.
.

Anh: Rowan Williams Và 200 Lãnh Đạo Tôn Giáo Kêu Gọi Thay Đổi Chính Sách Người Tị Nạn


Hơn 200 lãnh đạo của các cộng đồng tôn giáo đã kí một bức thư ngỏ đến tân thủ tướng Anh Theresa May kêu gọi những thay đổi khẩn cấp đối với chính sách tị nạn của chính phủ, đặc biệt là cho phép các gia đình tị nạn được đoàn tụ.

Lãnh đạo các tôn giáo đã kí vào bức thư do Rowan Williams, cựu tổng giám mục Canterbury, khởi xướng. Ông sẽ có một bài phát biểu vào thứ hai tới, ngày 19/9/2016, trước toàn thể lãnh đạo các tôn giáo và đại diện người tị nạn để nhắc lại yêu cầu của bức thư.

 

32-h01

Rowan Williams, cựu tổng giám mục Canterbury, sẽ có một bài phát biểu vào thứ hai tới, ngày 19/9/2016, để nhắc lại những yêu cầu của bức thư. (Ảnh: Jonathan Brady/PA)

Elizabeth Butler-Sloss, một cựu nhân vật cấp cao, cũng đã thêm tên mình vào bức thư đã được kí bởi những lãnh đạo và các đại diện của các cộng đồng Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, Hindu giáo, đạo Sikh và Phật giáo.

“Là những người có đức tin, chúng tôi kêu gọi chính phủ phải khẩn trương rà soát chính sách của mình đối với những người tị nạn”, bức thư có đoạn nói.

“Điều tốt nhất của đất nước này được biểu hiện bởi sự rộng lượng, nhân ái, đoàn kết và đứng đắn mà Anh quốc đã từng ít nhiều thể hiện trong những cuộc bức hại tị nạn, thậm chí ngay cả trong những thời điểm còn thiếu thốn hơn, khó khăn hơn nhiều lần tình cảnh ngày nay. Chúng tôi vui mừng với bức tranh về các tín ngưỡng khác nhau cũng như cộng đồng Anh quốc hiện nay mà chúng tôi đại diện”.

Bức thư nói thêm: “Khi đối mặt với thảm họa của con người, chúng ta phải có những bước đi nhanh chóng và hữu hiệu mà chính phủ có thể thực hiện để cung cấp nơi cư trú cho nhiều người tị nạn hơn. Chúng tôi kêu gọi chính phủ xây dựng những tuyến đường an toàn và hợp pháp cho sự di chuyển tị nạn, chẳng hạn như áp dụng các chính sách đoàn tụ gia đình đúng đắn và nhân văn dành cho những người tị nạn”.

Theo Williams, “quy mô tuyệt đối của cuộc khủng hoảng tị nạn có khả năng làm tê liệt chúng ta”. Cho phép thân nhân của những người tị nạn ở Anh tham gia vào chính sách sẽ đem lại “một con đường thực tế để ứng phó với những áp lực của đau khổ của con người như chúng ta chứng kiến”, Williams phát biểu với The Guardian.

“Những người được thừa nhận là thành viên gia đình người tị nạn được đảm bảo một mạng lưới tạo sẵn, một hệ thống hỗ trợ con người ở đây – vì vậy chúng ta không đề cập về tình trạng tràn vào của những người không gốc gác hay những cá nhân xa lạ, những người dễ rơi vào nguy hiểm vì bị bóc lột và thao túng”, ông phát biểu.

32-h02

Qari Muhammad Asim, lãnh tụ Hồi giáo của nhà thờ Hồi giáo Makkah ở Leeds, phát biểu: “Nhiều mạng sống có thể được giải cứu”. (Ảnh: Christopher Thomond)

“Một trong những bi kịch lớn nhất của tình trạng khủng khiếp hiện nay đó là sự ly tán của đời sống gia đình như một hệ quả của tình trạng di dời và bất an”.

Những kêu gọi đã hướng đến chính phủ để thực hiện nhiều điều hơn nữa nhằm đưa trẻ em tị nạn không có người hộ tống ở Calais (một thị trấn và cảng biển ở miền bắc nước Pháp – ND) đến Anh. Khoảng 220 đứa trẻ đã được xác định có quyền hợp pháp để đoàn tụ với gia đình, nhưng chỉ có 50 trong số ấy được phép nhập cảnh vào nước Anh.

Một chiến dịch của những người thụ hưởng Kindertransport, chương trình giải cứu hàng ngàn trẻ em Do Thái khỏi Đức Quốc xã, đã quyên góp được hơn 50.000 bảng Anh (khoảng 1.4 tỉ VNĐ) trong vòng một tuần để giúp đỡ chi trả chi phí và hỗ trợ trẻ em ở Calais.

Tuần trước, Justin Welby, tổng giám mục Canterbury, đã đưa vấn đề trẻ em không người hộ tống ở Calais lên Thượng viện. Nhằm vào bộ trưởng Văn phòng Nhà ở Susan Williams, ông nói: “Có phải ngài bộ trưởng không đồng ý rằng nơi mà trẻ em – đặc biệt là những em rất nhỏ – có gia đình ở đất nước này đều không có lý gì để chúng không được đưa đến đây?”

Một trong những người ký tên vào bức thư liên tôn giáo, Rabbi Herschel Gluck, chia sẻ: “Là một đứa con trai của những người tị nạn khỏi Hitler, người đã mất hơn 100 thành viên trong gia đình bởi những thiếu vắng của lòng từ bi và tầm nhìn liên quan đến đoàn tụ gia đình của các nhà chức trách thời kì bấy giờ, tôi nghĩ thực sự bắt buộc phải giúp đỡ người tị nạn để đảm bảo rằng chúng ta không lặp lại những sai lầm như trước nữa”.

Các chính sách hiện tại đã thất bại trong vấn đề trẻ em không người hộ tống ở Cailais, Peter Hill, giám mục Barking, phát biểu. “Hệ thống đã vụn vỡ… Với tỉ lệ đoàn tụ hiện tại, sẽ mất khoảng 1 năm trước khi trẻ em ở Calais được đoàn tụ với gia đình của mình. Điều này buộc trẻ em phải chấp nhận những rủi ro với đôi tay trên những đường ray xe lửa, quăng mình trong thùng xe tải hay đặt bản thân vào tay những kẻ buôn người vô nhân đạo. Làm sao mà một đất nước văn minh lại có thể cho phép điều này tiếp tục?”

Bức thư liên tôn giáo xuất hiện sau những sáng kiến tương tự của 350 thẩm phán và luật sư, những người đã viết cho thủ tướng David Cameron, cuối tháng 10 năm ngoái; 120 nhà kinh tế cấp cao hồi tháng 1 năm nay; và 27 tổ chức nhân đạo và tị nạn cũng vào tháng 1 năm nay.

Dân Nguyễn

(Dịch từ The Guardian)

Theo Pháp bảo