bduong07.jpg
Ông Phạm Văn Cành phát biểu – Ảnh: Bảo Thiên

bduong08.jpg
Phật tử tỉnh Bình Dương dâng hoa cúng dường – Ảnh: Bảo Thiên

bduong10.jpg
HT.Thích Thiện Nhơn tặng hoa chúc mừng – Ảnh: Bảo Thiên

bduong02.jpg 
Đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Dương tặng hoa chúc mừng – Ảnh: Bảo Thiên

Tin, ảnh Bảo Thiên