.
.

Bồ-tát Di Lặc trong Mật giáo


Hình ảnh Tại Ấn Độ, hình tượng Bồ-tát Di Lặc thường được phác họa ngồi trên ghế, hai chân tiếp đất, ngụ ý rằng Ngài chưa hoàn thành địa vị Vô thượng giác ngộ. Có khi Ngài khoác trang phục của bhikṣu (Tỷ-khưu) hoặc kṣatriya (Sát-đế-lợi). Hoặc cũng có lúc trong tư thế đứng, được tô điểm với nhiều trang sức.


Dilac1.jpg

Khái quát 

1- Ý nghĩa danh hiệu

Bồ-tát Di Lặc là vị Đại sĩ thuộc truyền thống Đại thừa (Mahāyana). Hai danh hiệu phổ biến nhất của Ngài:

a- Maitreya: Từ Thị 慈氏, danh hiệu này bắt nguồn từ tiếng Phạn maitrī (Pāli:mettā), có nghĩa là “sự tử tế” hay “lòng nhân từ”.

b- Ajita: A-dật-đa 阿逸多 ‘bất khả chiến bại’, ‘không thể bị chinh phục’ (無勝 vô thắng, 無能勝 vô năng thắng). Cũng phiên âm là A-thị-đa 阿嗜多, và dịch ý là vô tam độc 無三毒1.

Ngài là vị Bồ-tát được Đức Phật Thích Ca thọ ký vào 5.670.000.000 năm sau2, khi viên tịch tại cung trời Đâu-suất (Tuṣita), sẽ thị hiện ở thế giới Ta-bà này và trở thành vị Phật kế tiếp. Kinh điển cũng thuật lại rằng Ngài sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn (Brahman) ở miền Nam Ấn Độ.

Theo phẩm Chúc lụy, kinh Duy-ma-cật3, Ngài được xem như là một vị cứu độ chúng sinh trong tương lai, duy trì Chánh pháp không để bị hoại diệt.

Hình ảnh Đức Di Lặc không chỉ được đề cập đến trong kinh Nikāya4 và các bản Hán dịch A-hàm5, mà trong nhiều tác phẩm Đại thừa như Lalitavistara, Divyavadana và Mahavastu. Cần nói thêm rằng Ngài hiện trú tại nội viện cõi trời Tuṣita, tuyên thuyết những Pháp yếu mà Ngài đã thực nghiệm cho chư Thiên tại đây.

Trong phần kết thúc Visuddhimagga (Thanh tịnh đạo luận 淸淨道論), ngài Buddhaghoṣa đã bày tỏ ước nguyện tha thiết, mong đời sau được thấy Đức Phật Di Lặc:

“Do công đức của tác phẩm này, và bất cứ tác phẩm nào khác, nguyện cho tôi đời sau thấy được thiên lạc ở cõi Tam thập tam thiên, hoan hỷ trong những giới đức, không vướng ngũ dục.
Sau khi đắc Sơ quả, sau khi thấy được Di Lặc Thế Tôn, trong đời cuối cùng của tôi và được nghe Ngài giảng Diệu pháp, mong tôi làm sáng Giáo pháp của đấng Chiến Thắng, bằng cách chứng quả tối thượng trong giáo lý này”
6.

Tống cao tăng truyện nói, Khuy Cơ sinh thời, có cùng một tín ngưỡng với thầy mình (Huyền Tráng) là tín ngưỡng Di Lặc, dốc chí muốn sinh về trời Đâu-suất.

Như thế, tín ngưỡng Phật Di Lặc cũng là một hiện tượng phổ biến trong truyền thống văn hóa của nhiều bộ phái Phật giáo.

2- Hình ảnh 

Tại Ấn Độ, hình tượng Bồ-tát Di Lặc thường được phác họa ngồi trên ghế, hai chân tiếp đất, ngụ ý rằng Ngài chưa hoàn thành địa vị Vô thượng giác ngộ. Có khi Ngài khoác trang phục của bhikṣu (Tỷ-khưu) hoặc kṣatriya (Sát-đế-lợi). Hoặc cũng có lúc trong tư thế đứng, được tô điểm với nhiều trang sức. Đặc biệt, là tranh vẽ Ngài tại Ấn Độ, luôn luôn có một chiếc khăn thắt lưng quấn quanh eo.7

3- Di Lặc và Du-già hành tông 

Maitreya (hay Maitreyanatha), một nhân vật nửa huyền thoại, thường được xem là người sáng lập tông phái Phật giáo Yogācāra(Du-già hành瑜伽行)và là tác giả của các tác phẩm tông Yogācāra, như là: Yogācārabhūmi-śāstra (Du-già sư địa luận, thường gọi tắt: Du-già luận 瑜伽論), Madhyānta-vibhāga (Trung biên phân biệt luận中邊分別論).

Ngài được ghi nhận với việc thiết lập các khái niệm cơ bản của Du-già tông như: Duy thức唯識, tam thân三身, tam tính三性, và ālayavijñāna (A-lại-da thức 阿賴耶識). Ngài cũng được nói là Đạo sư của ngài Asaṅga (Vô Trước無著)-luận sư hệ Du-già nổi tiếng ở Ấn Độ, cùng thời với ngài Vasubandhu (Thế Thân).

1x.jpg
Đồ hình: Vị trí Phật Vô Lượng Thọ trong Thai tạng giới mạn-đa-la

Bồ-tát Di Lặc trong Mật giáo 

1- Trong hai giới mạn-đà-la 
a- Thai tạng giới mạn-đà-la:

– Vị trí: Bồ-tát là một trong chín vị tôn, vị trí phía Đông bắc Đức Đại Nhật Như Lai, tại trung đài bát diệp viện 中臺八葉院 trong Garbhadhātumaṇḍala(Thai tạng giới mạn-đà-la 胎藏界曼荼羅).
– Chủng tử: Yu (bắt nguồn từ yogeśvari).
– Mật hiệu: Tấn Tật Kim Cương 迅疾金剛.
– Mudrā: Liên hoa hiệp chưởng蓮華合掌.
– Chân ngôn: Namaḥ samantabuddhānāṃ mahāyogayogini yogeśvari khāñjalike svāhā.

b- Kim cương giới mạn-đà-la: 
Ngài là một trong mười sáu vị tôn Hiền kiếp.

c- Hình tượng 
Tựu trung các kinh tạng Mật giáo miêu tả thân thể Ngài là“bạch nhục sắc白肉色”, tay trái kết thí vô úy ấn 施無畏印, tay phải cầm một đóa sen, trên chóp đỉnh là cái bình. Bình này được cho là chứa nước trí tuệ (Skt. Jñāna-vāri: trí thủy 智水). Và còn một bảo tháp寶塔 xuất hiện ở trên bảo quán 寶冠.

Lại có một hình tượng khác, theo kinh Bát đại Bồ-tát mạn-đồ-la và Đại khổng tước minh vương họa tượng đàn tràng nghi quỹ thì thân hình Ngài màu vàng ròng, tay trái cầm quân trì (cái bình), bàn tay phải đưa lên, hướng ra ngoài kết thí vô úy ấn.

d- Di Lặc và bốn vô lượng tâm
Theo Đại Nhật kinh sớ8, xác định Di Lặc là biểu tượng cho bốn vô lượng tâm 無量心 của Đức Phật. Danh hiệu của Ngài được bắt nguồn từ phẩm tính maitrī (慈 Từ). Maitrī này được sinh ra từ chủng tính 種姓 của Như Lai (Tathāgata). Ở đoạn khác,9 Đức Di-lặc được xác định là biểu hiện của Đại từ Đại bi 大慈大悲.

2- Về vị trí trong mạn-đà-la
Đại Nhật kinh 1, phẩm Nhập mạn-đà-la cụ duyên chân ngôn đã mô tả viện Trung đài tám cánh gồm có năm vị Phật:
– Đại Nhật ở trung ương
– Bảo Tràng ở phương Đông
– Hoa Khai Phu ở phương Nam
– Bất Động ở phương Bắc
– Vô Lượng Thọ ở phương Tây.

Đến phẩm Nhập bí mật mạn-đồ-la vị của Đại Nhật kinh 5 thì Trung đài bát diệp viện ấy còn có thêm bốn vị Bồ-tát. Do đó, tám cánh của viện Trung đài bây giờ có tám tôn vị:
– Bảo Tràng ở phương Đông
– Khai Phu Hoa ở phương Nam
– Cổ Âm ở phương Bắc
– Vô Lượng Thọ ở phương Tây
– Bồ-tát Phổ Hiền ở Đông nam
– Bồ-tát Quán Tự Tại ở phương Đông bắc
– Diệu Cát Tường đồng tử ở Tây nam
– Bồ-tát Từ Thị ở Tây bắc.

Vị trí của bốn vị Phật và bốn vị Bồ-tát ghi nhận ở đây đưa ra không ít khó khăn cho công tác giải thích sự quan hệ nhân quả giữa các vị Phật và Bồ-tát ấy.

Vấn đề quan hệ phương hướng ở đây, Đại nhật kinh sớ hình như không quan tâm lắm, nên đã không có một câu chú giải nào. Nhưng đến Đại nhật kinh sớ diễn áo sao 54, thì giải thích rõ hơn. Trước hết, nó dẫn Đại nhật kinh và Đại nhật kinh sớ, quy định phương hướng của bốn vị Bồ-tát:
– Phổ Hiền ở Đông nam
– Quán Tự Tại ở Đông bắc
– Văn Thù ở Tây nam
– Di Lặc ở Tây bắc.

Đại nhật kinh sớ diễn áo sao 54 giải thích tiếp:
“Nhập bí mật phẩm nói Từ Thị ở Tây bắc, thì Hiện đồ nói Từ Thị ở Đông bắc (…) Bát ấn phẩm v.v… nói Quán Âm ở Đông bắc, thì Hiện đồ nói Quán Âm ở Tây bắc. Mạn-đà-la đồ vị do Hoằng Pháp đại sư thỉnh về nói Quán Âm ở Tây bắc và Từ Thị ở Đông bắc. Thế thì, hai tôn vị ở đây khác với những gì đã nói ở trong kinh và sớ”.

Lưỡng bộ mạn-đà-la sự sao cụ thể hóa bằng đồ hình:
[*Chú thích đồ hình: 1. āh- Đại Nhật, 2. A- Bảo Tràng, 3. Ā- Khai Phu Hoa, 4. Aṃ-Vô Lượng Thọ, 5. Aḥ- Thiên Cổ Lôi Âm, 6. Aṃ- Phổ Hiền, 7. A- Văn Thù, 8. Vu-Quán Âm, 9. Yu- Di Lặc]

Như vậy, vị trí của Đức Di Lặc, các tài liệu ghi thành hai hướng: 1. Ở phía Đông bắc trong mạn-đà-la; 2. Hoặc ở phía Tây bắc mạn-đà-la.

2x.jpg
Đồ hình: A Di Đà mạn-đà-la

3- Di Lặc trong A Di Đà bát-mạn-đà-la 

Căn cứ Bát đại Bồ-tát mạn-đà-la kinh thì bát mạn-đà-la là pháp yếu sâu xa của tám vị Bồ-tát. Trung tâm mạn-đà-la này, theo Vô Lượng Thọ Như Lai quán hành cúng dường nghi quỹ, là Phật Vô Lượng Thọ. Còn tám Bồ-tát thì căn cứ theo Bát Đại Bồ-tát mạn-đà-la kinh là Quán Tự Tại, Từ Thị, Hư Không Tạng, Phổ Hiền, Kim Cang Thủ, Văn Thù, Trừ Cái Chướng và Địa Tạng. Đây là theo truyền bản của Bất Không; truyền bản của Kim Cang Trí thì thay Kim Cang Thủ bằng Kim Cang Tạng. A-sa-phược sao 53 ghi chủng tử của chín tôn vị này và ý nghĩa của chúng. Các chủng tử này cũng là chín chữ cơ bản của Cửu tự mạn-đà-la. Xem đồ hình sau:

[*Chú thích đồ hình:
Trung đài tám cánh: Phật và tám Bồ-tát
1. A Di Đà, 2. Quan Âm, 3. Từ Thị, 4. Hư Không Tạng, 5. Phổ Hiền, 6. Kim Cang Thủ, 7. Văn Thù, 8. Trừ Cái Chướng, 9. Địa Tạng.
Bốn góc nội viện: bốn nội cúng: 10. Hỉ, 11. Man, 12. Ca, 13. Vũ.
Bốn góc ngoại viện: bốn ngoại cúng: 14. Hương, 15. Hoa, 16. Đăng, 17. Đồ.
Bốn phương ngoại viện: bốn nhiếp: 18. Câu, 19. Sách, 20. Tỏa, 21. Linh].

4- Chân ngôn và chủng tử khác 

– Trong A Di Đà lý thú mạn-đà-la: Vị thứ ba là Nhân Bồ-tát, tức Di Lặc, có chân ngôn: Phạ-nhật-ra-hệ-đô (vajrahetu).
– Trong A Di Đà cửu tự mạn-đà-la: Từ Thị, có chủng tử là MṚ.

a- Chữ “Ajitānjaya”: 
Ajitānjaya, Hán phiên âm: A-thệ-đơn-xà-da 阿誓單闍耶, A-nhĩ-đơn-nhạ-da 阿爾單惹耶, dịch là Vô năng thắng 無能勝.

Ajitānjaya chữ bắt đầu chân ngôn của Bồ-tát Di Lặc trong kinh Đại Nhật 1, có nghĩa: Không thắng và không bị thắng.

Giải thích bởi Đại nhật kinh sớ 10:
“A-thệ-đơn-xà-da, đây gọi là Vô năng thắng. Xà-da là thắng, a là không”.

Rồi chua thêm:
“Nhưng chân ngôn này lấy chữ a làm thể, tức có nghĩa là Vốn không sinh. Sinh là tất cả các pháp lưu chuyển sinh, già, bệnh, chết. Còn kia thì thể nó thường tại vốn không sinh. Ấy là nghĩa chữ a. Vì biết tất cả các pháp tự tính là không sinh, nên tất cả chúng sinh là không có gì hơn được, không có gì bằng lên được”.

Như thế, A-chế-đơn-xà-da phải dịch là Không bị chiến thắng (ajita) và không có thể thắng (anjaya), vì tự tính của các pháp là thường tại bất sinh, nên nó cũng không bị chiến thắng, cũng không phải thắng.

Câu chân ngôn nói tới ở đây, Đại nhật kinh sớ 10 đọc:
“A thệ đơn xà da tát phạ tát đoả a xa dạ nu kiệt đa”
*Phục hồi Phạn ngữ: Ajitānjaya sarvasattva aśayā nugāta
*Dịch: “Hiểu được tâm tính của tất cả hữu tình không thể thắng và không bị chiến thắng”.

Trong Đại Nhật kinh 2, phẩm Phổ thông chân ngôn tạng xác định chân ngôn trên của Bồ-tát Di Lặc khi còn trụ trong tam muội ‘Phát sinh phổ biến đại từ’, tuy đọc hơi khác hơn một chút:
“Nam ma tam mạn đà bụt đà nẫm a nhĩ đơn nhã da tát bà tát đỏa xã dạ nỗ nghiệt đa sa ha”. 

Nhưng phục hồi Phạn ngữ thì không khác gì ở trên. Điểm đáng nói là Nhất Hạnh có tham dự vào việc dịch kinh Đại nhật, thì không hiểu sao khi viết sớ cho kinh ấy lại có lối phiên âm khác, như đã thấy.

Đại nhật kinh sớ diễn áo sao 34 viết: “A-nhĩ-đơn-nhã-da dịch vô năng thắng (Không có thể thắng), là chuyển thanh của a-bà-la-nhĩ-đa vậy”.

Như thế Diễn áo sao muốn đồng nhất a-nhĩ-đơn-nhã-đa (ajitānjāya) với a-ba-nhĩ-đa (aparājita), dựa vào ý nghĩa của chúng.

b. chữ “Apekṣābhūmi”

Apekṣābhūmi, Hán phiên âm: A-bà-sai-phù-di 阿婆差浮彌, A-bác-sai-phù-di 阿博差浮彌, dịch: Vô tương vi địa 無相違地.

Bộ phận của một bài chú tên Tạp thập nhị nhân duyên giải thoát chương cú (pratītya samutpāda-pratisaṃyuktāny adhimuktipadāni) do Đức Phật nói cho Bồ-tát Di-lặc trong Bi hoa kinh 1, với nghĩa nền tảng, liên quan, quan điểm nhãn trường.

Bộ phận này chỉ xuất hiện trong Bi hoa kinh 1, mà không thấy trong Đại thừa bi phân-đà-lợi kinh 1 và trong Ḥphags pa sñiṅ rje pad ma dkar zes hya ba theg pa chen pohi mdo (TT 780). Nguyên bản Phạn văn của bài chú ấy trong Karunāpuṇḍarikā (Y. ii. 43) và Sarvajñatākāradhāranā (Y. ii. 16) cũng không có bộ phận ấy.

Phiên Phạn ngữ 2 đã kê 12 bộ phận đầu của bài chú vừa kể vào mục tên những trụ địa của Bồ-tát và bảo rút từ Di-lặc bản nguyện đãi thời thành Phật kinh.

Sự thực, 12 bộ phận ấy chỉ là một chuỗi những từ của bài chú, không có liên hệ gì đến các trụ địa Bồ- tát cả. Thêm vào đó, nguyên bản và các dị dịch không nhất trí với nhau. Còn tên Di-lặc bản nguyện đãi thời Phật kinh là một bản kinh đơn hành của chương thứ phần về Bồ-tát trong phẩm Đà-la-ni của Bi hoa kinh, chứ không gì khác, đúng như lời chua của Khai nguyên thích giáo lục 4.10

Kết luận 

Hình ảnh Đức Phật Di Lặc không chỉ xuất hiện trong Tịnh độ giáo, mà nó còn rất phổ biến trong Mật giáo. Các kinh luận Mật giáo ghi chép rất cụ thể về hình ảnh của ngài. Trong Mật giáo, Di Lặc còn được gán thêm những chân ngôn và chủng tử… Nó biểu hiện niềm khao khát về tín ngưỡng Di Lặc của các giới Phật tử,nên hình ảnh Ngài đã hòa vào các truyền thống Phật giáo.

Nhưng ý nghĩa đặc biệt nhất của Đức Phật Di-lặc trong Mật giáo, cần được nhắc lại là cụm từ: “Không thắng và không bị thắng” (Ajitānjaya) trong chân ngôn Di Lặc, vì các pháp không sinh diệt, không tác khởi, thì đâu có chủ thế chiến thắng và đối tượng chiến thắng, nói rộng ra là không là không có bỉ-thử, không có nhân, ngã, chúng sinh, thọ giả; có như thế thì tâm từ mới phát triển đến mức tuyệt đỉnh, sự tử tế đối với chúng sinh mới đạt đến toàn thiện và hữu tình mới được hóa độ viên thành.

Như vậy, yếu chỉ tu tập và hành đạo của Đức Di Lặc trong Mật giáo, được gói gọn trong từ: “Ajitānjaya”, hành giả Mật giáo nếu phát triển tâm mình theo ý nghĩa này, thì lo gì không thể thành tựu được giai vị “Từ tâm” như Đức Từ Thị? Lo gì Đức Từ Thị tôn Phật không thị hiện trong trăm năm “một cuộc bể dâu”?

Thích Kiên Minh

 *Lời tri ân của người viết: Người viết xin chân thành tri ân các vị thiện hữu tri thức đã động viên người viết thực hiện bài tìm hiểu này. Nếu không có những góp ý chân tình ấy, người viết sẽ không thể hoàn thành được bài viết này. Vậy trong đây có gì quý báu là nhờ những duyên lành trên, còn có gì thiếu sót là do sự vụng về của người viết. 
_______________
(1) 翻譯名義集Phiên dịch danh nghĩa tập, quyển 54, T 2131, tr. 1058b16.
(2) Tính từ lúc Đức Phật Thích Ca nhập Niết-bàn.
(3) Bản dịch Việt (2017), Tuệ Sỹ, tr. 294-297.
(4) D.iii. 76, Cakkavatti.
(5) Trung A-hàm 13, kinh Thuyết bản; Trường A-hàm 6, kinh Chuyển luân vương tu hành. Xem bản dịch Việt, Tiểu tạng kinh, ấn bản Hương Tích.
(6) Thanh tịnh đạo luận, bản Việt, Ni sư Trí Hải dịch, tập 2, tr. 1183.
(7) Charles Muller; nguồn: JEBD, Hirakawa.
(8) 大日經疏 (T 1796; fasc. 1).
(9) Ibid., fasc. 20.
(10) Xem thêm I. Yamada, Karuṇāpuṇḍarīka ii, (London, 1968) t.43 và Phụ lục t.16.