.
.

Gieo duyên ăn chay


1. Nhằm khuyến khích nhiều người ăn chay hơn, CLB Ăn chay trường sống giữa đời thường tại TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức một hoạt động ý nghĩa mang tên “Gieo duyên ăn chay”, và hoạt động này hiện đang được phổ biến ở nhiều nơi trong và ngoài thành phố.

Được biết, trước tiên “Gieo duyên ăn chay” do các thành viên trong CLB tự góp sức với nhau thực hiện – từ đó thông tin đến mọi người thông qua các trang mạng xã hội và phổ biến đến các nơi khác.

anh2.jpgCác em nhỏ phấn khởi đến nhận phần ăn gieo duyên – Ảnh: Minh Hồng

Theo CLB, “Gieo duyên ăn chay” là hoạt động mang tính chất linh hoạt, không cố định, chỉ cần hội đủ duyên, nhân lực, vật lực và địa điểm thì tiến hành gieo duyên. Đặc biệt, mỗi phần ăn chay gieo duyên luôn chú trọng về chất lượng để người nhận có thể cảm nhận được sự thành tâm và thúc đẩy tinh thần ăn chay của họ.

Chia sẻ với Giác Ngộ, anh Phạm Quốc Hưng – Chủ nhiệm CLB Ăn chay trường sống giữa đời thườngcho biết một lợi ích rất lớn thông qua hoạt động này – theo như phản hồi của các khu vực – thì tình nghĩa giữa những người thân, bạn bè, láng giềng ngày được gắn kết hơn; đây cũng là một cơ hội giúp mọi người có thể ngồi lại bên nhau để đồng cảm, chia sẻ yêu thương. Bên cạnh đó là sự mong muốn mọi người chú ý hơn đến đời sống nội tâm, đến sức khỏe và môi trường, tỉnh thức và phát triển tâm từ bi.

Ngoài ra anh Hưng còn cho biết thêm rằng, CLB Ăn chay trường sống giữa đời thường đã hoạt động gần 4 năm, là nơi để mọi người giao lưu chia sẻ những quan điểm về vấn đề ăn chay và tổ chức các hoạt động thiện nguyện…

2. “Đức Phật dạy chúng ta phải ăn chay vì đây là nhân chính để trở thành Phật về sau…”, HT.Thích Chơn Không, Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử PG TP.HCM cho biết.

Theo đó, HT.Thích Chơn Không chia sẻ, trong Đại thừa Kim Cang kinh luận có nói rằng nếu chúng sinh còn sát sinh hại vật, còn ăn thịt, còn uống rượu mà muốn thành Phật thì giống như người muốn nấu cát thành cơm. Ăn chay chính là để tăng trưởng tâm từ bi, nuôi dưỡng tình thương trong lòng người con Phật, nêu cao tinh thần bình đẳng mà Đức Phật đã dạy.

Con người chúng ta sợ hãi, lo lắng, đau khổ thì con vật cũng có tâm lý như vậy. Ăn mặn, gián tiếp hay trực tiếp sát hại chúng sinh là gieo nhân ác ắt thọ quả báo ác. Chúng ta khổ não nhiều, chết chóc nhiều là quả của sát sinh hại vật, Hòa thượng nói.

Bên cạnh đó, theo Hòa thượng Chơn Không, người Phật tử ăn chay sẽ mang lại nhiều lợi ích cho tự thân, cho sự tu tập tâm linh như Đức Phật đã dạy – hầu phát triển lòng thương xót chúng sinh, để hướng đến một cuộc sống không có sự giết hại, cuộc sống an lạc yên vui. Ăn chay sẽ tránh được quả báo của nghiệp sát sinh khiến cho thân tâm thường lạc, giảm bớt tham sân si. Không chỉ vậy, thức ăn chay nhẹ nhàng dễ tiêu hóa, cơ thể lại dễ hấp thu nên giảm bớt bệnh tật.

Đối với người Phật tử, ăn chay có thể tập từ ăn theo ngày, theo kỳ hoặc theo tháng rồi dần dần chuyển sang trường chay. Hòa thượng còn khích lệ Phật tử trong những ngày chay nên cố gắng nấu chay cho cả gia đình cùng ăn, mình nấu ngon, hấp dẫn và dinh dưỡng chắc hẳn sẽ khuyến khích được người thân ăn chay.

Trên tinh thần đó, Hòa thượng mong người con Phật nằm lòng lời dạy của cổ đức: “Các hàng thiện nam thiện nữ tu hành khổ nhọc chốn a lan nhã, hoặc trụ nơi từ tâm, hoặc trì chú thuật, hoặc cầu giải thoát, hoặc hướng về Đại thừa, nhưng bởi vì còn ăn thịt nên bị nhiều sự chướng ngại, công hạnh không được thành tựu. Cho nên Bồ-tát nếu muốn được lợi ích cho mình và chúng sanh, quyết không nên ăn thịt”.

Minh Hồng