.
.

Hiểu về thân, thọ, tâm, pháp


Sau khi thành đạo, đức Thế Tôn đã vận dụng phương tiện để dẫn dắt chúng sinh đến với con đường giác ngộ theo từng cấp độ tùy thuận. Bốn đề mục quán niệm: thân, thọ, tâm, pháp là một trong những phương pháp tu tập được Thế Tôn thuyết giảng đầu tiên.

Giáo lý đức Phật thuyết giảng tuy bao la từ nhân sinh đến vũ trụ, nhưng tựu trung vẫn xoay quanh vấn đề con người. Lấy con người làm đối tượng quán chiếu để thấy được vũ trụ vạn hữu, pháp môn Bốn đề mục quán niệm giúp ta nhận diện được sự thật của tự thân, tha nhân và xã hội. Đó cũng chính là ý nghĩa cao cả mà đức Phật nhắm đến khi muốn giác ngộ chúng sinh.

Quán niệm về thân có nghĩa là thực hành thiền định về thân. Thực hành phép quán niệm này để ý thức được sự bình yên, thanh thản trong cuộc sống hiện tại, để thực hành nếp sống oai nghi và để thấy được mặt trái của thân này.

Quán thân qua hơi thở. Đây là hình thức quán sổ tức. Tuy nhiên, quán thân thông qua hơi thở không chỉ có đếm hơi thở mà còn phải theo dõi hơi thở vào ra, hơi thở dài ngắn như thế nào và biết rõ như vậy. Đây là cách thực tập chánh niệm trong từng hơi thở và bởi vì hơi thở là mạng sống của con người, cho nên thực tập phương pháp này là ta đã ý thức được chánh niệm trong suốt cuộc sống của mình.

Quán thân thông qua các cử chỉ hoạt động. Đây là hình thức quán thân thông qua đi, đứng, ngồi, nằm, các hoạt động của toàn thân, nhằm kiểm soát hoạt động của toàn thân bằng chánh niệm. Đức Phật khuyến cáo người Phật tử phải ý thức trong từng hoạt động dù là nhỏ nhặt nhất. Biết như vậy để cảm nhận hành động được trọn vẹn trong giây phút hiện tại. Sống như vậy là sống trong chánh niệm, tỉnh thức và trong an lạc.

Quán thân bất tịnh thông qua các bộ phận sai biệt cấu tạo thành. Bình thường ta ít khi để ý đến thân thể của mình một cách chi tiết. Ta chỉ quan tâm nó về những nhu cầu như ăn uống, ngủ nghỉ,… làm thế nào cho nó có sức khỏe, cho thân hình cân đối đẹp đẽ. Ta tự hào và trân quý thân ta, vì dưới con mắt mọi người ta có một thân thể đẹp đẽ, nhan sắc,… Thế nhưng dù đẹp hay xấu, thân này vẫn là bất tịnh, là duyên sinh, vô thường, vô ngã. Trong quan điểm truyền thống của Phật giáo, thân con người là do tứ đại hợp thành, tức bốn yếu tố: đất, nước, gió, lửa, hay còn gọi là bốn giới: địa giới là chất rắn (xương, thịt), thủy giới là chất lỏng (máu, mủ…), hỏa giới là sức nóng (nhiệt độ), phong giới là sức động (hơi thở, mạch nhảy…).

Trong kinh Niệm xứ (Trung Bộ I) đức Phật đã dạy phương pháp quán sát thân tứ đại như sau: quán từ lòng bàn chân lên đến đỉnh tóc được bọc bởi lớp da và chứa đầy những thứ sai biệt bất tịnh. Không những thế, thân này còn bất tịnh ngay khi nằm trong bụng mẹ, hấp thụ huyết khí mà sống. Sự bất tịnh và tính giả hợp của thân này càng được biểu lộ rõ hơn khi ta quán một thi thể quăng ngoài nghĩa địa. Bước thứ nhất là quán thi thể trương phồng lên, thối rữa ra. Bước thứ hai quán thi thể ấy bị các loài chim và côn trùng ăn thịt. Bước thứ ba quán thi thể ấy chỉ còn lại bộ xương kết dính với nhau nhờ vào các sợi gân. Bước thứ tư là quán thi thể ấy chỉ còn lại các xương trắng rời rạc, theo thời gian hoại thành bột trắng. Trong khi quán niệm như vậy, người Phật tử biết rõ rằng: “Thân này tính chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh ấy”. Đấy là lời khẳng định chắc thật của Thế Tôn. Thân này chịu sự chi phối của sanh, già, bệnh, chết. Thời gian trôi qua thì mạng sống cũng giảm dần. Một thân thể mà ta yêu chuộng ngày nào giờ đây chỉ còn lại đống tro tàn nguội lạnh. Xấu, đẹp, giàu, nghèo, sang, hèn… đều như thế cả.

Tuy nhiên, quán thân bất tịnh, vô thường không có nghĩa là ta bi quan về nó, bỏ rơi nó hay hủy diệt nó. Đức Phật không cho phép người Phật tử bi quan về bất cứ điều gì trong cuộc sống. Nếu chúng ta thấy mặt trái của thân mà bi quan, tất chúng ta hủy hoại thân mình. Đó là đi ngược lại lý tưởng cao đẹp của Thế Tôn. Bởi lẽ, mục đích của quán thân bất tịnh nhằm đưa con người vượt khỏi những vướng mắc, hệ lụy, đau khổ, chấp trước vào thân này. Quán như vậy nhằm để đối trị lòng ham muốn sắc dục, tránh phải mất nhiều thời gian công sức để chăm lo cho thân thể mà dành thời gian vào việc tu học Phật Pháp.

Ở trên là phần quán niệm về thân, còn quán niệm về thọ là như thế nào?

Thọ là nói tắt của cảm thọ. Khi nhận thấy một điều gì, hay chấp nhận một điều chi thì gọi là thọ. Thọ gồm có thân thọ và tâm thọ. Hai mặt này tương tác với nhau. Có thể thân thọ mà tâm không thọ, hoặc thân và tâm đồng cảm thọ. Từ ý này, ta có nội dung của thọ gồm có ba trạng thái: lạc thọ là tâm lý hưng khởi sung sướng, thích thú trước đối tượng. Khổ thọ là trạng thái tâm lý khổ não, buồn chán… Bất khổ bất lạc thọ trung dung, không thiên lệch về phía lạc cũng như về phía khổ. Ta có thể hiểu rằng: lạc thọ và khổ thọ là tâm lý chủ quan, bất khổ bất lạc thọ là tâm lý khách quan. Để cảm thọ có mặt, điều tất yếu phải hội đủ ba yếu tố: nội căn, ngoại trần và xúc. Kinh tương ưng III, Đức Phật dạy rõ: “Thọ do nhãn xúc sanh, thọ do nhĩ xúc sanh,… thọ do ý xúc sanh. Do xúc sanh khởi nên thọ sanh khởi, do xúc đoạn diệt nên thọ đoạn diệt”. Khi sáu căn duyên sáu trần sinh ra cảm thọ thì đây thuộc về ngoại thọ. Cảm thọ về các trạng thái thiền lạc gọi là nội thọ. Chung quy dù cảm thọ thuộc vật chất hay không vật chất đều do tâm bị ràng buộc trong ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thùy. Tuy nhiên, cảm thọ đưa đến khổ đau hay an lạc tùy thuộc rất nhiều vào mức độ giác ngộ của chúng ta.

Còn quán niệm về tâm ra sao? Khi bàn về tâm là bàn đến một vấn đề phức tạp bởi vì khó mà định nghĩa tâm như thế nào. Ta không thể nào nói tâm là… như nói đến một sự vật cụ thể. Vì lẽ, nói đến con người là nói đến hoạt động của thân và tâm. Hoạt động của thân thuộc phần thô, hoạt động của tâm thuộc phần tế. Tuy thế, ta vẫn nắm bắt và nhận diện được nó. Ta vẫn thường nghe nói đến tâm qua các khái niệm: tâm thiện, tâm ác, tâm ích kỷ, tâm tham, tâm sân,… Tất cả đều là những biểu hiện của tâm trong đời sống. Trong cùng một thời điểm không thể có hai niệm đồng tồn tại. Tâm thiện đang hoạt động thì vắng mặt tâm ác, tâm tham đang hoạt động thì vắng mặt tâm bố thí…

Quán tâm tức là ta đang dùng tâm để quán tâm, ngay trong bản thân của tâm mà không phải quán sát một đối tượng nào khác ngoài tâm. Tức là ta đang ý thức về tâm mình để thấy được sự có mặt và hoạt động của nó. Thân và tâm có một sự liên hệ mật thiết với nhau. Thân là cơ sở hoạt động của tâm và tâm mượn thân để biểu hiện. Tâm là vô hình nhưng nó có những đặc tính của thân. Nó có thể xúc chạm được (giao cảm), nó cũng có cảm giác đau khổ và an tịnh. Vì vậy mà con người luôn tồn tại một căn bệnh trầm kha khó chữa: Tâm bệnh.

Tâm thường được ví như con vượn leo cây, chuyển từ cành này sang cành khác suốt ngày. Niệm trước như vậy niệm sau đã khác, sanh diệt liên tục như dòng thác đổ. Hôm nay yêu thương người hết mực, ngày mai lại ghét bỏ. Tâm là do nhân duyên sanh diệt. Do vậy, tâm không phải là một thực thể tồn tại độc lập. Trên cơ sở đó, tâm không có cái ngã của nó. Tâm sanh là do sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Bản thân các yếu tố này cũng do duyên sinh, vô thường, vô ngã. Cho nên tâm cũng vô thường, vô ngã. Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, chấp tâm thức là thường còn, còn sai lầm và tệ hại hơn chấp thân xác là thường còn. Vì thân xác người có thể tồn tại vài chục năm cho tới một trăm năm, còn tâm thức của người thì sanh diệt đổi thay trong từng giây phút”. (Tạp A Hàm, tập II)

Nhưng đứng về góc nhìn tích cực trong Phật pháp, chính nhờ sự vô thường thay đổi sinh diệt liên tục ấy của tâm mà chúng ta mới có thể học hỏi và tu tập theo giáo pháp của Đức Phật, tinh tấn theo con đường mà Ngài đã bước đi. Như thế thì ta cũng sẽ dần dần chuyển phàm thành thánh giống như là đức Phật vậy.

Phần cuối cùng là quan niệm về Pháp. Pháp có nghĩa là “nhậm trì tự tánh, quỷ sanh vật giải”. Tất cả các sự vật, hiện tượng mà tự nó có thể gìn giữ tánh chất, hình tướng, tên gọi,… để có thể phân biệt được nó với các vật khác thì gọi là một pháp. Pháp được chia ra làm hai phần là sắc pháp và tâm pháp.

Con người là đối tượng để thực hành quán niệm về pháp. Vì nó hội đủ sắc pháp và tâm pháp. Người Phật tử quán chiếu thân ngũ uẩn để ý thức được mối liên hệ giữa bản thân và vũ trụ vạn hữu. Nếu không có vũ trụ thì hợp thể ngũ uẩn này không có được. Từ thực tính này ta càng thấy rõ về ý nghĩa vô ngã của các pháp.

Trong các kinh luận của Phật giáo phát triển, vô ngã bao gồm pháp vô ngã và nhân vô ngã, hay sắc pháp vô ngã và tâm pháp vô ngã. Ở đây sắc pháp được chỉ chung cho thân người và các pháp ngoài giới. Sắc pháp và tâm pháp đều nương vào nhân duyên mà thành nên chúng là hư vọng. Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Nhân duyên hòa hợp hư vọng hữu sanh, nhân duyên ly tán hư vọng hữu diệt”.

Cần nói thêm rằng, thân và tâm chỉ tồn tại trong một thời gian nào đó rồi theo quy luật sinh – thành – hoại – diệt mà mất đi. Thân không thể tồn tại ngoài tâm, tâm không thể tồn tại ngoài thân. Cũng như sắc không thể tồn tại ngoài thọ, tưởng, hành, thức. Do vậy, Phật giáo không chấp nhận một linh hồn trường cữu sau khi sắc thân hủy diệt. Sở dĩ có một tư tưởng về một linh hồn trường cữu và xem đó là ngã, là do khẳng định tính tự tồn của con người theo thời gian vô tận. Ý tưởng về một linh hồn, ngã như vậy – theo Phật giáo là thật sai lầm và trống rỗng. Đó chỉ là một khái niệm vọng tưởng tâm của tâm thức sai lạc không thể có mặt trong thực tại. Khi chọn Bốn đề mục quán niệm để tu tập, chính là tu tập tự thân. Bởi vì giải thoát sinh tử luân hồi cho con người là mục tiêu chính mà đức Phật nhắm vào cuộc đời này. Hiểu được chính mình thì hiểu được tha nhân và vạn hữu. Thấy được nhân duyên sinh diệt, vô thường, vô ngã trong con người  thì thấy được các pháp cũng như thế. Do vậy, pháp quán niệm này trước hết là đưa thân và tâm trở về sống với giây phút hiện tại. Xua đuổi quên lãng và phân tán để duy trì chánh niệm và duy trì sự sống.

Đối với cuộc sống thực tại, nếu Bốn đề mục quán niệm được tu tập thì con người sẽ phần nào vượt qua những chướng ngại liên hệ đến thân và tâm. Tập khí thế gian khiến con người khó có thể vượt qua những căn bệnh tâm sinh lý được xem như là bản năng tiềm ẩn. Con người luôn có chiều hướng sống trong dục vọng, khát ái. Khi bản năng không được giáo dục thì khổ đau vẫn còn chồng chất. Vì vậy cần nên ứng dụng và thực tập Bốn phương pháp quán niệm để dần dần thoát ra khỏi trói buộc của thế gian mà thâm nhập dần dần vào con đường giác ngộ, giải thoát sinh tử luân hồi.

Thích Hoằng Giới