.
.

Rồi cũng qua & cũng xa một kiếp người


Trong đời này thân phận nào cũng có, người khổ cực kiểu này, người nhọc nhằn kiểu khác bởi “Đời là bể khổ”. Người đời thêm thắt cho vui tai: “Qua được bể khổ là… qua đời”. Câu nói tếu táo mà cũng thấu một lẽ nhân sinh về thân người dù cao sang hay thấp hèn đều do nhân mình đã gieo từ vô thỉ kiếp, hội đủ duyên trở lại chốn Ta-bà để… trả nghiệp.


 

Nhìn vào phận mình rồi nhìn ra phận người, nếu như lập một gameshow truyền hình tìm quán quân cho chương trình “Ai khổ hơn ai?” thì sẽ thấy núi này cao lạnh lẽo còn có núi khác lạnh lẽo cao hơn và để thấy cần thương mình thương người hơn mỗi ngày thay vì “ngậm khối căm hờn” bởi ai cũng khổ như ai, ai cũng bệnh, cũng già, rồi… cũng về với đất.

Chuyện nhỏ ở một quán chay

Trời nhá nhem tối, trong khi mọi người trở về nhà với mâm cơm gia đình ấm áp thì trước quán chay Hoa Vô Ưu – đầu đường Lê Quang Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có một bà lão ngồi thơ thẩn với cánh tay trái băng bó chờ xin lòng thương hại của người qua kẻ lại.

Đáng lẽ với độ tuổi hơn bảy mươi phải được hưởng sự an lạc thảnh thơi thì đằng này, với đôi mắt ngấn lệ tủi thân, bà kể phận mình từ Đà Lạt vào Sài Gòn “kiếm sống”, con cái bỏ bà đi trốn nợ, “tứ cố vô thân” trên người chỉ có hai bộ đồ để thay đổi và hơn hai chục ngàn tiền lẻ móc ra từ hai túi áo bà ba cũ sờn, tối thì ngủ ở một cái sạp trong lòng chợ Bà Chiểu, còn khi cần tắm rửa giặt đồ thì đi thẳng chợ Bà Chiểu là đến chợ cá có nhà vệ sinh công cộng miễn phí… “Đã nghèo còn gặp cái eo”, bà bị té trật tay, may có chùa Vạn Thọ chữa trị băng bó miễn phí, nhưng tiền mướn xe ôm sang chùa cả lượt đi lẫn lượt về cũng tốn hai chục ngàn đồng, đó là chú xe ôm trong chợ đã thương tình lấy giá hữu nghị…”. Lặng nghe một tiếng thở dài!

Anh PGTT 1.JPG
Cô chủ quán Hoa Vô Ưu (bìa phải) – Ảnh: M.M

Chủ quán chay Hoa Vô Ưu là một cô Phật tử trung niên có tấm lòng thương người. Cô không chỉ cho bà lão kém may mắn trên một chỗ ngồi tá túc mà còn biếu bà đồ ăn. Cô mở quán chay với mong muốn có nhiều người ăn chay bớt sát sanh mà biết tu tập sám hối vì bản thân cô cũng ăn chay được mười năm rồi. Ngày ngày cô chủ đón nhiều người vào quán chay và mỗi người mang một số phận khác nhau. Có chị khách than viêm khớp, rối loạn tiền đình do suy nghĩ nhiều về căn bệnh ung thư máu của đứa con bé bỏng mới năm tuổi đang điều trị ở Bệnh viện Ung Bướu. Có cô khách rầu rĩ với nỗi lo nặng nợ hết chồng rồi đến con… Cô chủ lắng nghe và nhớ tên từng người đến ăn rồi có khi còn bớt vài đồng cho nhau đặng họ còn ghé lại, còn sẻ chia chuyện đời chuyện đạo thân tình.

Đừng tưởng cô Diệu Mỹ – pháp danh của cô chủ Hoa Vô Ưu không có nỗi phiền muộn. Sớm nếm trải vị khổ của biển đời, mồ côi cha rồi chia xa mẹ từ nhỏ, sống với ông bà ngoại, may mắn được kết duyên với Phật pháp nên dù đón nhận thành công hay thất bại, cô cũng hoan hỷ với hai chữ “tùy duyên”.

Chồng của cô từng là một kiến trúc sư thành đạt, một bản vẽ kiếm được vài chục triệu dễ như trở bàn tay. Con của cô một trai một gái đều học hành thành tài ở Mỹ. Với đỉnh cao của sự nghiệp và gia đình gần như trọn vẹn nên chồng cô phát sinh tâm tự cao rồi cùng bạn bè bù khú nhậu nhẹt, khoái được nghe những lời nịnh nọt vuốt ve cái tôi kiêu hãnh. Đùng một phát, chú bị tai biến mạch máu não, bao kiến thức, khả năng vẽ kiếm tiền tiêu tan hết, giữ được sinh mạng đã là phần phước nên chú quay về tìm sự bình an với việc vào chùa mỗi tối thành tâm tụng kinh lễ lạy sám hối.

Cô kể câu chuyện của chú để nhắc nhở người tu Phật đừng sanh tâm kiêu ngạo vì hậu quả thật không lường. Qua đó mới thật thấm những câu thơ của cụ Nguyễn Du: “Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần” hay “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”…

“Người giàu cũng… khóc”

Không phải chỉ người thiếu thốn vật chất mới tủi thân tủi phận, mới có cớ để khổ não vạn trùng ba, mà cả người đầy đủ về điều kiện kinh tế, cũng chất chứa… một bụng khổ. Trong một tour du lịch mang tên “An lạc tuổi vàng” dành riêng cho người cao tuổi để giúp họ có thêm năng lượng tích cực, vui sống với con cháu do MayQ Go! (công ty của chị MC Lê Đỗ Quỳnh Hương và các chị em gái đồng lòng hợp tác) tổ chức có phần kết nối tinh thần để các cô chú ông bà nhà mình nặng lòng điều gì thì trút ra và buông xuống.

Hỡi ôi, kể ra thì ai cũng đủ gánh nặng tinh thần, từ chuyện sức khỏe đến chuyện con cái –  sao nó chưa lấy chồng lấy vợ… Nỗi lo như từng cơn sóng ngoài biển khơi, hết lớp sóng này lại đến lớp sóng khác xô đẩy cuộn chồng lên nhau. Thương quý và đáng kính nể là một cụ bà cao tuổi nhất – 92 tuổi – tham gia chương trình chia sẻ về bí quyết sống lâu sống khỏe, ngoài tập thể dục thở đều với chế độ dinh dưỡng phù hợp, cụ nhấn mạnh đến một thái độ sống tích cực, buông bỏ tham – sân – si là ba độc tố của bệnh tật, buồn lo! Nhìn sự minh mẫn toát ra từ thần thái gương mặt và nụ cười hiền hòa luôn nở trên môi cụ, ắt hẳn cụ đã nhẹ nhàng buông được ba độc: “Biết buông thì sẽ bớt buồn/ Biết buông thì những muộn phiền đều vơi”.

Khi nhận thấy khổ như một điều kiện tất yếu của cuộc sống, có lẩn trốn đâu cũng không thoát được thì chỉ có thể sống với và chuyển nghiệp với sự tu tập Tứ diệu đế và Bát Chánh đạo, trước là cho mình và sau đó là cho người, bởi một kiếp người quả thật mong manh. Từ tuổi trẻ đến “tuổi vàng” hóa ra vừa gần vừa xa. Mà tuổi nào cũng có nỗi khổ riêng, cũng có giá trị và tuổi nào cũng cần sạc vào rồi tỏa ra năng lượng an lạc cho đời, đúng không?

Mộc Mộc

………………..

 

* Bạn có suy nghĩ gì về câu chuyện trên? Theo bạn, trong cuộc sống hữu hạn và vô thường, mỗi người cần sống ra sao để có ích cho bản thân và cuộc đời, để mỗi ngày trôi qua đều là ngày ý nghĩa, để đến cuối cùng nhìn lại mình tự tin rằng đã sống một cuộc đời đáng sống? Mời bạn cùng chia sẻ góc nhìn với Giác Ngộ. Bài viết gửi về: [email protected]. Trân trọng!