.
.

Đức Đạt Lai Lạt Ma ủng hộ chế độ ăn chay trên toàn cầu


Từ lâu, đức Đạt Lai Lạt Ma đã ủng hộ việc áp dụng chế độ ăn uống dựa trên tinh thần từ bi và chia sẻ rộng rãi về chủ đề ăn mặn và ăn chay vào những dịp khác nhau.


Phát biểu tại Hội thảo Vidyaloke (Trí tuệ của đức Phật đương đại), sự kiện kéo dài hai ngày tại thành phố Bengaluru, thủ phủ của bang Karnataka, miền Nam Ấn Độ (trước đây là Bangalore) thảo luận về truyền thống tinh thần Ấn Độ cổ đại vào ngày 12/08/2018, đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng một chế độ ăn thực vật trên toàn cầu vì những lý do bền vững về môi trường và phát triển tâm từ bi, nhằm giúp chúng sinh giải phóng khỏi những nỗi khổ niềm đau.

Sự kiện được tổ chức bởi Quỹ Vana (The Vana Foundation) từ các ngày 11-12/08/2018, chia thành hai phiên họp chính. Ngày thứ nhất, với chủ đề: “Hùng lực tâm và Từ bi tâm trong thế kỷ 21”, dành cho các chuyên gia và sinh viên trẻ. Ngày thứ hai được tổ chức với chủ đề: “Trí tuệ Ấn Độ trong thế giới hiện đại”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma (83 tuổi, đạt giải Nobel hòa bình, vị lãnh đạo tinh thần nhân dân Tây Tạng), vào tháng trước đã trả lời một câu hỏi về sự tàn ác của con người đối với thiên nhiên và động vật. Ngài chia sẻ rằng: “Chúng ta đang tiêu thụ quá nhiều thực phẩm từ động vật”, do vậy ngài nhấn mạnh sự đồng cảm với sự đau khổ của tất cả chúng sinh.

Từ lâu, đức Đạt Lai Lạt Ma đã ủng hộ việc áp dụng chế độ ăn uống dựa trên tinh thần từ bi và chia sẻ rộng rãi về chủ đề ăn mặn và ăn chay vào những dịp khác nhau. Ngài không nghiêm cấm việc tiêu thụ thịt động vật nhưng công khai nói về sự cần thiết của sự thay đổi toàn cầu hướng đến một chế độ ẩm thực dựa trên thực vật là chính: “Về vấn đề ăn mặn, đôi khi có những ý kiến trái ngược, nhưng thật sự trong Luật tạng (Tam tạng kinh điển) không cấm dùng thịt súc vật nên phần đông quý chư tăng các hệ phái Phật giáo Nguyên thủy (Theraveda) tại các các quốc gia Thái Lan, Miến Điện, Sri Lanka, Lào, Campuchia đều vừa ăn chay và ăn mặn.

Một vị tăng ở Sri Lanka có nói với tôi là thực phẩm của chư tăng do đàn na tín thí cúng dường khi đi hành khất, nên chúng sinh cúng thực phẩm gì chư tăng dùng thứ đó, không đòi hỏi chay mặn. Nhưng trong luật tạng có dạy nếu chúng sinh bị giết chết để lấy thịt cúng dường trai tăng thì không nên ăn. Trên căn bản, thực phẩm chỉ là phương tiện nuôi sống con người.

Kinh Lăng già (Lankavatara-sutra) thì tuyệt đối cấm tất cả mọi loài động vật như thịt cá.., nhưng có những kinh khác lại không cấm cản gì cả. Vùng miền núi phía đông Tây Tạng, đất đai khô cằn, không loài thực vật nào có thể tồn tại và lạnh lẽo tuyết giá, nên chư tăng phải ăn thịt.

Đối với tôi, lúc 13, 14 tuổi vào những dịp lễ lạy của Tây Tạng, thịt động vật bị tiêu thụ với số lượng lớn nên tôi bắt đầu chuyển và khuyến khích bớt dùng thịt súc vật từ đó. Khi rời khỏi Tây Tạng đến Ấn Độ vào năm 1959, tôi ăn chay nhiều hơn và bắt đầu từ năm 1965, tôi tập ăn chay trường.

Khoảng 20 tháng tôi ăn chay theo lời khuyên của những người bạn Ấn Độ nên thay thế thịt bằng cách uống sữa và dùng kem tươi… Nhưng đến năm 1967, tôi bị chứng đau gan và túi mật. Da trên người tôi đổi thành màu vàng nghệ – giống màu áo cà sa của đức Phật – cả người, móng tay, mắt cũng chuyển màu vàng, trong suốt 3 tuần lễ. Bác sĩ khuyên phải ăn thịt cá trở lại, nên tôi phải nghe lời bác sĩ.

Phần lớn toàn thể các tu viện tại đây, cả tu viện Namying đều chỉ có đồ chay. Phía miền Nam Ấn Độ, 300, 400 tăng sĩ tại mỗi tu viện, chỉ có thể dùng rau cỏ mà thôi, không có thịt. Khi đi hoằng pháp ở nước ngoài, phần nhiều tôi đều ăn chay”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng lưu ý rằng, ngài cam kết làm sống lại trí tuệ xưa và học tập theo truyền thống tâm linh Ấn Độ – kho tàng tri thức có giá trị về cuộc sống và vũ trụ, có thể được sử dụng để giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng hiện đại. Ngài nói rằng: “Truyền thống và văn hóa bản địa Ấn Độ có chất liệu để giải quyết những vấn đề căng thẳng hiện đại (Stressonrs – một chất gây stress, là tác nhân hóa học do điều kiện môi trường, kích thích bên ngoài hoặc một sự kiện gây căng thẳng cho một sinh vật); nhưng Ấn Độ không chú ý đến kho tàng và kiến thức của họ”. Thực hành thiền định Ấn Độ có thể khiến tâm trạng ổn định và gia tăng sức mạnh nội tâm. Ngài nhấn mạnh, kiến thức Ấn Độ cổ đại cần phải được hồi sinh, bất kể liên kết tôn giáo hay tâm linh. (Deccan Chronicle)

Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: “Tôi là một học viên của Phật giáo, một tín đồ của các truyền thống Đại học Phật giáo Nalanda và thực hành chính vào việc khuyến phát Bồ đề tâm. Chúng ta cầu nguyện vì lợi ích cho tất cả chúng sinh, nhưng không có nhiều điều chúng ta có thể làm cho chúng sinh ở đời hiện tại này.

Trên Trái đất có vô số côn trùng, động vật, phi cầm, tẩu thú, nhưng rất ít loài chúng ta có thể làm điều gì đó để giáo hóa, mang lại lợi ích cho chúng. Thay vào đó, chúng ta có thể giúp đỡ chính những người xung quanh thay đổi nhận thức vì chúng ta có chung ngôn ngữ biểu đạt và có thể giao tiếp, chia sẻ kinh nghiệm với nhau.”


Buổi thuyết trình về Vidyaloke ở thành phố Bengalurru (Ảnh: Vidyaloke.in)

Vidyaloke, có nghĩa là trí tuệ và ánh sáng, là sáng kiến của Quỹ Vana nhằm truyền cảm hứng cho nghiên cứu và thực hành con đường của đức Phật đi đến giác ngộ, giúp các học viên tiếp cận trong số 84.000 pháp môn của đức Phật dạy (Trong Tạng Kinh Nikāya tiếng Pāḷi, theo sự tìm hiểu của nhiều học giả, thì con số tám vạn bốn ngàn pháp chỉ được đề cập đến duy nhất trong bài kệ của ngài An Nan thuộc Trưởng Lão Kệ (Theragāthā) của Tiểu Bộ (Khuddaka Nikāya).
Vân Tuyền