.
.

Mặt Trăng Và Mặt Trời,Cái Nào Quan Trọng Hơn?


Một ngày nọ, chàng trai mang theo tâm trạng băn khoăn tới hỏi vị lão tiên sinh rằng, giữa mặt trăng và mặt trời thì cái nào quan trọng hơn.

Lão tiên sinh sau một hồi suy nghĩ đã trả lời chàng trai: “Là mặt trăng, mặt trăng quan trọng hơn”.

Chàng trai băn khoăn không hiểu, sau đó lão tiên sinh đã giải thích cho anh: “Bởi vì mặt trăng chiếu sáng vào ban đêm, đó là thời điểm chúng ta cần ánh sáng nhất. Còn mặt trời lại chiếu sáng vào ban ngày, mà ban ngày thì chúng ta đã có đủ ánh sáng rồi”. 

Câu trả lời của lão tiên sinh hẳn khiến chúng ta bật cười, bởi vì chẳng phải ban ngày sở dĩ có đủ ánh sáng là do mặt trời chiếu sáng hay sao? Tuy nhiên, chúng ta có thể không nhận ra rằng, đã có lúc mình hồ đồ và nhầm lẫn như vậy.

Một cô gái vì không được phép ra ngoài cùng bạn bè vào buổi tối đã tranh cãi với mẹ. Hiếu thắng và bồng bột, cô bé đã không thể kiểm soát được những suy nghĩ và tình cảm của bản thân, trở nên tức giận tới mức đạp cửa chạy ra ngoài và hứa sẽ không bao giờ trở về ngôi nhà chán ghét này nữa. Cô bé quyết tâm ra đi để tìm bầu trời tự do cho mình.

Cô bé đi lang thang cả ngày ở bên ngoài và không nhận ra mình đã đi quá xa cho tới khi bụng đói cồn cào. Không có tiền cũng chẳng muốn trở về nhà, cô bé đứng mãi bên ngoài một quán mỳ và nhìn vào trong. Những sợi mỳ vàng óng và mùi thơm béo ngậy hấp dẫn cô bé và cơn đói càng lúc càng cồn cào hơn.

Thấy cô bé mệt mỏi, phờ phạc, ông chủ quán mỳ đi tới và ân cần hỏi han: “Cháu gái, cháu có muốn ăn mỳ không?”. Cô bé ngượng ngùng trả lời: “Cháu có thưa bác, nhưng cháu không có tiền”.

Bật cười trước câu trả lời thành thật và hồn nhiên của cô bé, ông chủ dắt cô bé vào trong quán, hiền từ nói: “Không sao, hôm nay coi như bác mời cháu”. 

Cô bé quả thực không thể tin vào tai mình, niềm hạnh phúc đến với cô quá bất ngờ. Ngồi trước bát mỳ nóng hổi, cô bé cảm kích và xúc động: “Cháu cảm ơn bác. Bác là người tốt bụng nhất mà cháu từng gặp”.

Ông chủ quán mỳ ngạc nhiên hỏi lại: “Tại sao cháu lại nói vậy?”. 

Cô bé nhanh nhảu trả lời: “Cháu và bác vốn không quen biết nhau, nhưng bác lại sẵn sàng mời cháu một bát mỳ, đối xử với cháu tốt như vậy. Không giống như mẹ cháu, hoàn toàn không hiểu những mong muốn và suy nghĩ của cháu, có khi còn cấm cháu làm những việc mình muốn. Cháu thật không thể chịu đựng được mẹ nữa”. 

Ông chủ quán lại bật cười, có lẽ ông đã quá quen với những lời phàn nàn như thế này từ những cô bé, cậu bé. Nhìn cô bé đang gắp từng sợi mỳ với tấm lòng cảm kích sâu sắc, ông giải thích:

“Cháu thấy không, bác chẳng qua mới chỉ mời cháu một bát mỳ mà cháu đã cảm kích như vậy rồi. Thế mà mẹ của cháu đã nấu cơm cho cháu suốt hai mươi mấy năm, chẳng phải cháu càng nên cảm kích sự hi sinh ấy của mẹ hay sao?”. 

Những lời nói của ông chủ quán làm cô gái bừng tỉnh và rơi nước mắt. Bây giờ cô mới nhận ra điều ông chủ nói là sự thật, là chân lý. Cô bé cảm ơn người chủ quán vì những lời nói chân thành đã thay đổi nhận thức sai lầm và hời hợt của bản thân mình, rồi vội vàng chạy thật nhanh về nhà.

Về tới đầu con phố, cô đã thấy bóng mẹ xa xa đang lo lắng và ngóng đợi. Trái tim cô thắt lại và cô gái chạy thật nhanh đến bên mẹ, vừa chạy vừa gọi lớn “Mẹ ơi!”. 

Mẹ giật mình quay về phía cô gái, dòng nước mắt lăn dài như trút bỏ tất cả những giờ phút thấp thỏm, lo âu và căng thẳng chờ đợi. Mẹ nắm chặt tay cô và nói: “Con đã đi đâu cả ngày hôm nay vậy? Mẹ đã tìm con mãi. Mau vào nhà ăn tối và nghỉ ngơi đi”. 

Buổi tối hôm đó, cô gái đã thực sự thấu hiểu tình yêu thương sâu sắc của mẹ. Trong trái tim mẹ bao năm tháng qua, cô luôn chiếm vị trí quan trọng nhất. Niềm vui lớn nhất của mẹ là cô, hi vọng lớn nhất của mẹ là cô, vướng bận lớn nhất của mẹ cũng là cô.

Cô gái nhận ra trên mỗi bước đường cô đi luôn có cha mẹ và người thân luôn ở bên, vì cô mà hi sinh, mà đánh đổi, nhưng cô lại cho đó là một việc đương nhiên, một chuyện tất yếu.

Đôi lúc cô còn hiểu lầm tình thương và tấm lòng của họ thành những điều phiền toái. Sự cảm ơn và lòng cảm kích của cô thường dành cho những người ngoài, người xa lạ khi họ tình cờ giúp đỡ, tình cờ cưu mang cô khi gặp khó khăn.

Chúng ta chẳng phải cũng đã từng như thế, đã từng hồ đồ “cảm kích ánh trăng mà phủ nhận mặt trời” hay sao? Khi đã quen với sự hiện diện của mặt trời, mọi người thường quên mất rằng nó vẫn luôn luôn đem lại ánh sáng, hơn nữa lại là nguồn chiếu sáng chính của con người.

Khi đã quá quen với sự chăm sóc, hiện diện của người thân, chúng ta sẽ thường quên họ đã cho ta no đủ, hạnh phúc, ấm áp, sum vầy như thế nào.

Chúng ta đều là nhờ những mối quan hệ và sự tương trợ lẫn nhau để sinh tồn, phát triển. Bởi vậy, con người sống trên đời phải biết cảm ơn bậc cha mẹ đã sinh thành, dưỡng dục mình, biết ơn thầy cô nhà trường đã dạy dỗ, biết ơn anh em bè bạn đùm bọc nâng đỡ, biết ơn tạo hóa và duyên phận đã mang đến cuộc sống của chúng ta sự phong phú và phồn thịnh.

Quả thực, biết ơn là một loại mỹ đức. Người xưa thường dùng chữ “Ân” và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác để truyền tải những thông điệp sâu sắc về đạo làm người, về ý nghĩa của sinh mệnh con người. Trong văn hóa cổ xưa luôn có khái niệm “Ân giả, nhân dã”, “Ân giả, huệ dã” (Người biết ơn là người nhân, Người biết ơn là người có trí huệ).

Các bậc tiền bối xưa cũng thường giáo dục con cháu mình “Ân dục báo, oán dục vọng, báo oán đoản, báo ân trường” (Ân nhớ báo, oán nhớ quên, báo oán thì nhanh, báo ân thì dài). Người trí thức trong xã hội hiện đại cũng có giảng:

Hãy cảm ơn người đã làm bạn tổn thương bởi vì họ đã tôi luyện ý chỉ của bạn. Hãy cảm ơn người đã dối lừa bạn, bởi vì họ đã làm phong phú thêm kinh nghiệm của bạn. Hãy cảm ơn người đã coi thường bạn, bởi vì họ đã làm thức tỉnh lòng tự tôn của bạn”.

Kỳ thực, biết ơn không chỉ là khi ta nhận được sự giúp đỡ của người khác, biết ơn còn thể hiện nhận thức, thể hiện trí huệ của ta ngay cả khi vấp phải sự bất công. Bởi vì mỗi người, mỗi sự việc xuất hiện trong đời ta không phải là một sự tồn tại ngẫu nhiên, nếu có thì cũng là cái ngẫu nhiên trong tất yếu.

Nếu ta hiểu được những nguyên nhân sâu xa đằng sau mỗi sự bất công mình gặp phải, ta sẽ biết ơn tất cả những trái ngược, gian nan mình đã va vấp trên đường đời, sẽ biết ơn những “tảng đá cơ hội” đã giúp ta giải quyết những vấn đề vô hình mà ta không nhìn thấy, không tiếp xúc được.

Điều đó cũng có nghĩa khi người khác có ân với mình thì phải khắc cốt ghi tâm, mong ngày báo đáp. Khi người khác có oán với mình thì phải buông bỏ thật nhanh, quên đi những khuyết điểm và nghĩ nhiều hơn tới ơn nghĩa của họ.

Lòng biết ơn là một cảm xúc từ tận đáy lòng. Biết ơn sẽ giúp chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn, là khởi nguồn của hạnh phúc và ngọn nguồn của sự tiến bộ. Cũng nhờ lòng biết ơn mà chúng ta trân quý những mối quan hệ tiền duyên và những phúc phận.

Trong tâm luôn ôm giữ tấm lòng biết ơn, người ấy sẽ không ngừng mở rộng, không ngừng buông bỏ ân oán xưa kia, không ngừng tích đức hành thiện, không ngừng mang lại lợi ích cho bản thân và cho nhiều người khác. Lòng biết ơn sẽ khởi nguồn cho nhiều điều tốt đẹp khác trong đời.

Để có một tấm lòng biết ơn, chúng ta cần phải để tâm quan sát, dụng tâm cảm ngộ, càng cần chúng ta phải biết yêu thương. Cỏ cây sinh trưởng phát triển mạnh mẽ là để báo đáp ân huệ của mặt trời mùa xuân, chim chóc liều mình kiếm ăn là để báo đáp ân huệ được nuôi nấng, cây mạ phát triển khỏe mạnh là để báo đáp ân huệ của dòng nước mát.

Con cái cố gắng học tập là để báo đáp công ơn sinh thành và dạy dỗ của cha mẹ. Con người sống lương thiện, biết yêu thương để cảm ơn cuộc đời đã ban tặng cho ta ánh mặt trời rực rỡ, ban tặng cho ta những thiện duyên tốt lành.

Mây cuốn mây bay, hoa nở hoa tàn đều đáng để chúng ta quý trọng. Cảm ơn mặt trăng, chúng ta lại càng cần phải cảm ơn mặt trời!

Lý Minh (Dịch từ weixin)