.
.

Anh: Kỷ Niệm 100 Năm Ra Mắt Chuyên Luận Hindu Giáo Và Phật Giáo Của Max Weber


Hindu giáo và Phật giáo là chuyên luận thứ hai của Max Weber (sau Khổng giáo và Đạo giáo) – công trình nghiên cứu đạo đức kinh tế của các tôn giáo thế giới. Đầu tháng 9 năm nay, Đại học Nghiên cứu Châu Phi và Phương đông (SOAS), London, nhân kỷ niệm 100 năm ra mắt chuyên luận Hindu giáo và Phật giáo, đã tổ chức một hội thảo quan trọng kéo dài 3 ngày để phản ánh những ảnh hưởng của kinh điển xã hội học này.

42-h01

Max Weber. (Nguồn: soas.ac.uk)

Hindu giáo và Phật giáo cho thấy mối quan tâm của Weber đối với tôn giáo và đạo đức khu vực Nam Á cũng như sự khuếch tán của nó trong khu vực này. Weber không có điều kiện thấy được những nguồn học thuật phong phú của ngày hôm nay để chỉ ra tương quan giữa tôn giáo với dòng chảy xã hội, chính trị và kinh tế nhưng cách xử lý một lượng lớn các vấn đề của ông vẫn còn nguyên tính cổ điển, mẫu mực cũng như vẫn còn tính thời sự cho đến tận ngày nay.

Hội thảo của SOAS phối hợp tổ chức với Viện lịch sử Đức tại London, Trung tâm Nehru London, Viện nghiên cứu Max Weber, Max Weber Kolleg Erfurt và Hiệp hội Xã hội học Anh.

Các diễn giả của hội thảo gồm có: Romila Thapar, Đại học Jawaharlal Nehru; Stephen Kalberg, Đại học Boston; Andreas Buss, Đại học Ottawa; Hermann Kulke, Đại học Kiel; Wolfgang Schluchter, Đại học Heidelberg; Richard Gombrich, Đại học Oxford; Peter Flügel, SOAS; Susantha Goonatilake, Viện Xã hội Châu Á Hoàng gia; Sam Whister, Viện nghiên cứu Max Weber; Meghnad Jagdishchandra Desai, House of Lords; Helwig Schmidt-Glintzer, Lichtenberg-Kolleg; David Gellner, Đại học Oxford; Hans G. Kippenberg, Đại học Jacob; Laura R. Ford, Đại học Bard và Martin Fuchs, Max Weber Kolleg.

Cách tiếp cận liên ngành của SOAS cung cấp một môi trường nghiên cứu và học tập độc đáo, đem đến một phương pháp liên văn hóa thực sự đối với các hệ thống tín ngưỡng và tư tưởng ở Châu Phi, Châu Á và Trung Đông.

Viện Tôn giáo và Triết học tại SOAS cung cấp các khóa học thạc sĩ trong lĩnh vực Nghiên cứu Phật giáo; cử nhân tôn giáo trong lĩnh vực Chính trị học toàn cầu; cử nhân tôn giáo Châu Á và Châu Phi, cử nhân Yoga và Thiền định.

Chương trình cử nhân Nghiên cứu Phật giáo được thiết kế cho các sinh viên quan tâm đến việc mở rộng kiến thức về Phật giáo – tổng thể hoặc một phần cụ thể – cũng dành cho những người muốn nghiên cứu thực địa dựa trên ngôn ngữ trong các cộng đồng Phật giáo. Khóa học cũng thu hút những sinh viên từ các quốc gia có truyền thống Phật giáo mong muốn nâng cao tri thức của mình về Phật giáo với tư cách là một tôn giáo toàn cầu.

Tại SOAS, mọi người có thể nghiên cứu các truyền thống tôn giáo và triết học rộng rãi hơn, sâu sắc hơn.

Dân Nguyễn

(Dịch từ Asian Correspondent)

Theo Pháp bảo